Jean-François Millet, Kinh Truyền Tin (Angélus, 1857-1859), Viện bảo tàng Orsay
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-09-01
“Điều đánh động tôi nhất trong Giáo hội: sự thánh thiện sâu đậm và bình thường”: Đức Phanxicô ngầm trích văn hào thế kỷ 19-20 của Pháp Joseph Malègue và nói rõ về danh họa thế kỷ 19 Pháp Jean-François Mllet. Người ta cũng thấy bóng dáng của một tiến sĩ Giáo hội ở đây… Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu trong sách phỏng vấn với học giả Pháp Dominique Wolton.
“Chính trị và xã hội” (Nxb Observatoire) phát hành tại Pháp ngày 6 tháng 9, báo Figaro Magazine trích đăng ngày 1 tháng 9-2017 với phần giới thiệu của ký giả Jean-Marie Guénois.
Nói theo phong cách của văn hào Pháp thế kỷ 19 Péguy viết trong “Điều làm tôi ngạc nhiên, Chúa nói” (Ce qui m’étonne, dit Dieu), Đức Giáo hoàng nói lên lời chứng của mình: “Có rất nhiều sự thánh thiện. Đó là chữ tôi muốn dùng cho Giáo hội ngày nay, theo ý nghĩa thánh thiện hàng ngày, trong gia đình… Và điều này là một kinh nghiệm cá nhân. Khi tôi nói đến sự thánh thiện bình thường này, cái mà có lần tôi gọi là thánh thiện của ‘tầng lớp trung lưu’… ông biết nó gợi lên trong tôi điều gì không? Là Kinh Truyền Tin của họa sĩ Millet (Angélus de Millet). Bức tranh đến trong đầu tôi. Sự đơn sơ của hai nông dân khi họ cầu nguyện”.
Và ngài nói thêm: “ Một dân tộc cầu nguyện, một dân tộc phạm tội và họ ăn năn tội mình”
Và giáo hoàng của “zero dung thứ” cho các tội nặng nhất của hàng giáo sĩ, lại thấy một hình thức thánh thiện ẩn giấu trong Giáo hội: “Có những anh hùng đi sứ vụ. Người Pháp các ông đã làm rất nhiều, có một số người đã hy sinh mạng sống của mình. Đó là điều làm tôi xúc động nhất trong Giáo hội: sự thánh thiện bình thường, phong phú. Khả năng thành thánh mà không làm mình nổi lên”.
Ngài cũng nhắc đến khía cạnh Giáo hội học của Công đồng Vatican II, gắn dấu ấn trong phép rửa tội, trong chức thánh “chung” của tất cả những người đã chịu phép rửa phục vụ cho sứ vụ thánh. Chúng ta nhớ lại Giáo luật 1983 đã thay đổi thứ trật các điều khoản so với giáo luật năm 1917, đặt lên hàng đầu Dân Chúa: và chính Đức Giáo hoàng lặp lại: “Giáo hội, là giáo dân”.
Ngài giải thích: “Có những tội của các nhà lãnh đạo Giáo hội, thiếu thông minh hoặc để bị thao túng. Nhưng Giáo hội không phải là các giám mục, các giáo hoàng, các linh mục. Giáo hội là giáo dân. Và Công đồng Vatican II đã nói: “Dân của Chúa, trong toàn thể, không lầm.” Nếu chúng ta muốn biết Giáo hội, hãy vào một làng nơi có Giáo hội sống. Vào bệnh viện nơi có các tín hữu kitô, các giáo dân, các nữ tu làm việc…”
Và ngài không giấu sự ngưỡng mộ của mình cho tinh thần “cách mạng” của các nhà truyền giáo, với chữ hàng đầu của giáo hoàng Dòng Tên là “phục vụ”: “Hãy đến Phi châu, nơi có bao nhiêu là nhà truyền giáo. Họ cống hiến đời sống của họ ở đó. Và họ đã có những cuộc cách mạng thật sự. Không phải để làm cho người dân trở lại, đó là vào một thời khác nhưng bây giờ là để phục vu”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch