Phản ứng của Đức Giáo hoàng là “bình thản và bình tâm”
fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-02-06
Sáng thứ bảy 4 tháng 2, người dân Rôma thức dậy bàng hoàng thấy các áp-phích thù nghịch Đức Giáo hoàng dán ngoài đường với hàng chữ: “Phanxicô, ngài để các Dòng dưới chế độ giám hộ, cách chức các linh mục, cắt đầu Dòng Hiệp sĩ Malta và Dòng Phan Sinh Vô Nhiễm, ngài phớt lờ các hồng y… Vậy lòng thương xót của ngài ở đâu?”. Hàng chục áp-phích nặc danh viết bằng tiếng địa phương Rôma, chỉ trích các cải cách gần đây của Đức Giáo hoàng. Trên các hàng chữ này là hình Đức Phanxicô nét mặt buồn bã. Theo một số người, vụ tấn công này “chính xác, tàn nhẫn, cố tình” và không nên đánh giá thấp. Với một số người khác, hành động này “xấu xa và không chấp nhận được” và phải bị lên án ngay lập tức. Ở Vatican, người ta cho biết, như thường lệ, phản ứng của Đức Phanxicô là “bình thản và bình tâm”, hồng y cộng sự thân cận Marc Ouellet, bộ trưởng bộ các Giám mục nói đây là bàn tay của “quỷ” để gây “chia rẽ”.
Chống nặc danh
Trên kênh Tgcom 24 của chương trình truyền hình Ý “Các phòng của Vatican, Stanze vaticane”, Đức Hồng y Ouellt lên tiếng: “Theo tôi nghĩ, những người mà các áp-phích này nêu lên, họ sẽ không vui khi thấy tên mình bị dùng để chỉ trích, để tấn công Đức Giáo hoàng như vậy. Tuy nhiên tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những người này phản ứng để cải chính cách làm “không thể chấp nhận trong Giáo hội,” cách làm của “quỷ để gây chia rẽ”. Về nội dung thì Đức Hồng y không muốn đề cập đến, cho rằng làm “quảng cáo cho những người nặc danh này không phải là một chuyện tốt, như thế chỉ làm hại cho các cộng đoàn bị ghi tên trên áp-phích, như Dòng Hiệp sĩ Malta mà Đức Giáo hoàng đã đặt Dòng dưới chế độ giám hộ sau khi Bề trên Tu Hội từ chức. Về vấn đề này, theo trang mạng Ý Farodiroma, Hồng y Ouellet nhắc lại, “Đức Giáo hoàng cai quản Giáo hội” và khi có vấn đề, căng thẳng hay khủng hoảng, thì ngài có “bổn phận đưa ra các biện pháp cần thiết. Các quyết định của ngài là hoa trái của lời cầu nguyện sâu xa, lời cầu nguyện của một người bình tâm”.
Về phần mình, Đức Hồng y Agostino Vallini, phụ tá Đức Giáo hoàng, phó Tổng Giám mục giáo phận Rôma bày tỏ: “Nỗi buồn và phản đối của mình cũng như của tất cả tín hữu, người dân Rôma, họ không công nhận các lời chỉ trích này và khẳng định lòng tôn trọng trong tình phụ tử, trong công việc rao giảng Phúc Âm, trong sự gần gũi giáo dân, đặc biệt với những người nghèo nhất của Đức Phanxicô”.
Hành động có tính hủy hoại và không chấp nhận được
Ký giả người Ý, Aldo Maria Valli, chuyên gia về các vấn đề Vatican của báo Avvenire, tờ báo công giáo, ông là tác giả nhiều sách về Đức Giáo hoàng và các biến cố lớn trong Giáo hội, ông cho biết, các áp-phích này “phải bị lên án nghiêm khắc và thẳng thắn”. Đây là vấn đề “lề lối, luật lệ phải được tôn trọng”. Đặc biệt theo ông, “không phải tông giọng và nội dung nhưng vấn đề là không có chữ ký”. Ai cũng “có cũng có quyền bày tỏ ý kiến và xác tín của mình, và có quyền bày tỏ một cách tự do, nhưng trong chừng mực những chuyện này phải được tôn trọng, không được rơi vào trong sự công kích và phải mang tên những người mà họ đại diện”. Mọi quan điểm, dù thế nào đi chăng nữa, “một khi được nói lên một cách ẩn danh thì bị lên án và không thể và cũng không được cho là đáng để ý”. Từ đó là niềm cay đắng khi “đứng trước một hành vi quá xấu”, không có một chút gì “trí thức và luân lý vững chắc”, đặc điểm của những người đấu tranh cho các ý tưởng của họ.
Nhà báo nói tiếp, chúng ta đã biết, từ những thế kỷ đầu tiên, kitô giáo đã đi qua các tranh cãi kịch liệt, mọi người còn nhớ các tranh cãi gần đây: Công đồng Vatican II, rồi Thượng hội đồng gia đình gần đây, “các ý kiến đụng chạm nhau không nhân nhượng”. Mặt khác, chính Đức Giáo hoàng lại không khuyến khích sự “thẳng thắn” vì tình yêu cho Giáo hội và cho sự thật” đó sao? Người kitô hữu phải cảm thấy mình có tự do khi nói “có” hay “không”, nhưng điều quan trọng là biết ai nói. Và theo ký giả Aldo Maria Valli, người nào nói thì người đó “phải lập luận, phải cho biết tất cả các động lực của mình để có thể có được một cuộc thảo luận về các ý tưởng”. Ký giả Valli nhấn mạnh, loại tấn công nặc danh “lạnh lùng ném đi và không có một đối diện nào có thể, thì không ở trong tự do này và không xứng đáng là kitô hữu, lại càng thêm không xứng đáng là con của Giáo hội”.
Cho đến bây giờ, tòa thị chính Rôma chưa từng bao giờ thấy loại áp-phích dán này, tòa xem việc này rất nghiêm trọng và sẽ mở một cuộc điều tra để biết tác giả của các áp-phích này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch