Đứng bên cạnh chụp hình

316

Thedailybeast.com, 26-3-2014

Suốt mấy tháng qua, có cả một danh sách dài những người nổi tiếng tìm cách chụp với Đức Phanxicô một tấm hình, trong danh sách dài này có cả Putin, Netanyahu và Russell Crowe.

Việc đứng bên cạnh một người nổi tiếng nhất hành tinh có làm bạn cũng được nổi tiếng theo hay không? Có vẻ như đó chính là những gì mà những người quyền lực nhất thế giới mang hy vọng khi họ đến gõ cữa Vatican, và điều này sẽ có thể làm cho bạn nghĩ Đức Phanxicô là một thứ bụi tiên ma thuật chứ không phải là nước thánh.

Ngày thứ năm tuần này, sẽ đến lượt Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama viếng thăm vị giáo hoàng nổi tiếng này. Obama cùng một đoàn khoảng 700 tùy tùng, cận vệ và đội ngũ báo chí lữ hành của Tòa Bạch Ốc sẽ đáp xuống Rôma, không có mục đích nào khác hon là được chụp ảnh với cấp cao. Trong thời gian ở Rôma, Tổng thống sẽ có một buổi hội kiến nhanh với Tổng thống Ý quốc Giorgio Napolitano, sau đó là một chuyến du ngoạn riêng ở Coliseum. (Đầu tuần này, Obama đã gặp Tân Thủ tướng Ý Matteo Renzi tại Hà Lan trong Hội nghị An ninh Hạt nhân.)

Cuộc gặp trực tiếp với Giáo hoàng và thông điệp “thế nào cũng đem lại cảm tưởng tốt” từ cuộc gặp này, có vẻ là mục đích trong chuyến đi của Obama, một phần trong chuyến công du Âu châu. Hai người có nhiều điểm chung, và một điểm chung không nhỏ là cả hai đều xuất hiện nhiều trên các trang bìa nổi tiếng như Rolling Stone, Time, Forbes và The Advocate.  Họ cũng là những chiến sĩ công bằng xã hội và đã làm việc không mệt mỏi vì người nghèo, đặc biệt là thời gian trước khi nhận chức vị hiện tại.

Dù vây, những điểm khác biệt của hai người cũng rất lớn, và sẽ làm cho buổi hội kiến trở nên phức tạp. Obama và Đức Phanxicô không đồng ý về nhiều vấn đề, quyền sinh sản, hôn nhân đồng tính, phụ nữ bình quyền, hay về cách tốt nhất để đem lại hòa bình cho những vùng gặp khủng hoảng trên thế giới. Giáo hoàng Phanxicô thu hút hàng trăm ngàn người tham gia vào ngày quốc gia cầu cho hòa bình Syria tháng 9 vừa qua, một dịp được xem là câu trả lời trực tiếp cho những đe dọa sử dụng vũ khí quân sự chống lại Damascus của Hoa Kỳ. “Cầu cho tiếng súng dứt hẳn!” Đức Phanxicô đã lên tiếng với đám đông đang tụ họp ở Quảng trường thánh Phêrô như thế. “Chiến tranh luôn là thất bại của hòa bình, luôn luôn là thất bại của nhân loại.”

Nhưng theo CNN, tỷ lệ ủng hộ giáo hoàng tại Hoa Kỳ đã lên đến khoảng 88%, và điều này chứng minh rằng đáng để cho Tổng thống bỏ công ra đi gặp ngài vì ông chỉ có tỷ lệ ủng hộ bằng một nửa, 44% theo thăm dò dư luận mới nhất của viện Gallup, nhất là khi hiệu ứng Phanxicô đang lan tràn mạnh mẽ.

Jon O”Brien của tổ chức Công giáo vì Chọn lựa (Catholics for Choice) bình luận rằng, “Trước tiên và trên hết, đó chỉ là một dịp chụp ảnh, cho một Tổng thống đã mất đi tầm đại chúng của mình, với một người có tầm ảnh hưởng sâu sắc với cả người Công giáo và người không Công giáo trên khắp thế giới.”

Và không chỉ mình Obama đến Rôma. Kể từ khi nhận vai trò lãnh đạo Tòa Thánh vào tháng 3 năm 2013, giáo hoàng đã có một danh sách dài các yếu nhân đến thăm Vatican. Vladimir Putin ghé Vatican hồi tháng 11 năm ngoái, và đã mời giáo hoàng Phanxicô đến viếng thăm Nga.  Hai người hội kiến trong vòng 30 phút và thảo luận về những việc Nga nên làm để giúp hạ nồi nước sôi ở Syria, rồi sau đó tạo dáng chụp ảnh. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cũng đã có một cuộc viếng thăm xã giao tương tự hồi tháng 12, tặng giáo hoàng quyển sách lịch sử do cha ông viết về Tòa dị giáo Tây Ban Nha, và một lần nữa hình ảnh hai người lại được ghi vào ống kính. Trong chuyến viếng thăm này, Netanyahu cũng đáp lại bằng một lời mời, và Giáo hoàng đã chấp thuận, ngài sẽ đến Đất Thánh vào tháng 5 này.

Nữ hoàng Anh đang lên lịch viếng thăm Đức Phanxicô vào tuần tới, và đó cũng là một dịp đáng chờ đợi để được chụp hình tại Vatican.

Tất nhiên, Giáo hoàng Phanxicô là người đón nhận vô số những lời mời chụp ảnh. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner đã lên tiếng mời ngài diễn thuyết ở Lưỡng viện, một chuyện ai cũng đoán trước được. Rồi còn có thị trưởng Green Bay rất nghiêm túc trong việc lôi kéo Đức Phanxicô đến Wisconsin, đến mức ông tạo hẳn một trang web với thỉnh nguyện đơn trực tuyến để làm Giáo hoàng lay động.

Theo văn phòng báo chí Vatican, Giáo hoàng tiếp đón các thủ tướng, các nhà ngoại giao và các yếu nhân bằng một buổi tiếp kiến riêng vài lần một tuần.  Người tiền nhiệm của ngài cũng có một lịch làm việc bận bịu như thế, nhưng đòi hỏi về thời gian đối với Giáo hoàng Phanxicô là quá khủng khiếp, nên Vatican đã tăng thêm một viên chức chịu trách nhiệm điều phối tất cả liên lạc, bao gồm hàng ngàn thư từ và bưu thiếp gởi đến Giáo hoàng mỗi ngày.

Lượng thư của những người ái mộ tăng cực mạnh khi mùa hè năm ngoái, Phanxicô bắt đầu tự mình gọi điện cho một vài người đã gởi cho ngài số điện thoại của mình. Buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần và buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật cũng thu hút các đám đông khổng lồ  người hành hương và cả những người nổi tiếng. Thậm chí tuần vừa rồi Russell Crowe cũng đã tham dự buổi tiếp kiến ngày thứ tư với hy vọng có được sự tán thành của ngài cho bộ phim kinh thánh “Noah” của ông.

Tội cho Crowe, không có sự tán thành của Giáo hoàng và cũng không có bột tiên nào làm phù phép cho ông, nhưng dù gì đó cũng là một quảng cáo quá tốt, và đối với Hollywood, như vậy là đủ rồi.

J.B. Thái Hòa dịch