lavie.fr, Charles de Pechpeyrou, 2017-02-07
Từ năm 2011, linh mục Antonio Spadaro là giám đốc báo Văn minh Công giáo (La Civiltà cattolica), cha là linh mục Dòng Tên người Sicilia, 50 tuổi, người đã đưa tạp chí Dòng Tên Ý lên hàng báo chí trong lãnh vực thảo luận tư tưởng và tạo sự kiện. Nếu linh mục Antonio Spadaro không giấu sự gần gũi của mình với Đức Phanxicô thì cha từ chối bị gán cho là mưu sĩ hay phát ngôn viên không chính thức của ngài, như thỉnh thoảng cha bị gán.
“Tôi vừa từ Vatican về, tôi vừa đưa nội dung số báo sắp tới cho Văn phòng Quốc Vụ Khanh duyệt.” Lịch làm việc của cha dày đặc, tài khoản Twitter luôn sôi sục nhưng cha luôn giữ nét bình thản và một nụ cười thật tươi. Cha tiếp chúng tôi ở Villa Malta, trụ sở chính của báo, nơi chỉ cách Trinité-des-Monts, Rôma vài bước. Ngược với bầu khí yên tỉnh của các phòng thời Trung cổ của cung điện La Mã, mà từ lâu là tài sản của Đức, văn phòng của cha tươi sáng. Căn phòng trang trí thanh cao, theo hình ảnh của người đã làm cho tờ báo Văn minh Công giáo thành một trong những tờ báo không thể nào không đọc của Giáo hội, một tờ báo dành cho những người quan tâm đến các vấn đề xã hội và văn hóa. Một tờ báo “đáng kể”, một tờ báo tạo sự kiện, tờ báo có bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng đầu tiên của linh mục Spadaro vào mùa hè năm 2013, hoặc gần đây bài phỏng vấn dài với nhà đạo diễn Martin Scorsese về cuốn phim Im lặng (Silence) mới chiếu trong tháng này.
Dù vậy, cũng như các vị tiền nhiệm của mình từ một thế kỷ rưỡi nay, linh mục vẫn giữ tập tục bất di bất dịch là đưa bản thảo báo Văn minh Công giáo cho văn phòng Quốc Vụ Khanh đọc trước khi xuất bản. Chỉ có một điểm khác là bây giờ linh mục ở Trụ sở tông tòa, nên có một số người xem tờ báo là tiếng nói của Đức Phanxicô, nhất là sau cuộc phỏng vấn mùa hè năm 2013, tờ báo như một chứng nhận cho tư tưởng của Đức Giáo hoàng, bài phỏng vấn này được đăng trên trang chính thức của Vatican.
Ơn gọi Dòng Tên bám rễ chặt
Vào ngày 23 tháng 1, sự hăng hái được thấy rõ nơi người tự cho mình là “người của hành động, người của dự án, theo hình ảnh của thân phụ thương gia của mình”. Quả vậy, ngày 11 tháng 2 sắp tới, số báo thứ 4000 sẽ ra mắt, một sự kiện đặc biệt ngoại thường, đánh dấu bằng một buổi tiếp kiến riêng với Đức Phanxicô, sau đó với các nhà cầm quyền Ý.
“Bổn phận của tôi không phải là lặp lại lời Đức Phanxicô nói nhưng là nhìn trên thực tế ánh sáng đặc sủng tòa Phêrô của ngài.”
Linh mục cho biết: “Cá nhân tôi, một phần tôi cảm nhận trách nhiệm giám đốc báo Văn minh Công giáo với rất nhiều cảm xúc, phần khác là sự tương hợp với đặc sủng của Đức Giáo hoàng, do ngài có cùng ngôn ngữ, cùng linh đạo, một đường lối linh đạo mà chính xác tôi được huấn luyện từ đó. Cảm nhận trách nhiệm này thúc đẩy tôi cực kỳ chăm chú đến ngài, đến nhãn quan về các sự việc của ngài, nhưng cùng một lúc, tôi tìm cách để hiểu hơn về thực tế của thế giới.” Quả thực, theo linh mục, “chúng ta không thể hiểu những gì Đức Phanxicô làm, nếu chúng ta không có một suy nghĩ chính xác đủ về những gì đang xảy ra trong thực tế của thế giới”. Điều này phải làm qua phân định, “một trong những cột trụ chính của triều giáo hoàng của ngài”. Tóm tắt là: “Bổn phận của tôi không phải là lặp lại lời Đức Phanxicô nói nhưng là nhìn trên thực tế ánh sáng đặc sủng tòa Phêrô của ngài.”
Nếu ngày hôm nay linh mục Spadaro nổi tiếng vì là giám đốc báo “Văn minh Công giáo” thì đời sống của cha trước đây ít ai biết. Trong những năm 1990 cha đã bắt đầu viết, cha viết các bài về văn học, một lãnh vực cha rất thích từ khi còn trẻ. Cha rất thích các tác giả Mỹ như nữ văn sĩ Flannery O’Connor, Emily Dickinson hay linh mục Dòng Tên Gerard Manley Hopkins. Còn về ơn gọi của mình, tất cả bắt đầu bằng tờ giấy nhỏ để trên mép bàn, tờ giấy nói về một kỳ tĩnh tâm ở Toscane. Lúc đó Antonio là sinh viên phân khoa triết của Đại học Messine và đang trải qua giai đoạn nghi ngờ về đức tin của mình. Và cha quyết định đi khóa tĩnh tâm này.
Cha thố lộ: “Trong những ngày đi tĩnh tâm, tôi xác tín một cách sâu đậm và mật thiết, linh đạo I-Nhã là linh đạo của tôi. Ơn gọi linh mục của tôi cũng là ơn gọi vào Dòng Tên, trong đời tôi, tôi luôn cảm thấy có một sức hút về đời sống thiêng liêng, cầu nguyện, về các chất vấn. Chẳng hạn, từ khi còn nhỏ, tôi đã hỏi cha mẹ tôi để biết xem tư tưởng của mình đến từ mình hay do Chúa cảm hứng.” Một nối kết rất mạnh của người con duy nhất trong gia đình với cha mẹ, đến mức mà cha mẹ không hứng khởi mấy khi con mình cho biết sẽ vào nhà tập. Cha nhắc lại: “Với thời gian, cha mẹ đã hiểu và nâng đỡ tôi rất nhiều. Tôi rất biết ơn hai người”.
Một trong những người chủ chốt của triều giáo hoàng?
Và rồi Antonio Spadaro chịu chức linh mục năm 1996 ở Catane lúc 30 tuổi, sẵn sàng lên đường phiêu lưu. “Trong tâm hồn và trong quả tim của linh mục, thế giới này là một nơi rất rộng lớn, kết hợp với sự dấn thân, với sự sẵn sàng.” Theo năm tháng, linh mục trẻ muốn tìm cho mình một con đường riêng, không nhất thiết phải đi theo các gương mẫu. Tuy nhiên, linh mục bị đánh động bởi hai linh mục Dòng Tên: nhà truyền giáo Matteo Ricci và nhà thần học Pierre Teilhard de Chardin, “những người xây cầu, những người thể hiện tinh thần kitô hữu của mình trong lòng thực tế, trong thế giới, trong môi trường văn hóa”.
“Tôi tìm thấy nơi Đức Phanxicô một tổng hợp của một văn hóa về mặt thiêng liêng và mục vụ rất sâu đậm, đã đánh động tôi, nhiều hơn cả sự việc ngài là giáo hoàng.”
Ở trọng tâm các vấn đề sôi sục của thế giới, cha vẫn giữ cho mình khoảng không gian hướng nội, cô tịch, đó là áp lực đi theo đời linh mục và cha tìm được chìa khóa nơi Dòng Tên. Tĩnh tâm hàng năm và các bài tập linh thao là những chuyện không thể thiếu đối với cha. Cũng như cha rất gắn bó với đời sống cộng đoàn. “Tôi không bao giờ hình dung tôi có thể sống một mình, như linh mục ở giáo phận chẳng hạn, điều này làm tôi giống Đức Phanxicô một chút.” Đức Bergoglio Dòng Tên mà “bây giờ cha nhận ra hết đặc tính thiên tài của ngài”.
Tôi tìm thấy nơi Đức Phanxicô một tổng hợp của một văn hóa về mặt thiêng liêng và mục vụ rất sâu đậm, đã đánh động tôi, nhiều hơn cả sự việc ngài là giáo hoàng.
Linh mục Spadaro đã học để hiểu và để quen thuộc với tư tưởng của Đức Phanxicô qua các cuộc phỏng vấn cho báo Văn minh Công giáo, hoặc qua các sách khác như quyển Tình yêu trước thế giới, quyển này là tuyển tập các thư của các em bé trên thế giới gởi về. Bây giờ, cha được xem như một trong các người chủ chốt của triều giáo hoàng, một trong những người thân cận của giáo hoàng. Dù vậy, linh mục từ khước mọi địa vị ưu tiên: “Trên thực tế, Đức Giáo hoàng dựa trên các tính năng của mình, ngài nói chuyện với rất nhiều người, bằng điện thoại hoặc qua các của gặp tình cờ ở hành lang Nhà Thánh Mácta, vì ngài cần đối thoại, cần nhận ý kiến và thông tin.” Cha nhấn mạnh: “Tôi không phải là mưu sĩ, đó là vị trí lý tưởng mà một vài người gán cho tôi. Nhưng Đức Giáo hoàng không bao giờ cần có một hay hai người bên cạnh, vì ngài rất tự lập trong cái nhìn của mình.”
Linh mục lại càng không phải là người bào chữa cho Đức Giáo hoàng, như cha đã trả lời khi được hỏi về vai trò của cha trong “vụ hoài nghi, dubia”, một tấn công nhắm vào Đức Phanxicô mùa thu vừa qua của bốn hồng y đe dọa “sửa trong tình anh em”. Họ chỉ trích một đoạn trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris Lỉtitia) về những người ly dị tái hôn mà theo họ thì mập mờ và nguy hiểm.
Linh mục Spadaro cho rằng các can thiệp của mình trên tài khoản Twitter và trên trang blog Bombacarta – cha cũng là người điều hành trang “cyberthéologie” – là để đưa ra phản hồi cho một tiến trình thảo luận trên truyền thông hơn là phản pháo lại các công kích của các hồng y. Cha dập ngay: “Đức Phanxicô không cần người bảo vệ mình, cũng không cần phát ngôn viên, Ngài biết phản ứng một mình. Thật không may, trong kinh nghiệm mục vụ quá khứ của mình, ngài đã quen đối diện với các tình huống rất nghiêm trọng, nhất là trong thời chế độ độc tài, đây là những vấn đề tranh cãi trong giới tu sĩ”. Dù sao, linh mục Spadaro cũng “bực mình vì những người luôn được xem là người bảo vệ giáo hoàng bây giờ lại tấn công ngài một cách dễ dàng”.
Tuy nhiên cha từ chối bi thảm hóa: “Chắc chắn, Đức Giáo hoàng bị những người trong nội bộ Giáo hội tấn công. Một vài phản ứng tiêu cực và cực kỳ hung hăng bị phóng đại, như trong một phòng có tiếng vang, nhưng những phản ứng này không có cơ sở thực tế”. Cha nói thêm: “Có một hận thù nào đó chống Đức Giáo hoàng và chống những người cực kỳ bảo thủ bị cho là thân cận với giáo hoàng, nhưng rốt cùng, chúng ta đối phó với một nhóm nhỏ người nhưng họ lại gây nhiều tiếng ồn”. Cha tin chắc, dù sao sự hung hăng chống-Bergoglio sẽ luôn đụng một bức tường không lay chuyển, đó là giáo hoàng bình thản, “bình tâm với chính mình vì không có gì cần để chứng minh cho ai”.
Tiểu sử linh mục Antonio Spadaro:
1966 : Sinh ở Messine, Sicilia
1988 : Cao học triết ở Đại học Messine, vào nhà tập Dòng Tên ở Gênes
1994 : Đăng các bài đầu tiên về văn hóa cho báo “Văn minh Công giáo”
1996 : Chịu chức ở Catane
2000 : Tiến sĩ thần học Giáo hoàng Học viện Gregoria
2007 : Khấn trọn ở Nhà thờ Gesù, Rôma
2011 : Giám đốc báo Văn minh Công giáo
2013 : Phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô, được xuất bản trong nhiều ngôn ngữ
2017 : Xuất bản số 4000 tạp chí Dòng Tên, được in bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đại Hàn