Đức Ông Viganò ở Cannes: Phim ảnh là “huấn giáo của nhân loại”

133

Đức ông Viganò ở Liên hoan phim Cannes cùng với bà Anne Facierias, chủ tịch Liên hoan phim về Nét thiêng liêng của Cái đẹp, nhà thực hiện Wim Wenders và ông  Bruno Chatelin, đồng sáng lập công ty Emotion Film Factory.

fr.aleteia.org, Jesús Colina, 2017-05-27

Trao đổi với Đức ông Viganò, bộ trưỏng Bộ Truyền thông  ở Liên hoan phim Cannes

Trong các chuyện mới của lần Liên hoan phim Cannes thứ 70 này, chúng ta có thể ghi nhận sự tham dự của Đức ông Dario Viganò, bộ trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh: một cơ quan được Đức Phanxicô thành lập để thống nhất và để có một bộ mặt truyền thông mới cho Vatican. Được các ký giả có mặt nêu lên, sự kiện này mở một trang mới trong quan hệ giữa “Giáo hội và nghệ thuật thứ bảy”. Quan hệ không mang tính cách tranh luận nhưng mang một “tinh thần trách nhiệm chung mới”. Đức ông Viganò đến Cannes, cùng tháp tùng có các gương mặt lớn của ngành điện ảnh: diễn viên Michael Lonsdale và nhà thực hiện Wim Wenders để tham dự một ngày đặc biệt, ngày dành riêng cho “nghệ thuật và thiêng liêng” bên lề Liên hoan Cannes: “Liên hoan phim về Nét thiêng liêng của Cái đẹp”.

Trong buổi trao đổi giữa các đại diện Giáo hội và kỹ nghệ điện ảnh, Đức Ông Viganò tuyên bố: “Phim ảnh là huấn giáo của nhân loại. Không có việc chia cách đời sống con người một bên, đời sống thiêng liêng một bên. Hai đời sống này hòa lẫn vào nhau. Và các nhà thực hiện phim có được cơ hội thấm sâu vào bản thể con người, với các niềm vui và đau khổ của nó”.

Trang Aleteia chúng tôi ghi lại ý nghĩa sự hiện diện của Đức Ông và tầm quan trọng của đối thoại giữa “Giáo hội và phim ảnh” để truyền đi các “xúc cảm của con người và mở cửa cho tâm hồn”:                                                

Aleteia: Đức Thánh Cha nghĩ gì về phim ảnh?

Đức Ông Dario Viganò: Trong chuyến đi Milan gần đây của Đức Phanxicô, ngài đã nói với các em thêm sức về phim ảnh, ngài nhớ lại một phim danh tiếng của đạo diễn Vittorio De Sica, Trẻ con nhìn chúng ta (Les enfants nous regardent) bộ phim được thực hiện năm 1943. Đối với Đức Giáo hoàng, cuốn phim này và tất cả các phim được thực hiện ngay sau chiến tranh thực sự là “các bài huấn giáo của nhân loại” (Milan, 25 tháng 3-2017), bởi vì các phim nói đến các khó khăn và khốn cùng của con người nhưng cũng mang đến một sứ điệp giải phóng, mở ra với Hy vọng.

Cha có nghĩ phim ảnh có một vai trò trong xã hội?

Tuyệt đối có. Như tất cả các bộ môn nghệ thuật, phim ảnh đóng một vai trò. Có nghĩa là nó kể một thực tế bằng cách cho thấy sự việc sát cận, và đi vào trong các tình tiết tâm lý lắt léo của đời sống con người, không che giấu các ẩn khuất phức tạp hay có vấn đề. Nhưng đồng thời phim ảnh cũng mang một tầm nhìn rộng hơn, mở ra các chân trời khác nhau.

Và tương quan giữa phim ảnh và thiêng liêng…

Phim ảnh đã làm được công việc thúc đẩy chúng ta theo các vết của vô hình, của Chúa, nắm bắt được lòng thương xót được thể hiện trong lịch sử của Con Người. Tôi nghĩ đến nét nên thơ của phim Nhật ký cha sở làng quê (Bernanos, 1951) của điện ảnh gia Robert Bresson, đến phim Chuyện tình cờ Balthazar (1966), mà tác giả thấy hình ảnh Chúa Giêsu trong con lừa khốn khổ bị đánh, bị kéo lê trong các đau khổ của Chúa Kitô.

Tôi cũng nghĩ đến phim La strada (1954), Con đường của Federico Fellini, một phim được Đức Phanxicô yêu chuộng. Cuốn phim nói lên sự ngây thơ của cô gái trẻ Gelsomina đối diện với cuộc sống một cách ngây thơ trong sáng, nhưng vẫn thách thức và đương đầu với sự man rợ của đàn ông, ông Zampanò. Đó là cái nhìn hướng ngoại mà phim ảnh đưa ra cho khán giả, một cái nhìn dữ dội và đôi khi khó nắm bắt được; phim ảnh đưa ra cho chúng ta các biên giới riêng của nó và đẩy chúng ta phải bước qua.

Xin cha giải thích ý nghĩa của sự có mặt của cha ở Liên hoan phim Cannes.

Tại Liên hoan phim Cannes, các tác giả lớn đến đây và giới thiệu cho khán giả toàn cầu các tác phẩm có khả năng cắt đứt cuộc sống hàng ngày nhàm điệu của chúng ta, nhắc lại tầm quan trọng của sự hội nhập xã hội và lòng thương xót. Làm thế nào mà không nhắc đến phim được giải Cành Cọ Vàng năm 2016, “Tôi, Daniel Blake” (I, Daniel Blake) của Ken Loach, nhà đạo diễn người Anh luôn đứng hàng đầu trong các câu chuyện kể đời sống ngoại vi của con người, các điều kiện làm việc của tầng lớp công nhân, của thợ thuyền. Lịch sử của giai cấp vô sản cũng làm cho Pier Paolo Pasolini quan tâm. Trong cuốn phim “Tôi, Daniel Blake”, điện ảnh gia Loach tố cáo gương mặt bất nhân của nạn bàn giấy cửa quyền, đè nát những người đã khốn cùng và không còn cách nào để tự vệ; nhưng khi kể các chuyện này, Ken Loach mang đến một câu chuyện hy vọng, hy vọng này có được nhờ lòng thương xót, nhờ quên mình cho người khác, cho điều thiện.

Cũng cái nhìn này nổi trội trong các tác phẩm của hai anh em Jean-Pierre và Luc Dardenne, người đã thắng ở Liên hoan phim Cannes với phim Rosetta (1999) và  Đứa bé (L’Enfant, 2005). Trong danh sách các phim, tôi đặc biệt thích phim “Hai ngày, một đêm” (Deux jours, une nuit, 2014). Đây là cuốn phim nói về đời sống của các công nhân “bị loại bỏ”, như nữ công nhân Sandra, bị loại vì cô trở lại làm việc sau thời kỳ dưỡng bệnh liên hệ đến chứng trầm cảm. Cô bị đuổi vì người ta xem cô không còn hữu ích, không “sản xuất” được vì đã bị bệnh, vì thế cô bị “thất bại”. Hai anh em Dardenne không ngần ngại đưa ra ánh sáng tất cả sự lạnh lùng của thế giới công ăn việc làm, một thế giới dần mất nhân tính. Tuy nhiên, cùng một lúc họ lại vạch ra một con đường đi lên và giải phóng nhờ vai trò quyết định mà các mối dây yêu thương đã có trong gia đình góp phần, một thành trì vững chắc để chống lại bão tố. Từ đó, tất cả mới có thể bắt đầu lại, từ đó bình minh mới có thể ló dạng.

Tại Cannes, các ký giả có thể thấy được khía cạnh mới của Giáo hội về phim ảnh: không còn các cuộc tranh luận nhưng là hợp tác dựa trên “trách nhiệm chung” để cùng gieo hy vọng.

Đức Phanxicô nói đến sự khẩn cấp này – “nói về hy vọng” – trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội, vào ngày chúa nhật 28 tháng 5. “Truyền thông hy vọng và tin tưởng ở thời buổi chúng ta” là chủ đề Đức Phanxicô chọn cho ngày này để lôi kéo sự chú ý cho tất cả những ai làm việc trong ngành truyền thông và sự hiếu kỳ của dân chúng về tầm quan trọng trong việc cổ động các “câu chuyện thật và trung thực”, nơi cảm nhận “tin tưởng” đối với hiện tại và tương lai không phải là ở phía sau.

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh điều này: “Tôi mong muốn góp phần vào việc nghiên cứu một phong thái truyền thông mới và sáng tạo, không đặt Sự Dữ lên hàng đầu nhưng tìm cách để tìm các giải pháp có thể có để đưa ra ánh sáng, và cũng để cảm nghiệm một tiếp cận tích cực và có trách nhiệm với những người mà thông tin được truyền tải đến. Tôi mong muốn phim ảnh mang đến cho con người thời buổi này những câu chuyện được đánh dấu bởi lôgic của Tin Mừng”. Đó là điều chúng tôi luôn hy vọng ở phim ảnh hay.

Marta An Nguyễn dịch