cnewa.org. Joseph Hazboun. 27-5-2014
Joseph Hazboun làm việc ở CNEWA (Catholic Near East Welfare Association), văn phòng giúp người tị nạn Palestine ở Cận Đông, anh là một trong các khách được mời ăn trưa thứ hai 26-5-2014 với Đức Phanxicô.
Như một giấc mơ… Tôi có cảm tưởng như tôi đang xem truyền hình… nhưng Đức Phanxicô đang ngồi trước mặt tôi, bên cạnh là năm gia đình đại diện cho nhiều thành phần khác nhau của cộng đồng Kitô thiểu số ở Đất Thánh và cũng là tiêu biểu cho các thử thách và khó khăn chúng tôi phải đối diện trong hoàn cảnh bị chiếm đóng.
Tôi có cảm tưởng như tôi bị câm trước mặt ngài. Nhưng hoàn cảnh lạ thường này – và cú thúc tay của vợ – đã đưa tôi về thực tế. Vì thông thạo tiếng Ý nên tôi giới thiệu từng gia đình với Đức Phanxicô, gia đình đầu tiên là gia đình ở làng Iqrit, một ngôi làng bị phá hủy sau chiến tranh Do Thái-Ả Rập năm 1948 và dân làng theo đạo bị đuổi ra khỏi làng khi làng Iqrit sát nhập vào Quốc gia Do Thái.
Tiếp theo là một gia đình ở thung lũng Cremisan bị trưng dụng đất để xây bức tường ngăn cách Israel. Sau đó là một cô gái trẻ ở dải Gaza, cô giải thích các khó khăn trong cuộc sống ở vùng đất bị chiếm đóng, bị cấm không được đến các nơi thánh cho đến khi ít nhất được 35 tuổi và chỉ được một hoặc hai lần một năm nếu mình may mắn. Tiếp theo đó là câu chuyện của mẹ Khaled Halabi, người đã bị giam giữ trong các nhà tù Israel hơn 10 năm qua, đại diện cho hàng trăm thanh thiếu niên Palestine bị bắt giữ.
Một người trẻ tuổi từ Giêrusalem giải thích vì sao anh bị kẹt trong hệ thống và không được thường trú ở Giêrusalem, anh không có thẻ căn cước dù cha mẹ của anh có thẻ căn cước ở Giêrusalem. Fouad Twal, Thượng Phụ Latinh Giêrusalem cho biết thêm rằng khi không có thẻ căn cước, thì anh thanh niên này không tồn tại về mặt pháp lý.
Sau khi mọi người nói xong, tôi nói với Đức Phanxicô về các khó khăn của cộng đoàn Kitô ở Giêrusalem. Thấy ngài quá xúc động khi nghe những câu chuyện đau khổ này, tôi xin lỗi ngài và giải thích với ngài vì tôi đại diện cho cộng đoàn Kitô giáo ở Giêrusalem, tôi buộc phải nói cho đủ những chuyện đời đau khổ của cộng đoàn. Ngài rất xúc động về những gì đã nghe và mong biết được toàn bộ câu chuyện. Tôi giải thích các đe dọa mà các gia đình Kitô giáo ở Giêrusalem phải chịu vì nhà cầm quyền Israel áp đặt các luật lệ về đoàn tụ gia đình, ngăn không cho gia đình sống chung với nhau ở chính quê hương Giêrusalem của họ.
Ngài thật ân cần, thật hiền từ và thật có tình. Vợ tôi nói với ngài chúng tôi yêu mến ngài và vinh dự được ngồi ăn với ngài, ngài cười hiền dịu. Nhân đó, tôi thưa với ngài thật ra tôi là một trong các nhân viên của ngài. Tôi cảm thấy như ngài chưa hiểu nên tôi giải thích tôi làm việc cho CNEWA thuộc giáo hoàng ở Palestine, một Hiệp hội được Đức Piô XII thành lập năm 1949 để lo cho các người tị nạn Palestine sau chiến tranh Do Thái-Ả rập và chúng tôi tiếp tục làm công việc này cho đến ngày hôm nay nhưng tiếc thay, vấn đề của người tị nạn vẫn chưa được giải quyết.
Nguyễn Tùng Lâm dịch