Phỏng vấn – Hồng y Sarah về Chiến tranh Phụng vụ, về Chỉ trích nhắm vào Giáo hoàng, và về Hồi giáo

878

Trong bài phỏng vấn này, hồng y Robert Sarah, tân trưởng Thánh Bộ Phụng vụ Thánh và Kỷ luật Bí tích, đã thảo luận thẳng thắn về các tranh chấp về phụng vụ, các chỉ trích về Giáo hoàng, hôn nhân đồng tính, đạo Hồi và người Hồi giáo, cũng như về việc châu Phi có thể cứu phương Tây như thế nào.

Aleteia – Elisabeth De Baudoüin – 09/3/15

Cardinal-Robert-SarahĐến Paris trong vài ngày để giới thiệu quyển sách ‘Thiên Chúa hoặc Không gì cả,’ mà ngài chắp bút cùng với Nicolas Dias, hồng y Sarah đã có buổi phỏng vấn với Élisabeth de Baudoüin của tờ Aleteia như sau:

Thưa Đức cha, trong quyển sách ‘Thiên Chúa hoặc Không gì cả,’ cha đã vài lần nhắc đến ‘chiến tranh phụng vụ’ đã chia rẽ người Công giáo trong nhiều thập niên. Cha nói rằng cuộc chiến này quá sức đáng buồn bởi người Công giáo đáng ra phải hiệp nhất về vấn đề này. Làm sao chúng ta thắng được những chia rẽ này và hiệp nhất tất cả mọi người Công giáo trong việc thờ phượng Thiên Chúa?

Hồng y Robert Sarah: Công đồng Vatican II không bao giờ muốn chúng ta loại trừ quá khứ và loại bỏ thánh lễ theo nghi thức của thánh giáo hoàng Piô X, vốn đã sinh cho chúng ta rất nhiều vị thánh, và về tiếng La Tinh cũng vậy. Nhưng, cùng lúc đó, chúng ta phải thăng tiến cải cách phụng vụ mà chính Công đồng đã nỗ lực tìm kiếm. Phụng vụ là một điểm đặc biệt nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt, trao cho Ngài trọn cuộc sống, công việc của chúng ta, và biến tất cả thành lễ dâng cho vinh quang Chúa. Chúng ta không thể cử hành phụng vụ khi tay đang dấy chiến chinh, mang trên vai vũ khí của thù hận, xung đột và oán giận. Chính Chúa Giêsu đã nói, ‘Trước khi dâng lễ tế, trước hết hãy giải hòa với anh em mình.’ Trong cuộc ‘mặt đối mặt’ này với Thiên Chúa, lòng chúng ta phải trong sạch, thoát khỏi mọi thù ghét, mọi hiềm thù ác ý. Mỗi một người phải loại khỏi lòng mình bất kỳ điều gì phủ bóng đen lên cuộc gặp gỡ này. Điều này cũng bao gồm việc tôn trọng cảm thức của người khác.

Không phải đây chính xác là những mong muốn của Đức Bênêđictô XVI hay sao?

Hồng y Robert Sarah: Vâng, đây là ý nghĩa của tự sắc Summorum Pontificum [Nghi lễ Phụng tự, ban hành tháng 7, 2007] mà Đức Bênêđictô XVI đã dành rất nhiều sức lực và đặt nhiều hi vọng. Nhưng ngài đã không hoàn toàn thành công, bởi người ta ‘bám chặt’ vào nghi lễ riêng của mình và cứ loại trừ nhau. Trong Giáo hội, tất cả mọi người phải có thể được cử hành phụng vụ theo cảm thức của chính họ. Đây là một trong những điều kiện để hòa giải. Cũng cần phải chú tâm đến vẻ đẹp của phụng vụ đến sự linh thánh của phụng vụ. Bí tích Thánh Thể không phải là ‘bữa ăn tối với bạn bè,’ nhưng là một mầu nhiệm linh thánh. Nếu cử hành bí tích với lòng tha thiết và vẻ đẹp, thì chắc chắn sẽ hiểu được bí tích. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng chính Thiên Chúa là Đấng hòa giải, và hòa giải cần có thời gian.

Trong một chương viết về các Giáo hoàng, cha có nhắc đến các chỉ trích nhắm vào các ngài, ngay cả trong lòng Giáo hội. Đức Phanxicô không phải là ngoại lệ, một vài người Công giáo chỉ trích phong cách của ngài, chỉ trích những lời ngài nói, việc ngài làm, các biểu hiện của ngài … Có cảm giác một cánh trong Giáo hội không tin tưởng ngài giữ gìn di sản đức tin. Thái độ của các tín hữu đối với giáo hoàng nên như thế nào? Một người Công giáo có thể chỉ trích đấng kế vị thánh Phêrô hay không?

Hồng y Robert Sarah: Câu trả lời rất đơn giản, ngay ở đây này: người ta sẽ nghĩ gì về một người con công khai lớn tiếng chỉ trích cha mẹ mình? Làm sao người ta tôn trọng một người như thế được? Giáo hoàng là cha chúng ta. Chúng ta tôn trọng, cảm mến, và tin tưởng ngài (cho dù các chỉ trích có vẻ chẳng ảnh hưởng gì đến ngài.) Đọc qua một vài bài viết hay tuyên bố, có người sẽ có ấn tượng rằng ngài không tôn trọng giáo lý. Nhưng riêng bản thân tôi, hoàn toàn tin tưởng nơi ngài và tôi khuyến khích tất cả mọi Kitô hữu cũng hãy làm như thế. Bạn phải thanh bình và điềm tĩnh khi ngài chèo lái con thuyền. Chúa Giêsu ở cùng ngài, như khi xưa Chúa đã nói với thánh Phêrô vậy. ‘Ta cầu nguyện cho con, cho đức tin của con … làm vững mạnh cho các anh em con.’ Một mật nghị hồng y là hành động của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa ban Giáo hoàng cho Giáo hội. Chúa cho chúng ta Đức Phanxicô để dẫn dắt Giáo hội ngày nay.

Vậy chúng ta phải nói gì với những người tuyên bố rằng ngài không phải là ‘chọn lựa của Chúa Thánh Thần’?

Hồng y Robert Sarah: Tôi sẽ hỏi họ câu này: họ có liên lạc trực tiếp với Chúa Thánh Thần ư?

Về việc ‘các cường quyền ở châu Âu tìm cách ngăn chặn người Công giáo thực hành tự do của mình,’ cha đã viết rằng ‘Manif pour tous là một hình mẫu khởi xướng cần thiết. Đây là một biểu lộ trong thiên tư của Kitô giáo.’ Thưa Đức cha, cha có ủng hộ cho hàng ngàn Kitô hữu xuống đường biểu tình để xác nhận sự tận tâm của mình với gia đình và khẳng định sự thật rằng tất cả mọi đứa trẻ đều cần một người cha và một người mẹ, hay không?

*Manif pour tous, là một phong trào ở Pháp chủ đạo các cuộc biểu tình hòa bình chống lại dự luật ‘hôn nhân cho tất cả mọi người,’ nghĩa là xác nhận tình trạng hôn nhân cho hai người đồng giới tính.*

Hồng y Robert Sarah: Sứ mạng của các Kitô hữu chúng ta là làm chứng cho đức tin của mình. Chúng ta biết rằng gia đình là một thực thể theo ý Chúa. Chúng ta biết gia đình có ý nghĩa thế nào đối với Giáo hội và xã hội, không có gia đình, thì không có tương lai cho cả Giáo hội và xã hội. Vậy nên Manif pour tous là cách để các Kitô hữu đang bảo vệ thực thể này làm chứng cho đức tin của mình. Tôi không ngần ngại xác nhận rằng: Tôi hoàn toàn ủng hộ các hình thức của Manif pour tous. Họ là một biểu lộ lòng trung thành với Giáo hội và với đức tin.

Tuy nhiên, nhìn qua, thì họ đã thất bại!

Hồng y Robert Sarah: Chúa Kitô cũng có vẻ như đã thất bại: sau 3 năm rao giảng công khai, Ngài bị giết chết, bị chôn trong mồ, và mồ lại bị khóa chặt! Nhưng Ngài đã trỗi dậy và chiến thắng sự dữ. Phong trào Manif pour tous, với các thể hiện khác nhau của mình, có thể không ngăn chặn được các quyết định chính trị. Nhưng nó thành tựu một chiến thắng cao cả, đó là tái sinh truyền thêm sức sống cho các gia đình. Đây là chiến thắng lớn. Bởi thế, phong trào này phải được tiếp tục. Đây không phải là việc làm trong một lúc mà thôi. Chúng ta phải tiếp tục viết, tiếp tục đi ra và biểu lộ mình! Và chúng ta cũng phải khuyến khích các gia đình bền vững, vốn là lời xác nhận rằng tình yêu tồn tại qua gian nan và không chết.

Ý của cha là gì?

Hồng y Robert Sarah: Tình yêu như một bông hoa trong sa mạc, chúng ta phải tưới nước và canh chừng bảo vệ không cho thú hoang đến ăn mất. Làm sao để chúng ta bảo vệ được tình yêu? Với sự chú tâm từng ngày. Làm sao để chúng ta tưới nước cho tình yêu? Với sự tha thứ. Chúng ta cũng phải chăm sóc cho cây này, bằng cầu nguyện, tận tâm và đối thoại. Không có những điều này, thì cây tình yêu sẽ chết. Một cái cây không thể sống được nếu không được thêm dưỡng chất. Nhưng, người thợ vườn vĩ đại chính là Thiên Chúa. Nếu một gia đình loại trừ Ngài, thì gia đình đó không tồn tại lâu. Biểu tình, là chuyện tốt. Nhưng điều chúng ta cần phải làm chính là chăm sóc cho gia đình mình. Chúng ta phải bảo đảm rằng tình yêu, ơn quý báu này, phải được gìn giữ sống động trong lòng của người bạn đời và trong gia đình.

Ở châu Âu, Hồi giáo đang lan rộng và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đang gây nhiều quan ngại. Cha đến từ một đất nước đa số là Hồi giáo, nơi các Kitô hữu và người Hồi giáo sống trong hòa bình, và cha nói rằng Hồi giáo là ‘một tôn giáo hòa bình và thân ái’ vậy cha cảm nghĩ gì về Hồi giáo?

Hồng y Robert Sarah: Nỗi sợ của chúng ta từ đâu mà đến? Hồi giáo đã hiện diện ở châu Âu một thời gian dài, và chẳng có ai thấy phải lo sợ cả. Sự thật rằng, thời trước có ít người Hồi giáo hơn. Nhưng, thời đó, đức tin mạnh hơn. Cũng vậy, thời đó, chúng ta không có cảm thức sợ hãi, hay nếu có cũng rất hạn chế. Ở Guinea, dân số là 7% Công giáo và 73% Hồi giáo. Nhưng chúng tôi không e ngại nhau. Chúng tôi nâng đỡ nhau qua lòng thành tín với đức tin của mình. Nhìn vào những người Hồi giáo, những người coi trọng hết sức việc cầu nguyện và thông hiệp trực tiếp với Thiên Chúa, thì các Kitô hữu chúng ta phải tự hỏi lại mình? Tôi tin vào Thiên Chúa thật, được bày tỏ qua Chúa Kitô, vậy tôi có nhiệt tâm được như người Hồi giáo hay không? Tôi có ăn chay không? Thiên Chúa không phải là một người thỉnh thoảng bạn nói đôi ba câu vu vơ lúc bạn rảnh rỗi. Nhưng Ngài phải là điều trên hết, trong gia đình, trong xã hội … Tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi tăng cường liên hệ với Ngài. Cầu nguyện cũng là điều cần thiết, để cả hai sống trong hòa bình.

Về điểm này, cha thường kể một truyền thuyết Hồi giáo …

Hồng y Robert Sarah: Đúng, đó là câu chuyện về một nữ mục đồng, bị xem là hơi điên, khi cô cho đàn chiên chung sống hòa thuận với đàn sói. Khi người ta hỏi, cô giải thích rằng: ‘Tôi cải thiện liên hệ của tôi với Chúa, và Chúa cải thiện quan hệ giữa sói với chiên.’ Chúa đem hòa bình đến cho con người, qua lời cầu nguyện.

Đây là một tuyên xưng khác hẳn với hành động bạo lực của những người Hồi giáo cực đoan! Cha giải thích thế nào về chuyện này?

Hồng y Robert Sarah: Những tranh biếm họa nhắm vào người Hồi giáo không thăng tiến sự chung sống thân ái huynh đệ. Như giáo hoàng đã nói, chúng ta không nên xúc phạm đức tin của người khác. Chúng ta không có quyền làm việc đó, không phải chỉ vì không cùng chia sẻ đức tin với họ mà chúng ta có quyền xúc phạm và châm biếm đức tin của người khác. Phải dừng ngay việc này! Nhưng những người Hồi giáo chân chính không bao giờ giết hại người khác. Những người đi chặt đầu, đóng đinh và tàn sát người khác nhân danh Chúa là đang thực hiện tất cả hành vi bạo lực của họ vì một tưởng tượng họ nghĩ về Đức Chúa. Ở quê hương tôi, người Hồi giáo kinh hoàng tước những tội ác và những con người này.

Về cách giải quyết với Hồi giáo, cha có nghĩ là phương Tây đang đùa với lửa hay không?

Hồng y Robert Sarah: Như Đức Bênêđictô XVI, người đã rất lo lắng về việc này, từng chỉ ra rằng chưa bao giờ Thiên Chúa bị bác bỏ dữ dội như thời nay. Nếu phương Tây không trở về với văn hóa và các giá trị Kitô giáo của mình, thì tình hình sẽ trở nên nguy kịch. Nhưng tôi nghĩ là sẽ đến lúc những người phương Tây nhận ra rằng họ không thể tiếp tục sống mà không có Thiên Chúa. Và về việc này, châu Phi có thể giúp đỡ cho họ.

Trong quyển sách của mình, cha nói nhiều về châu Phi, về chủ nghĩa thực dân tư tưởng đang nhắm vào châu Phi, và về các giá trị của châu lục này. Theo cha, châu Phi có thể đem lại gì cho thế giới và Giáo hội ngày nay?

Hồng y Robert Sarah: Thiên Chúa luôn luôn đưa châu Phi vào dự định cứu rỗi của Ngài. Châu Phi đã cứu Chúa Giêsu, khi thánh gia phải trốn sang Ai Cập. Chính một người Phi châu, Simon thành Cyrene, đã giúp Chúa Giêsu mang thập giá. Châu Phi đã chịu nhiều đau khổ. Các giá trị Phi châu đã bị người ta chối bỏ (và vẫn đang là thế, do bởi cái mà Đức Phanxicô gọi là chủ nghĩa thực dân tư tưởng, và đặc biệt là do thuyết giống nòi.) Châu Phi đã phải chịu khốn cảnh nô lệ. Những đau khổ của người dân Phi châu đã khiến Đức Gioan Phaolô II phải lên tiếng rằng tên của họ được viết trên ‘lòng bàn tay của Chúa Kitô bị đinh nhọn đâm xuyên trên thập giá.’  Nhưng một vài thập niên gần đây, Giáo hội Phi châu đã phát triển mạnh mẽ, với nhiều ơn gọi linh mục và tu sỹ, nên chân phước Phaolô VI đã gọi đây là ‘quê hương mới của Chúa Kitô.’ Và khi những người châu Phi với lòng đạo sâu sắc và không thể tách rời khỏi Thiên Chúa, họ chính là những người sẽ đem Thiên Chúa đến lại với thế giới.

Có thể giáo hoàng kế tiếp của Giáo hoàng sẽ đến từ châu Phi?

Hồng y Robert Sarah: [cười] Câu hỏi hay! [rồi sau một hồi trầm tư] Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta Giáo hoàng …

Và Nicolas Diat, đồng tác giả quyển ‘Thiên Chúa hay Không gì cả’ cũng đang hiện diện với chúng tôi thêm rằng: ‘Hãy hỏi Chúa! Và nếu có câu trả lời, cho tôi biết với!

J.B. Thái Hòa chuyển dịch