Tham nhũng: một kế hoạch để “thức tỉnh lương tâm”

192

Các mục đích chống tham nhũng của Vatican trong năm 2018

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-08-04 

Sách “Corrosione” (Xoi mòn) của Hồng y Peter Turkson, Rizzoli.it

Vatican lặp lại “nghĩa vụ luân lý” phải chống tham nhũng dưới tất cả các hình thức của nó và phải “thức tỉnh các lương tâm”: đó là tài liệu công bố vào ngày 31 tháng 7 – 2017 của Nhóm Tham vấn Quốc tế về Công chính, Tham nhũng, Tội ác có tổ chức và Mafia (International Consultation Group for Justice, Corruption, Organized Crime and Mafias, ICG), được Bộ Phát triển Con người Toàn diện đỡ đầu. Radio Vatican đã công bố tài liệu bằng tiếng Anh.

Thức tỉnh các lương tâm

“Một động thái, một thức tỉnh các lương tâm là điều cần thiết. Đó là động lực đầu tiên của chúng tôi mà chúng tôi nhận thức đây là nghĩa vụ luân lý. Luật lệ là cần thiết nhưng chưa đủ. Có ba mức độ hành động: giáo dục, văn hóa và quyền công dân. Chúng ta cần can đảm hành động để lay động và khích động các lương tâm, để cho lương tâm đi từ thái độ dửng dưng hoàn toàn đến nhận thức nghiêm túc các hiện tượng này, để có phương cách chiến đấu chống nó.”

Hồng y Peter Turkson người Ghana, Bộ trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện là tác giả một quyển sách gần đây về tham nhũng, Đức Phanxicô viết lời tựa cho quyển sách, ngài mời gọi chiến đấu chống tham nhũng bằng một “tinh thần nhân văn mới”.

Ý chỉ cầu nguyện của tháng 2 năm 2018 sẽ là: “Để cho những người nắm giữ quyền lực vật chất, chính trị hoặc thiêng liêng không trượt vào tham nhũng”.

Linh mục Puglisi, linh mục tử đạo

Ngày 15 tháng 6 -2017, Radio Vatican tiếng Anh công bố một tài liệu của cuộc “Thảo luận quốc tế về tham nhũng” và các mục đích của Nhóm Tham vấn Quốc tế (ICG).

Từ tháng 9 sắp tới, và cũng là ngày kỷ niệm vụ ám sát linh mục tử đạo người Ý Giuseppe Puglisi (1937-1993) và suốt năm 2018 Nhóm Tham vấn Quốc tế sẽ tập trung các nỗ lực của mình trong hướng này.

Cuộc Thảo luận quốc tế về tham nhũng đưa ra tầm quan trọng phải nhận diện các “hình thức khác nhau về tham nhũng, tội ác có tổ chức và mafia”. Trước khi qua “hành động”, tham nhũng là một “tình trạng”, vì thế cần thiết phải có giáo dục, đào tạo, hành động của các thể chế và sự tham dự của người công dân”.

Nhóm Tham vấn Quốc tế đề nghị lập trình các “định nghĩa khác nhau” về tham nhũng như Đức Giáo hoàng và Hồng y Turkson đề nghị trong quyển sách “Xói mòn” (Corrosione). Và Nhóm không ngừng ở “các lời van xin đạo hạnh” mà phải có “các hành động cụ thể để được khả tín”. 

Các nạn nhân của mafia

Ngày 19 tháng 7 vừa qua, trong một câu tweet chỉ đăng ở tài khoản tiếng Ý, Đức Giáo hoàng đã xin cầu nguyện cho “tất cả nạn nhân của mafia, xin chúng ta mạnh mẽ tiến tới, tiếp tục chống nạn tham nhũng”, tưởng niệm 25 năm ngày quan tòa chống mafia Paolo Borsellino bị ám sát.

Nhóm Tham vấn Quốc tế cũng loan báo một hiến chế của mạng quốc tế: “Chính Giáo hội là một mạng có thể và phải phục vụ cho kế hoạch này, với sự quyết tâm, can đảm, minh bạch, với một tinh thần hợp tác và sáng tạo”.

Và đây là một mô tả của hiện tượng tham nhũng: “Tất cả ai tìm liên minh để có các ưu tiên, ngoại lệ, các ưu đãi, thậm chí bằng các con đường bất hợp pháp đều không đáng tin. Khi người ta quyết định đi theo cách cư xử này thì người ta có nguy cơ trở nên không đủ tư cách, có hại và nguy hiểm. Những người lợi dụng địa vị của mình để tiến cử những người, thường là không xứng đáng để tiến cử, theo giá trị và theo sự thẳng thắn – thì không đáng tin cậy.”

Tài liệu nói chính xác: “Vì thế, hành động của Nhóm Tham vấn Quốc tế sẽ là giáo dục và thông tin, Nhóm sẽ nói với quần chúng và với nhiều thể chế để tạo một não trạng tự do và công chính, nhằm cho lợi ích chung”.

Tài liệu cho thấy, thường người ta không thấy, chính tham nhũng là nguồn gốc của tội ác, Nhóm sẽ bổ túc cho sự thiếu sót này, đặc biệt ở những nơi trên thế giới mà nạn tham nhũng là “hệ thống của một xã hội thống trị”. 

Dứt phép thông công

Nhóm cũng sẽ “làm việc để phát triển cho một đáp ứng toàn cầu” qua các hội đồng giám mục, các Giáo hội địa phương nhất là qua việc “dứt phép thông công” với những người mafia và những người trong các tổ chức phạm pháp tương tự. Muốn được vậy phải phát triển một tinh thần lắng nghe và đối thoại với những người không phải là tín hữu kitô, trong một tinh thần tích cực, minh bạch và hiệu quả”.

Tài liệu còn khuyên nên làm việc để phát triển tương quan giữa “cái đẹp và công chính: Di sản lịch sử, nghệ thuật và kiến trúc phi thường của chúng ta là một yếu tố đặc biệt để hỗ trợ các hành động giáo dục và xã hội, chống lại tất cả các hình thức tham nhũng và tội ác có tổ chức.”

Suy tư sẽ mang nét chính trị với một “quan tâm đặc biệt về dân chủ và về thế tục hóa” để làm sáng tỏ các hành động theo hướng các thể chế dân sự và đảm bảo các hiệp ước quốc tế được củng cố và luật lệ được chuẩn hóa, để có thể truy lùng tốt hơn các âm mưu tội ác nhiều khi vượt quá biên giới các Quốc gia”.

Một trong các mục tiêu của Nhóm là lên hành động cho Hiệp ước Palerme và Merida.

Tham nhũng và tiến trình hòa bình

Tài liệu này cũng nhắc lại trong các quy chế của Bộ Phát triển Con người Toàn diện là “nói lên quan tâm của Đức Thánh Cha về các chủ đề công chính và hòa bình“ và tạo cho sứ điệp của giáo hoàng trong nghĩa này có một tiếng vang.

Tài liệu cũng đưa ra nhận xét “tham nhũng dẫn đến việc thiếu hòa bình” và Nhóm Tham vấn Quốc tế “sẽ phân tích sâu xa các tương quan giữa tiến trình hòa bình và các hình thức của tham nhũng”. 

Các mục tiêu của năm 2018 

Nhóm công bố 21 mục tiêu, từ ”định nghĩa khái niệm tham nhũng” đến khái niệm “dứt phép thông công vì tham nhũng”, đến việc việc lay động ý kiến quần chúng để có một “văn hóa của công chính”; nhận diện các “hệ quả” nhiều mặt của nạn tham nhũng; đào sâu các quan hệ giữa các dân tộc, các thể chế và tham nhũng, tội ác có tổ chức và mafia; nhận diện các giai đoạn cụ thể để củng cố các luật lệ; đào sâu hiểu biết về lịch sử của nạn tham nhũng, mafia, các tổ chức tội phạm khác và công bố các nghiên cứu này; đào sâu các tương quan giữa tham nhũng và bất công xã hội; cho nạn nhân có tiếng nói, đăng các câu chuyện của họ; đào sâu tương quan giữa lịch sử, cái đẹp, nghệ thuật và công chính, ủng hộ các sáng kiến; tạo diễn đàn thảo luận; các đề nghị giáo dục và đào tạo; định nghĩa một tầm nhìn chính trị trong tương quan với ý tưởng dân chủ, thế tục hóa, công chính xã hội, cổ động cho sự phát triển nhân bản toàn diện; định nghĩa vai trò của Giáo hội và giáo dân trong cuộc đấu tranh này; làm cho việc trau dồi các đức hạnh được biết đến; tìm những người có thể làm phong phú cho sự tham dự vào Nhóm được đa dạng; địa phương hóa các công việc; các thể chế, các luật sư để phát triển kinh tế cho các hoạt động của Nhóm Tham vấn Quốc tế; chấp nhận các sáng kiến để công bố, gặp gỡ, thảo luận, các sự kiện nghệ thuật; tạo các hành động trên truyền thông, trên các mạng xã hội; các tài liệu và các tạp chí; cổ động trong các trường học, các đại học, các tổ chức xã hội, các nhà tù, các tổ chức từ thiện  và giáo dục;  nhận dạng các thể chế, các tổ chức, các nhóm chính quyền hay không, phối hợp vào mạng để hợp tác và có các thỏa hiệp; thu tập các bản văn, các tài liệu, các sách vở, các phương tiện nghe-nhìn, khuyến khích trao đổi thông tin để cùng có các sáng kiến chung.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch