Phỏng vấn hồng y Philippe Barbarin, tổng giám mục Lyon và giám chủ nước Pháp
Vatican Insider – Được thực hiện bởi François Vayne, Giám đốc Truyền thông của Dòng Mộ Thánh
Thưa Đức cha, cha là khách danh dự tại Lễ kính Đức Mẹ, liên Hồi giáo-Kitô giáo, hôm 25 tháng 3 tại Li Băng, nhân dịp lễ Truyền tin Cha thấy gì từ sự kiện phong phú và đầy hứa hẹn này, cũng như vì sao Đức Mẹ là cầu nối cho tình thân ái với các anh em Hồi giáo của chúng ta?
‘Đây thực sự là một cuộc gặp gỡ đặc biệt! Trong nhiều năm, tôi đã nghe về sự kiện này, nhưng đến năm nay, tôi được vinh dự mời tham dự, nhờ bởi quan hệ được thiết lập hồi năm ngoái ở Irắc, khi hai giáo phận Lyon và Mosul kết tình anh em. Trước hết, chúng ta phải thấy được bối cảnh hiện nay. Li Băng, vốn bị giằng xé bởi chiến tranh quá lâu, vẫn đang nằm ngay trung tâm một vùng mất ổn định nghiêm trọng. Bây giờ, sự kiện làm gương cho tình huynh đệ và tôn vinh Đức Trinh nữ Maria này, diễn ra mỗi năm trên chính vùng đất mà Chúa Giêsu đã đi qua. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ sau vài năm, Li Băng đã quyết định đổi ngày 25 tháng 3 thành ngày lễ nghỉ toàn quốc vì sự kiện này! Tôi có thể thấy được người Hồi giáo gắn bó đến thế nào với Đức Mẹ, họ nhận thức được sự thánh thiện vô cùng của mẹ và vị trí độc nhất vô nhị của Mẹ trong lịch sử nhân loại. Tôi trân trọng việc sự kiện gặp gỡ này không rơi vào thuyết hổ lốn. Người ta có thể thấy được rằng tất cả mọi người đều lên tiếng một cách tự do, tự tin cầu nguyện, mà không cố gắng xóa đi các khác biệt không thể thay đổi giữa đức tin Kitô giáo và đức tin Hồi giáo. Các bài nói chuyện, bài hát, và kịch ngắn, luân phiên cho chúng tôi những diễn đạt khác nhau về cùng một chủ đề một lòng kính mến chung cho người nữ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Ngày 26 tháng 3, chúng tôi làm khách của đại giáo sỹ Tripoli, và được đón tiến rất nồng hậu. Đến cuối bữa ăn, đại giáo sỹ nói rằng, ‘Tôi sẽ nói thật lòng mình. Tôi yêu mến các bạn, những anh em Kitô giáo của tôi, tôi yêu mến các bạn … như Đức Trinh nữ Maria yêu mến các bạn vậy.’ Và các bạn có tưởng tượng được chúng tôi đã vui mừng và xúc động đến thế nào trước lời thổ lộ này không!
Đức cha có nghĩ rằng việc cùng nhau mừng lễ Đức Mẹ có thể được quốc tế hóa và trở thành một ngày biểu tượng cho tình bạn thiêng liêng giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, đặc biệt là ở Pháp và châu Âu? Theo đức cha, làm sao để Dòng Mộ thánh, cũng là dòng của cha, đóng góp nhiều hơn cho việc lan tỏa ngôn sứ về biến cố Truyền Tin?
Khởi xướng này là một hình mẫu rất tốt, nhưng không có nghĩa là nơi nào cũng học theo được. Bởi ngay từ đầu, việc kính nhớ này được tổ chức trong trường của dòng Tên ở Jamhour, nhưng các nhà tổ chức đang cố gắng tìm một nơi khác, để sự kiện này không phải lúc nào cũng diễn ra trong một nhà thờ hay được thực hiện bởi một dòng tu. Có vẻ năm sau, buổi gặp gỡ này sẽ diễn ra tại Đền thờ Hồi giáo ở Beirut. Do đó, chúng tôi đã cố gắng tìm một giải pháp thích hợp, để khởi xướng này có thể được thực hiện ở những nơi khác, và cùng đem lại ơn ích. Một điều quan trọng với tôi là, dù cuối sự kiện không phải tất cả mọi người đều đọc lời kinh chung, những người tham dự không cùng đọc chung lời kinh như nhau, nhưng quy tụ lại với nhau để mừng kính Đức Mẹ. Đây không phải là một chứng tá Kitô hữu chống lại người Hồi giáo, hay ngược lại, nhưng ở đây, chúng ta thấy các người Kitô giáo và người Hồi giáo tỏ lòng tôn kính người nữ này, người mà tất cả xem là ‘hoàn toàn thánh thiện.’ Những gì tôi thấy được ở Đền thánh Đức Mẹ Longpont, ở giáo phận Evry-Corbeil-Essonne, là rất tích cực, và đáng kỳ vọng.
Năm Toàn xá Lòng Thương xót đang đến, cha có ý định gì để người Hồi giáo cũng có thể dự phần vào Năm thánh này theo truyền thống đạo của họ, bởi với người Hồi giáo, trên tất cả, Thiên Chúa là Đấng Thương xót Vô cùng?
Đây chính xác là điểm chính của tôi, hôm 25 tháng 3, khi tôi trình bày về bài ca Magnificat, với câu tâm điểm là ‘Ngài đã xót thương những ai kính sợ Ngài suốt mọi thế hệ.’ Theo tôi, Đức Trinh nữ Maria đã tóm gọn toàn bộ thông điệp Thánh Kinh. Lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do vì sao Ngài chọn lấy dân Do Thái, chọn làm chứng và gìn giữ nguồn ơn yêu thương cho mọi dân tộc . Các Kitô hữu chúng ta kế thừa sứ mạng này, bởi phép rửa cho chúng ta nhận lấy ‘phẩm tính của Israel.’ Về phần người Hồi giáo, ngay khi họ tuyên xưng danh Chúa, họ thêm vào danh ‘Đấng Thương xót Quá đỗi’ và “Đấng Thương xót Hết thảy.’ Thương xót vừa là nguồn cội vừa là cùng đích của lịch sử nhân loại chúng ta. Thông điệp cao cả này đã được Đức Mẹ thể hiện thêm trong bài ca Mẹ Magnificat, khi cho thấy từ thời Abraham, lòng thương xót Chúa đã đổ xuống dân Ngài đến thế nào. Với các sự kiện trong nước và quốc tế về Lòng Thương xót tổ chức từ sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, chúng tôi muốn thể hiện xác tín rằng đối thoại thực sự, hòa bình đích thực, và cầu nối giữa các tôn giáo, có thể được xây dựng trên hiện thực này. Tôi vui mừng khi được biết Giáo hoàng Phanxicô đã công bố năm toàn xá của Lòng thương xót !
J.B. Thái Hòa chuyển dịch