la-croix.com, Marie Malzac, 2017-02-19
Ngày 18 tháng 2-2017, ông Gian Pietro Milano, Tổng kiểm sát Tòa Thánh cho biết, năm 2016, Vatican đã phong tỏa 2 triệu euro trong chương trình chống rửa tiền, một chương trình được Đức Phanxicô củng cố.
Nhân dịp mở đầu năm tư pháp ở Vatican, ông Gian Pietro Milano đã đọc một bài diễn văn, ông nêu lên các nỗ lực cải cách để minh bạch tài chánh. Ông cho biết, từ năm 2013 đến 2016, tổng cộng Vatican đã phong tỏa 13 triệu euro có nguồn gốc mờ ám, trong đó năm 2016 phong tỏa 2 triệu.
Cơ quan Thông tin tài chánh Vatican (AIF) cũng cho biết, năm ngoái ngân hàng Vatican đã đóng gần 5000 tài khoản nghi ngờ trong chiến dịch tái cấu trúc lại Ngân hàng Vatican (IOR).
Theo tiêu chuẩn quốc tế
Cơ quan Thông tin tài chánh Vatican (AIF) được Đức Bênêđictô XVI thành lập năm 2010 để thúc đẩy các cơ sở tài chánh Vatican tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, chống nạn rửa tiền và tài trợ cho các tổ chức khủng bố.
Trong quá khứ, Ngân hàng Vatican dính đến nhiều chuyện làm ăn tai tiếng. Dưới triều Đức Bênêđictô XVI, công việc chỉnh đốn và làm minh bạch đã được tiến hành và được đẩy mạnh khi Đức Phanxicô được bầu chọn.
Năm 2011, Vatican xin tham dự vào tiến trình định giá của Moneyval. Cơ quan này của hội đồng Âu châu nhằm đấu tranh chống nạn rửa tiền, trong một bản báo cáo tháng 12 vừa qua, Cơ quan cho biết Vatican đã sửa phần lớn các yếu kém trong cơ cấu của mình, và nhắc Vatican phải tiến hành nhanh các vụ kiện, theo dõi các hồ sơ cho đến nay vẫn chưa có một sự buộc tội nào.
Trong phần mở đầu bài diễn văn của mình, ông Tổng kiểm sát tòa án cho biết: “Vatican đã có nhiều cố gắng trong công việc phức tạp và rộng lớn này, một công việc được hỗ trợ bởi các cải cách của Đức Phanxicô”.
Ông cũng nhắc lại vụ rò rỉ “Vatileaks” tiết lộ các tài liệu mật của Vatican, nhưng nhất là nêu liên việc cải cách luật hình sự tài chánh về việc rửa tiền, nhấn mạnh đến các tiến bộ phải làm đặc biệt trong lãnh vực hình phạt. Ông cũng lưu ý đến một điểm khác là sự hợp tác với luật pháp Ý. Ông Gian Pietro Marino cho biết, một vài người nhìn tiến trình này như một sự “suy yếu” về mặt độc lập của Tòa Thánh, một “thỏa hiệp”. Nhưng các cố gắng của Vatican nhằm làm sao để tham dự vào quyết định của cộng đoàn quốc tế nhằm chống “bất công và mất thăng bằng” mà vẫn giữ bản chất “sứ mệnh” đặc biệt của mình.
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ở Đại thính đường Phaolô VI ngày 15 tháng 2017.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch