Đam mê phục vụ, linh mục Alberto Gauci làm tất cả cho Honduras
catholicnews.com, David Agren, 22-7-2014
Từ Juticalpa, Honduras – Thảm cỏ mơ ước của cha Alberto Gauci dòng Phanxicô vừa được hé lộ ở một góc xa xôi vùng Trung Mỹ, xa khỏi ánh đèn hào quang của World Cup vừa mới tổ chức gần đây. Sân vận động bóng đá của cha với đường biên chuẩn, đèn pha cho các trận ban đêm và đủ chỗ cho 20,000 người hâm mộ đam mê. Và còn có cả một bãi đậu xe.
Sân này gần được hoàn thiện, sau hơn 5 năm kể từ ngày đầu tiên linh mục Gauci thuyết phục được cha mẹ, phụ huynh, giáo dân, các lãnh đạo địa phương là họ nên xây một sân vận động trong vùng đất này, một nơi rất nhiều người đã bỏ đi, một nơi đầy tham nhũng, và các vụ mua bán ma túy ngày càng tăng, là trung tâm chuyển thuốc phiện từ Nam Mỹ đến Hoa Kỳ. Thậm chí còn lạ lùng hơn nữa, là cha Gauci tìm được 40 triệu Lempiras (39 tỷ tiền Việt) để xây sân vận động, vốn vẫn chưa có mặt sân và đường biên ngang, nhưng sẽ đón tiếp giải bóng đá trẻ và đội bóng giải hạng 2, Juticalpa F.C.
“Tôi đã nói với cha mẹ mình: Chúng ta phải làm gì đó để đối phó với nạn thuốc phiện,” cha trả lời phỏng vấn khi đang đẩy xe cút kít qua đường dầu hắc để làm cho xong cái sân.
“Thật khó để trẻ con tránh xa thuốc phiện. Bạn phải cho chúng một chọn lựa khác.”
Cha Gauci là người hâm mộ bóng đá, một người ngoại quốc ở đây, một tu sĩ dòng Phanxicô sống lời khấn khó nghèo, là biểu hiện cho quan điểm của Đức Phanxicô về một Giáo hội phục vụ người nghèo và kiến tạo một nền văn hóa tình thương và quảng đại trong một vùng đất đang đầy dẫy bất tín, bất bình đẳng, và bất công.
Vị linh mục xứ Malta say mê với các dự án xã hội khác như cô nhi viện, nhà cho người già, trường mẫu giáo, trung tâm dinh dưỡng, và thậm chí là một nhà tù, tất cả đều được xây dựng bằng các đóng góp chủ yếu từ những người được xem là khó khăn, và từ những chính trị gia có xu hướng biển thủ của công.
Cha ít nói về các thành tựu của mình, cha quan tâm đến tội ác và nạn tham nhũng ở quê hương thứ hai của mình, và về nguyên do vì sao nó cứ bị quăng quật từ cơn khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, chẳng hạn như hiện nay đang có hàng ngàn trẻ em đang tìm cách đến Hoa Kỳ, mà không có cha mẹ đi kèm.
Từ chỗ ở của mình, một phòng đơn trong tiểu chủng viện, với bạn cùng phòng là con chó Rottweiler được một gia đình gởi tặng sau khi cha giúp họ tiền để họ chuộc lại một người thân của mình bị bắt cóc, cha Gauci cho biết, “sau 40 năm ở đây, tôi vẫn nghĩ, đây đáng ra phải là một trong những đất nước giàu có nhất trên thế giới. Với họ, những dòng tiền bị biển thủ không phải là tham nhũng. Chẳng ai chịu thú nhận về việc đó cả.”
Vị tu sĩ dòng Phanxicô 67 tuổi mảnh khảnh này lái xe quanh địa phận Juticalpa trên chiếc Toyota Land Cruiser. Cha mặc quần sọt, áo thun, mang xăn-đan ở thời tiết nóng hừng hực của vùng, và cho biết, “tôi ước mong được mặc áo dòng lắm.”
Cha đã vận dụng hết lòng tin của mình để giữ xác quyết, giữ lời hứa và lòng trung thành với các giá trị của dòng Phanxicô trong suốt quá trình làm các dự án mình đã khởi xướng. Cha thấy Giáo hội ở Olancho (một vùng có khoảng 500,000 người, bằng cả bang Massachusett, nhưng chỉ có 20 linh mục) đã thực hiện những dấn thân xã hội “mà đúng ra chính quyền phải làm” và đã được cộng đồng tin tưởng.
“Sứ vụ xã hội của chúng tôi mạnh mẽ. Chúng tôi được ghi nhận về điều này. Chúng tôi chia sẻ và chúng tôi sống nghèo với giáo dân. Tôi ngủ trên sàn nhà như họ vậy.”
Các bà cụ là những người đóng góp thường xuyên dù họ có là rất ít. Càng nhiều dự án được hoàn thiện thì càng có nhiều người dân, nhiều chính trị gia đóng góp thêm, và còn có thêm người Honduras hải ngoại, những người sẵn sàng góp phần xây dựng các thành phố quê hương mà họ đã phải rời xa từ rất lâu.
Chủng sinh Hector Adolfo Juarez, 31 tuổi, người được chính cha Gauci rửa tội, cho biết, “Cha là biểu tượng của sự lương thiện trong một xã hội tham nhũng. Cha như một hình ảnh của Thiên Chúa, hiện thân nơi người phàm.”
Cha Gauci sinh ra trong một gia đình ngư dân ở Malta, khi đọc quyển tiểu thuyết “Người nghèo của Chúa” của tác giả Hi Lạp Nikos Kazantzakis, cha đem lòng mến mộ đặc biệt thánh Phanxicô Axixi. Cha cũng thích nhạc rock. Trước đây cha mê Jethro Tull, và đã dự nhiều buổi diễn của các ban nhạc Rolling Stone và Radiohead khi họ đến lưu diễn ở Honduras.
Cha nói về âm nhạc: “Nó giữ cho tôi cân bằng,”, và gần đây cha cũng đã biết cách tải nhạc từ Internet.
Đầu thập niên 1970, khi còn là một linh mục trẻ, cha Gauci rời Malta đến Toronto, Canada, để phục vụ trong cộng đồng di dân người Malta, cha đã đi với họ trên đại lộ Yonge Street dài miên man và biết cuộc sống về đêm của họ.
Sau một năm ở Toronto (nơi hằng năm cha về thăm gia đình), cha được thuyên chuyển đến Honduras, dù cha không biết nói tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính thức ở đây. Cha phục vụ ở Comayagua trong khoảng 10 năm rồi chuyển đến Olancho.
Cha làm việc ở những vùng xa xôi, không có nước máy, hay điện để nghe nhạc rock ưa thích của mình, và cha cho biết, “Tôi không thấy nhớ nó. Tôi đến đây để dạy cho những người này. Và họ đã dạy cho tôi trong suốt 40 năm qua. Họ đã dạy tôi cách để hạnh phúc với những ít oi trong đời, một mái nhà che đầu, gia đình và mảnh ruộng. Hạnh phúc của chúng ta là phải có đủ thứ,” cha đang nói đến những người châu Âu và Bắc Mỹ. “Còn hạnh phúc của họ là được sống.”
Nhưng sự nghèo khổ của người dân ở đây cũng làm cha buồn lòng. Cha đã từng thấy người già ngủ và chết trên đường, điều này đã thúc giục cha thực hiện dự án đầu tiên của mình: một nhà cho người già. Rồi cha xây một trung tâm dinh dưỡng để nuôi trẻ em. Để lo tài chính cho các việc mình đang làm, cha mở một tiệm bánh để có thêm nguồn thu nhập.
Cha Gauci cũng lập một cô nhi viện, một điều mà cha gọi là “điều tốt nhất chúng tôi từng làm được.”
Các nữ tu dòng Phanxicô chăm lo việc điều hành nhà cho người già và cô nhi viện, cha Gauci thường hay đến thăm đây. Người già ở đây gọi cha là “Joven” hay “Chàng trai trẻ.” Đám trẻ con hay phàn nàn tật hút thuốc của cha, nhưng xem cha như người cha của chúng.
Cha Gauci cũng cố gắng giúp đỡ các tù nhân, những người bị nhét vào cái lồng quá tải. Cha dự định xây một nhà tù đúng chuẩn, nhưng ít người ủng hộ việc này. Cha còn đến với các cha lo việc phúc âm hóa, những người thường trích Kinh thánh nhưng lại nói, các tù nhân phải trả giá cho tội ác của mình.
Vậy nên, cha đến thẳng đài phát thanh của địa phận để nói câu nói trong Tin mừng của riêng mình, “Ta ở trong tù và ngươi chẳng làm gì cho ta.” Nhờ đó, nhà tù được xây dựng.
Cha Gauci cho biết mình nhìn ra hy vọng cho Honduras này.
Năm 1983, khi cha mới đến Olancho, hầu hết các linh mục trong giáo phận Jutucalpa là người nước ngoài. Còn bây giờ thì ngược lại, số đông là linh mục bản xứ, nhiều người trong số họ được chính cha rửa tội. Cha bảo là cha thấy có một vài điểm chung trong các chính trị gia trẻ, những người được ảnh hưởng từ các nhóm trẻ Công giáo.
Thị trưởng của Juticalpa, xuất thân từ thanh niên Công giáo, đã lên tiếng mời cha Gauci khởi công chương trình xây nhà ở. Cha cho biết mình sẵn sàng nhưng sẽ chờ cho đến khi hoàn tất sân vận động này đã.
“Thường ở Châu Mỹ La Tinh người ta thấy rất nhiều thứ được khởi xướng nhưng chẳng bao giờ hoàn tất cả.”
J.B. Thái Hòa dịch