Hạ mình vì luồn cúi là tự hành hạ mình, nhưng khi hạ mình chịu đau khổ vì Tin mừng, thì chúng ta nên như Chúa Giêsu. Đây là lời giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng thứ sáu, 17-4, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, khi ngài mời gọi các Kitô hữu đừng bao giờ nuôi dưỡng những xúc cảm thù ghét, nhưng hãy dành thời gian khám phá trong bản thân những tình cảm và thái độ làm đẹp lòng Thiên Chúa là yêu thương và đối thoại.
Liệu trong những hoàn cảnh khốn khó, người ta có thể phản ứng theo đường lối Chúa hay không? Giáo hoàng nói rằng, có thể, và chỉ là vấn đề thời gian. Thời gian để chúng ta được thấm nhập tình cảm của Chúa Giêsu. Đức Phanxicô giải thích điều này qua đoạn sách bài đọc một trích Tông đồ Công vụ. Các tông đồ bị triệu đến trước Thượng hội đồng, bị cáo buộc là rao giảng Tin mừng mà các luật sỹ không muốn nghe.
Đừng dành thời gian thù ghét
Dù thế, một người Pharisiêu, tên là Gamaliel, đã thẳng thắn đề nghị rằng nên cho các tông đồ tiếp tục rao giảng, bởi nếu giáo huấn của các ngài ‘là do loài người, thì nó sẽ tự diệt,’ và ngược lại, nếu lời đó đến từ Thiên Chúa. Thượng hội đồng chấp nhận, nghĩa là họ cho thời gian. Họ không phản ứng bằng cách chạy theo những cảm nghĩ thù ghét bản năng. Và đây là ‘sửa sai’ cho tất cả mọi người.
Hãy cho thời gian. Khi chúng ta có những ý nghĩ ác độc về người khác, những cảm giác xấu xa, khi chúng ta thù địch, giận ghét, thì sẽ tốt khi biết ngăn chặn đừng để chúng lớn lên, biết dành thời gian cho nó. Thời gian đưa mọi sự về hòa hợp, và cho chúng ta nhìn mọi sự một cách đúng đắn. Nhưng nếu bạn phản ứng trong lúc giận dữ, thì chắc chắn bạn sẽ sai. Bạn sẽ nên bất chính. Và bạn cũng sẽ làm tổn thương chính mình. Lời khuyên là đây: thời gian, khi bị cám dỗ, hãy dành thời gian.
Người biết tạm dừng, và dành thời gian cho Chúa
Khi chúng ta nuôi dưỡng oán giận, thì chắc chắn sẽ có bộc phát. ‘Nó sẽ bộc phát thành xúc phạm, thành chiến tranh, và với những ý nghĩ xấu xa chống lại người khác, chúng ta dấy chiến tranh chống Chúa, trong khi Thiên Chúa yêu thương mọi người, mến sự hòa hợp, mến tình thương, yêu chuộng đối thoại, yêu chuộng việc cùng nhau chung bước.’ Giáo hoàng nhìn nhận rằng, ‘Chuyện này cũng đã có xảy đến với tôi. Khi có chuyện gì đó không thoải mái, khi cảm giác ban đầu không từ Thiên Chúa, nhưng đầy xấu xa, luôn luôn có chuyện như thế.’ Nhưng chúng ta phải dừng lại, phải ‘dành chỗ cho Thần Khí’ để chúng ta được sửa đổi, để được bình an. Như các thánh tông đồ, những người bị đánh đòn và rời Thượng hội đồng với lòng ‘hân hoan’ vì đã chịu ‘sỉ nhục vì danh Chúa Giêsu.’
Lòng kiêu ngạo muốn mình là số một khiến bạn muốn giết hại người khác, còn sự hạ mình thậm chí là chịu nhục, làm cho bạn nên giống Chúa Giêsu. Và đây là điều mà chúng ta không nghĩ đến. Khi mà rất nhiều anh chị em của chúng ta tử đạo vì danh Chúa Giêsu, họ đang trong tình trạng này, trong niềm vui chịu đựng sỉ nhục và thậm chí là cái chết vì danh Chúa Giêsu. Để thoát khỏi sự kiêu ngạo muốn làm đầu, thì chỉ có cách mở lòng ra với sự khiêm nhượng, sự hạ mình luôn đi kèm với hạ nhục. Đây là điều không phải tự nhiên mà hiểu được. Mà là ơn chúng ta phải xin.’
Tử đạo và khiêm nhượng nên giống Chúa Kitô
Đây là ơn ‘noi gương Chúa Kitô.’ Không chỉ những người tử đạo thực thi chứng tá noi gương này, nhưng là cả ‘nhiều người nam nữ đang chịu hạ mình mỗi ngày vì gia đình mình, họ nín thinh, không nói gì, họ chịu đựng vì tình yêu với Chúa Giêsu.’
Và đây là sự thánh thiện của Giáo hội, là niềm vui mà sự hạ mình đem lại. Hạ mình không đẹp đẽ gì, không đẹp, nghĩ như thế này là đang nói đến chứng hành hạ bản thân rồi, nhưng không phải thế, hạ mình đem lại hân hoan là bởi khi hạ mình, bạn noi gương Chúa Giêsu. Hai thái độ cần phải có là: thứ nhất, khép lại trước những gì đẩy bạn đến thù ghét, đến giận dữ, đến ý muốn giết người, và thứ hai, mở ra với Thiên Chúa, với đường lối của Chúa Giêsu, cho chúng ta chấp nhận hạ mình, ngay cả những hạ nhục nặng nề nhất, với niềm hân hoan trong lòng rằng mình đang theo con đường mà chính Chúa Giêsu đã mở ra.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng