Các nguyên tắc cho đối thoại liên tôn và các quan điểm liên tôn
Ronald Rolheiser, 13 Tháng Tư 2015
Chúng ta sống trong một thế giới mà những tôn giáo đang bị bất kinh và xúc phạm. Mọi báo đài ngày nay đều ghi nhận sự bất kính và bạo lực nhân danh tôn giáo, sự bất kinh nhân danh Thiên Chúa, đang ngày càng phổ biến. Những người làm việc này luôn xem hành động của mình là thiêng liêng, là công chính với những nguyên do thánh thiện.
Và nếu nhìn vào lịch sử, mọi chuyện đã luôn luôn như thế. Không một tôn giáo nào, ngay cả Kitô giáo, là vô tội. Tất cả mọi tôn giáo lớn trong thế giới, ở nhiều thời điểm khác nhau, đều là kẻ bách hại và người bị bách hại. Vậy nên chúng ta phải hỏi câu này: Đâu là những nguyên tắc căn bản để sống thích hợp liên hệ của chúng ta với các đức tin khác, mà không gây hại cho đức tin của chúng ta?
Mỗi truyền thống đức tin của chúng ta cho thấy 10 nguyên tắc này:
- Tất cả mọi sự tốt lành, chân thật, và tốt đẹp đều đến từ một Đấng, một Tác giả, là Thiên Chúa. Không có điều gì chân thật, dù mang vẻ đạo hay vẻ thế tục, lại đi ngược lại đức tin thật và tôn giáo thật.
- Thiên Chúa sẽ cứu rỗi tất cả mọi người, như nhau, không phân biệt. Thiên Chúa không ưu ái riêng ai. Tất cả mọi người đều có thể đến với Thiên Chúa và Thần Khí Thiên Chúa, và toàn thể nhân loại không bao giờ thiếu sự quan phòng của Ngài. Hơn nữa, mỗi một tôn giáo không được bác bỏ những gì chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo khác.
- Không một tôn giáo hay giáo phái nào có đầy đủ và toàn bộ chân lý. Thiên Chúa là Đấng vô hạn và không gì tả nổi. Vi lẽ này, nên không thể định nghĩa Thiên Chúa bằng những khái niệm và ngôn từ của loài người. Do đó, dù hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa có lẽ là đúng thật, nhưng luôn luôn là cục bộ mà thôi. Có thể biết thật về Thiên Chúa, nhưng không thể nghĩ cho đúng thật về Thiên Chúa được.
- Tất cả mọi đức tin và tôn giáo đều đang trên hành trình đến với sự viên mãn của chân lý. Không một tôn giáo hay giáo phái nào có thể xem chân lý của mình là trọn vẹn, là một sự trường cữu, nhưng phải nhìn nhận sự thật mình đang có chính là điểm khởi đầu cho hành trình này. Hơn nữa, như nhiều tôn giáo khác (và các giáo phái, các nhóm trong một tô giáo), chúng ta cũng cần phải cảm thấy đủ vững vàng trong ‘nhà’ mình để nhận biết sự thật và vẻ đẹp đang biểu lộ nơi ‘nhà’ người khác. Chúng ta cần phải chấp nhận rằng có những người khác sống trong cùng một đức tin như chúng ta, nhưng với một ngôn ngữ trình bày khác mà thôi.
- Sự đa dạng trong lòng đạo rất phong phú, và theo ý Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta hiệp nhất, nhưng Ngài còn ban cho chúng ta sự đa dạng giúp biểu lộ sự dồi dào quá đỗi trong Ngài. Sự đa dạng tôn giáo là nguyên do gây nên nhiều căng thẳng, nhưng sự đa dạng này và nỗ lực để vượt qua sự khác biệt sẽ góp phần mạnh mẽ thêm phong phú cho sự hiệp nhất cuối cùng.
- Thiên Chúa ‘tán xạ’ trong thế giới tôn giáo. Tất cả những gì tích cực trong một tôn giáo, thể hiện một điều gì đó từ Thiên Chúa và góp phần và mặc khải thiêng liêng. Do đó, từ quan điểm này, các tôn giáo khác nhau trên thế giới chung tay cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa.
- Mỗi một người phải thực hành đức tin của mình dựa trên chính lương tâm của mình. Mỗi một người chúng ta phải có trách nhiệm với đức tin và ơn cứu độ của chính mình.
- Trên toàn cầu, tất cả các tôn giáo lớn đều giao thoa thấm nhập với nhau (và với một Kitô hữu, điều này nghĩa là các tôn giáo khác cũng thấm nhập vào mầu nhiệm của Chúa Kitô). Một đức tin đích thực nhận biết rằng Thiên Chúa là cho tất cả mọi người, và Thần khí Chúa thổi tự do, bởi thế tự thân Thần khí cũng đi vào ý hướng của các tôn giáo khác, cũng như vào các phái khác nhau trong cùng một tôn giáo.
- Một liên hệ đơn thuần theo bề ngoài và theo lịch sử, không quan trọng bằng việc đạt được liên hệ riêng, mật thiết với Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, cho dù theo tôn giáo nào, không phải là việc hành đạo cho bằng một mối liên hệ riêng với Ngài, có thể biến đổi đời sống chúng ta sao cho chiếu tỏa sự tốt lành, sự thật và vẻ đẹp của Thiên Chúa rõ ràng hơn nữa.
- Trong đời chúng ta, và trong liên hệ của chúng ta với các tôn giáo khác, thì sự tôn trọng, lòng nhân, đức ái phải chiến thắng tất cả mọi điều khác. Điều này không có nghĩa rằng tất cả mọi tôn giáo đều như nhau, nhưng nghĩa là những gì thâm sâu nhất trong mọi tôn giáo chân thực là những sự căn bản này: tôn trọng, lòng nhân, và đức ái.
Suốt dòng lịch sử, những nhà tư tưởng lớn đã vật lộn với vấn đề giữa sự hợp nhất và sự đa dạng. Và dù ý thức hay vô thức, tất cả chúng ta cũng đều đấu tranh với căng thẳng này, giữa một và nhiều, giữa sự hợp nhất và sự đa dạng, nhưng có lẽ điều này không đến nỗi phức tạp như thế nếu chúng ta nhìn nhận đây là sự phong phú phản ánh sự quá đỗi dư tràn vô hạn của Thiên Chúa và khả năng có hạn của chúng ta khi nỗ lực nắm bắt sự vô hạn này. Có thể mô tả vấn đề đa dạng tôn giáo như thế này:
Nhiều người khác nhau, cùng một địa cầu
Nhiều niềm tin khác nhau, cùng một Thiên Chúa
Nhiều ngôn ngữ khác nhau, cùng một tấm lòng
Biết bao nhiêu sự rơi xuống, nhưng cùng một luật trọng lực
Nhiều động năng khác biệt, cùng một Thần Khí
Nhiều kinh thánh khác nhau, nhưng cùng một Lời
Nhiều kiểu thờ phượng khác nhau, cùng một nguyện vọng
Nhiều chuyện đời khác nhau, cùng một định mệnh
Nhiều kỷ luật khác nhau, cùng một mục đích
Nhiều cách tiếp cận khác nhau, cùng một con đường
Nhiều đức tin khác nhau, nhưng cùng một Mẹ, một địa cầu, một bầu trời, một khởi đầu, một đích đến.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch