washingtonpost.com, Sarah Pulliam Bailey, 2017-05-24
Ngày 24 tháng 5, Đức Phanxicô đã gặp Tổng thống Donald Trump, đệ nhất phu nhân Melania Trump, cô con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner tại Vatican. Bà Melania Trump mặc áo tay dài hiệu Dolce và Gabbana và mang khăn che đầu theo truyền thống các đệ nhất phu nhân khi gặp Đức Giáo hoàng. Các phụ nữ khác tham dự, trong đó có cô Ivanka, con gái của tổng thống cũng mặc áo đen và mang khăn che đầu.
Tuy nhiên cũng có một vài thắc mắc vì sao đệ nhất phu nhân mang khăn che đầu ở Vatican mà không mang ở nước hồi giáo Ả rập Xê-út.
Theo ông Rocco Palmo, trưởng ban biên tập của trang Whispers ở Loggia, một trang chuyên về tin tức giáo hội và chính trị, thì các quan chức nước ngoài thường giữ một quy tắc ăn mặc khi đến Vatican, dù quy tắc này đã bắt đầu nới lỏng từ thời Đức Bênêđictô XVI. Đàn ông mặc áo vét đen, sơ mi trắng và cà vạt đen. Chỉ có các nữ hoàng Công giáo và công chúa Monaco có thể mặc áo trắng khi gặp Đức Giáo Hoàng. Phụ nữ thường mang khăn che đầu như một hình thức trở lại thời trước Công đồng Vatican II trong những năm 1960.
Đức Phanxicô cũng nới lỏng cho các giám mục không phải mặc áo chùng khi gặp ngài, nên bây giờ họ chỉ mang cổ cồn trắng. Đức Phanxicô cũng đã không còn mang đôi giày đỏ như vị tiền nhiệm. Ông Palmo nói: “Đó là sứ điệp đơn giản của ngài.”
Trong các thập niên trước, Nữ hoàng Elizabeth II mặc áo đen và mang khăn che đầu đen dưới vương miện của mình khi bà đến Vatican, nhưng trong chuyến viếng thăm năm 2014, bà mặc áo và đội mũ màu tím. Nhưng nếu một đệ nhất phu nhân gặp Đức Giáo hoàng bên ngoài Vatican thì lại là khác; Michelle Obama mặc mắc áo màu xanh để đón Đức giáo hoàng ở sân bay Washington, D.C. tháng 9 năm 2015.
Ông Palmo cho biết: “Nơi cuối cùng Nhà Trắng muốn khỏi bị nhục là Vatican. Các vị tổng thống giành được phiếu của người công giáo da trắng để vào Tòa Bạch Ốc, nếu đệ nhất phu nhân không mang khăn che đầu thì mọi người sẽ thấy.”
Ở Ả-rập Xê-út, phụ nữ Hồi giáo phải mang voan, nhưng người nước ngoài thì không bắt buộc. Một vài phụ nữ nước ngoài mang voan ở Ả-rập Xê-út, nhưng nếu không mang thì cũng không bị cho là coi thường các nhà lãnh đạo đất nước đó. Cũng như bà Melania, các cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và Laura Bush cũng không mang voan khi đến viếng thăm đất nước này.
Bà Jane Hampton Cook, nhà sử học của tổng thống và đệ nhất phu nhân tuyên bố: “Tôi nghĩ mọi người hiểu sai. Đức Giáo Hoàng đứng đầu một Giáo hội. Vua của Ả-rập Xê-út là người đứng đầu Quốc gia. Có một khác biệt giữa một nhà lãnh đạo tôn giáo so với sự tôn trọng đối với một vị vua là người đứng đầu nhà nước”.
Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump tại Riyadh, Ả-rập Xê-út ngày 20 tháng 5. (Jonathan Ernst / Reuters)
Và tuy bà Melania không mang khăn che đầu, nhưng bà mặc áo che kín tay và chân, phù với tiêu chuẩn khiêm nhường của Ả-rập Xê-út. Chuyến đi của Trump không phải là chuyến đi thăm các nhà lãnh đạo tôn giáo hoặc nơi thờ phượng, các phụ nữ Ả rập che tóc của họ trước công chúng, nhưng nhiều phụ nữ Hồi giáo trên thế giới thì không.
Một vài người cho rằng quyết định của các nhà chính trị phương Tây không mang khăn che đầu ở Ả-rập Xê-út là cách mạng; năm 2010, Michelle Obama đến Ả-rập Xê-út với đầu trần bị cho là ‘’khiêu khích chính trị táo bạo” và đã có phản ứng dữ dội. Vào thời điểm đó, ông Trump đã chỉ trích quyết định của Obama qua câu tweet: “Rất nhiều người cho là tuyệt vời khi Bà Obama không mang khăn che đầu ở Ả-rập Xê-út, nhưng như thế là sỉ nhục. Chúng ta đã có đủ kẻ thù”.
Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama bên cạnh Vua Salman bin Abdul Aziz tại Sân bay Quốc tế King Khalid ở Riyadh, ngày 27 tháng 1 năm 2015. (Carolyn Kaster / AP)
Có một số hình cho thấy các đệ nhất phu nhân mang khăn che đầu, nhưng đó là ở các nước hồi giáo khác như Nam Dương (thời Obama), Pakistan (thời Clinton) chứ không phải ở Ả-rập Xê-út.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch