Tham nhũng: Trận chiến văn hóa lớn của Đức Phanxicô

119

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-06-17

Ngày 15 tháng 6, Bộ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức một buổi hội thảo quốc tế về vấn đề tham nhũng, nhân dịp này, Đức Phanxicô đã nhắc tín hữu cũng như không tín hữu, phải chiến đấu chống lại nạn tham nhũng, một căn bệnh “ung thư đã di căn”.

Tham nhũng là một “vũ khí”, là một “dạng ngôn ngữ” được mafia dùng nhiều nhất trong “tiến trình đi đến cái chết”, làm cắt đứt sự cùng tồn tại giữa con người với nhau, làm “thuận lợi trên con đường đi đến tội ác” và cuối cùng đi đến việc hủy hoại chính bản thân người dùng loại vũ khí này. Đức Phanxicô thường xuyên dùng các chữ này để chống “ung nhọt xã hội”, một trong các trận chiến của triều giáo hoàng của ngài. Thêm một lần nữa, ngài đã chống việc này khi viết lời đề tựa quyển sách-phỏng vấn “Ăn Mòn. Thắng tham nhũng trong xã hội cũng như trong Giáo hội” của hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, bộ trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện. Quyển sách đã được nhà xuất bản Ý Corriere della Sera phát hành vào ngày thứ năm 15-6.

Tham nhũng, một hình thức “xúc phạm”

Trong lời nói đầu của quyển sách, Đức Phanxicô cho rằng, tham nhũng đúng là một bệnh, một “bệnh ung thư đã di căn”, một căn bệnh gặm nhắm sâu thẳm nơi con người, có khả năng lan truyền ra ngoài xã hội, tạo sự “mất ổn định”, “xuống cấp” và “nhục nhã” dây chuyền. Ngài tố cáo nguồn gốc sâu đậm của nạn tham nhũng. Theo Đức Hồng y Turkson, đây là “căn bệnh tâm hồn” nhiễm vào đời sống con người ở mọi mức độ. Trong lời nói đầu, Đức Phanxicô phân tích: “Chữ tham nhũng là chữ đụng đến tâm hồn, một tâm hồn “bị gãy đoạn, dơ bẩn vì một cái gì, và một cách biểu tượng hơn, đó là “tâm hồn bị biến dạng” như thân thể đi vào tình trạng rửa thối, thoái hóa đã bốc mùi”. Và nếu Đức Phanxicô không ngần ngại dùng các thuật ngữ này, là vì ngài cũng đã dùng nó trong hai tác phẩm do chính ngài viết về sự tác hại của tham nhũng – Chữa lành tham nhũngKhiêm tốn là con đường dẫn đến Chúa –  từ nhiều năm nay, ngài đã phân tích các cơ chế của nạn dịch này trong Giáo hội cũng như trong xã hội.

Lời nói đầu quyển sách của Đức Hồng y Turkson dưới hình thức lời kêu gọi chiến đấu, hơn bao giờ hết loại “hình thức phạm thượng”, loại “ung thư” tham nhũng làm hại ba quan hệ nền tảng của con người: với Chúa, với đồng loại và với tạo dựng. Đức Phanxicô nhắc lại, theo hồng y Turkson, khi con người để mình bị thoái hóa thì nó “bị sa ngã, sự sa ngã này đi qua các giai đoạn khác nhau”: lúc tham nhũng bắt đầu xuất hiện, kế đến là ảnh hưởng đến mặt thiêng liêng của con người, rồi đến tận các cấu trúc xã hội, văn hóa, chính trị, tội phạm. Đức Phanxicô cũng cho biết, trong tiến trình này, Giáo hội cũng không tránh hiểm nguy. Các tác động của nó trên “căn tính” và trên “đường đi” – thói thời thượng thiêng liêng, lạnh nhạt, đạo đức giả, thói vênh vang chiến thắng, thói chuộng tinh thần thế gian trong cuộc sống, thói dửng dưng… – có tác động “hủy hoại như hủi”!”.

Để có một tinh thần nhân bản mới

”Chúng ta, tín hữu kitô cũng như không kitô, chúng ta như những bông tuyết, nhưng khi kết hiệp với nhau, chúng ta có thể thành một khối: một phong trào mạnh và xây dựng. Và đó là một “tinh thần nhân bản mới”, sự nhận biết này, sự tái tạo này, mà một cách dám làm theo tinh thần ngôn sứ, chúng ta có thể thực hiện được”, Đức Phanxicô yêu cầu. “Cùng nhau, tín hữu kitô hay không kitô, những người thuộc mọi thành phần tôn giáo hoặc không có tôn giáo, chúng ta cùng chiến đấu chống loại hình thức xúc phạm này, chống lại ung thư gặm nhắm đời sống chúng ta. Đã đến lúc khẩn cấp chúng ta phải có ý thức về việc này, và vì việc này, phải có một giáo dục và văn hóa của lòng thương xót, và mọi người cùng hợp tác, theo khả năng riêng, tài năng riêng và sáng tạo riêng của mình”.

Tòa Thánh đi hàng đầu

Từ khi tham gia vào quy ước Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng, tháng 9 năm 2016, Tòa Thánh còn năng động hơn trong việc góp phần của mình, ngày thứ năm 15-6 tại Vatican, Tòa Thánh đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế đầu tiên này. Trận đầu tiên của một trân chiến văn hóa mà Đức Phanxicô nhất quyết đi đến cùng. Mục tiêu của buổi hội thảo do Bộ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức là: “Làm cho dư luận quần chúng quan tâm đến vấn đề, bắt đầu nhận diện đến các sáng kiến cụ thể nhằm giúp trong lãnh vực chính trị và luật lệ phòng chống tham nhũng, mà những người tổ chức muốn đưa lên như men bột trong các tiến trình phát triển, nhằm hủy diệt hết mọi quan hệ giữa thể chế và con người”. Trong số những người tham dự có các đại diện của Giáo hội, giới luật pháp, các hiệp hội, các người hoạt động và các nạn nhân của trọng tội này. Làm gì trước nạn tham nhũng, làm gì trước các trọng tội và mafia, làm gì trước các lạm dụng trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hay đơn giản trong một công việc đáng lý phải được miễn phí… Chính trong tất cả các cấp độ tham nhũng mà Tòa Thánh muốn tấn công đến.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch