Người con cả của giáo hoàng

214

Daily Inquirer, Philippine, John Nery, 18-3-2014

Tôi thích cách diễn tả này rằng: Giáo hoàng Phanxicô phải đối diện với «vấn đề của người con cả». Đối với tôi, dường như điều này chính xác là như vậy. Cách nói này tôi rút ra từ dụ ngôn người con hoang đàng trong Thánh kinh, một dụ ngôn về lòng thương xót mà ai cũng biết. Và tôi thật sự rất bằng lòng khi nghe nhà báo nổi tiếng ở Vatican, ông John Allen Jr. nói rõ về điều này. Để định nghĩa về vấn đề này phải đi sâu vào giải pháp của nó. Và tôi đang tự mình đi tìm.

Thứ tư vừa rồi, tôi đã được nghe ông John Allen Jr diễn thuyết tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Chủng viện Dòng Ngôi Lời (Divine Word Seminary) ở thành phố Tagaytay, và rồi ngày hôm sau lại được nghe ông nói chuyện với hồng y Luis Antoni tại Quezon trong một buổi tối gây quỹ từ thiện.

Trong blog Newsstand của tôi, tôi luôn trích dẫn bài của Allen, ông là nguồn chính cho bài tiếng Anh về tin tức Vatican, và những bài báo về những ngày cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II, triều giáo hoàng lỗi lạc của Đức Bênêđictô XVI, và bước tiến ra đấu trường của Đức Phanxicô, tất cả đều ghi đậm một hiểu biết sâu sắc về nhịp đập của Vatican và giáo lý đức tin Công giáo, đồng thời (nhưng không kém quan trọng) còn thể hiện một nội lực vô tận.

Chủng viện Lời Thiêng Liêng đã làm một việc rất ý nghĩa khi mời ông Allen đến thăm, và tôi nghĩ điều này một mặt là vì danh tiếng toàn cầu của ông, nhưng mặt khác vì vai trò ngày càng lớn của giáo hội Phi Luật Tân trong Giáo hội Hoàn vũ. Có lẽ vì thiếu thời gian, Allen chỉ dùng vài phút để nói về vai trò của giáo hội Phi, một lần lúc mở đầu, lần khác khi trả lời các câu hỏi trong thời gian thảo luận mở, và thêm hai lần nữa trong buổi nói chuyện tối hôm sau. Vì thế, tôi có phần nào thất vọng, tôi đã cho rằng ông sẽ không chỉ nói về việc cộng đồng người Phi ở Âu châu và Hoa Kỳ đang bù đắp cho các Giáo hội gần như sạch bóng ở đó, mà còn về tương lai của các giám mục và linh mục tại Rôma (chẳng hạn việc bổ nhiệm hồng y Jose Sachez có khác thường hay không; hay việc một người Phi điều hành Dòng Dòng Ngôi Lời (SVD), một dòng truyền giáo lớn nhất thế giới, có ý nghĩa như thế nào; hay đâu là những điểm nóng cạnh tranh giữa các linh mục Phi và Ấn Độ để giành vị trí số một ở châu Á, và còn nhiều điều khác nữa).

Nhưng ông Allen được mời đến đây để nói về triều giáo hoàng Phanxicô, và ông đã làm đúng như thế. Ông vạch ra những tác động đại chúng, truyền thông và văn hóa của tân giáo hoàng, rồi đưa ra cho thấy, đàng sau những «con số thấy được» là «3 cột trụ» hợp lại với nhau giúp chúng ta hiểu được phần lớn con người của Đức Phanxicô».

Lãnh đạo là phục vụ

Đối với Đức Phanxicô, những gì bạn thấy là những gì bạn có. «Những khoảnh khắc ấn tượng về sự bình dị, khiêm tốn này không phải là chiêu thức quảng cáo hình ảnh, mà đó là hành đông thật của ngài.» Nhưng Đức Phanxicô cũng là một «chính trị gia Dòng Tên đặc biệt khôn khéo». (Allen lặp lại ý này nhiều lần trong giờ thảo luận mở, nói rằng Đức Phanxicô «không ngây thơ») Ông nhắc lại bài nói chuyện ngày 21-6-2013, khi ngài «đưa ra quan điểm của mình» về tinh thần cải cách: Ngài nói các linh mục ưu tú «không phải vì họ có tinh thần vua chúa… mà phải có tinh thần lãnh đạo, tinh thần mục tử mang mùi của đàn chiên trên mình».

Tôi nghĩ Allen đã kết hai sự kiện đáng nhớ thành một. Ngày 21 tháng 6, giáo hoàng đã nói chuyện với «những người rày đây mai đó» của Giáo hội, những đại sứ tòa thánh của ngài. Đoạn văn chính yếu trang mạng Zenit dịch là: «Trong công việc đầy tế nhị là thẩm tra việc bổ nhiệm các giám mục, hãy cẩn thận xem thử các ứng viên có phải là những mục tử gần gũi với dân hay không, với tư cách là người cha và là người anh, họ phải nhẹ nhàng, kiên nhẫn, và đầy lòng thương xót, được thúc đẩy bởi tinh thần khó nghèo từ nội tâm, từ sự tự do của Thiên Chúa, cũng như sự đơn sơ bên ngoài và đời sống nghiêm nhặt, để họ đừng mang trong mình tâm lý của ‘những vị vua’».

Chắc chắn, bài này có dùng phép ẩn dụ: «Vì thế, các mục tử phải đi đầu đàn chiên để chỉ đường cho họ, phải đứng giữa đàn để giữ hiệp nhất, phải đi sau đàn để không ai phải tụt lại đàng sau, để đàn chiên đó thấy được mùi của mục tử mà tìm ra đường của mình».

Nhưng nguồn đầu tiên xuất hiện khái niệm mùi mục tử này là trong bài giảng ngày 28 tháng 3. Hai tuần sau khi được bầu, ngài đã giảng: «Tôi xin anh em điều này: Hãy là mục tử, với «mùi của đàn chiên» trên mình, hãy nên thật, nên mục tử giữa đàn chiên, nên người đánh lưới người». 

Tin mừng Xã hội

Allen dùng một từ Mỹ để nói về huấn giáo xã hội của Công giáo, và kết hợp những bài diễn văn, bài giảng, và bài phỏng vấn «bom tấn» mà Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh về việc nên một với những người di dân, những người nghèo và về quan điểm chống chiến tranh. Ở Lampedusa, Đức Phanxicô đã kêu gọi mọi người chú tâm đến sự «lãnh đạm toàn cầu trước số phận của những người di dân.» Ông Allen lưu ý rằng, chính ở đây, lần đầu tiên Đức Phanxicô trình bày một trong những tư tưởng đặc thù của ngài là «văn hóa gặp gỡ» để giải độc cho «văn hóa dùng một lần rồi vứt».

Lòng thương xót chính là cốt lõi trong thông điệp Kitô giáo thời nay. Một trong những bài phân tích hay nhất của Allen về năm đầu nhiệm chức của Đức Phanxicô, ông so sánh và đối chiếu những lời khẳng định cá tính của ngài với những vị tiền nhiệm. Đức Gioan Phaolô II với câu nói: «Đừng sợ», Đức Bênêđictô XVI là: «Lý luận và đức tin», còn Đức Phanxicô thì Allen trích lại lời của giáo hoàng: «Theo tôi, thông điệp mạnh mẽ nhất của Thiên Chúa chính là lòng thương xót». Và một lần nữa: «Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi để tha thứ, mà là chúng ta mệt mỏi để xin tha thứ».

Người con cả của giáo hoàng

Chắc chắn là có những «chỉ trích, phản đối» đường lối của tân giáo hoàng. Và những chướng ngại quan trọng nhất và khuấy động nhất, chính là điều mà Allen gọi là «vấn đề của người con cả» của Đức Phanxicô. Trong dụ ngôn người con hoang đàng, người con cả không đi hoang mà ở nhà vâng lời cha trong mọi việc. Nhưng khi người con thứ trở về, người cha mở rộng vòng tay chào đón anh. Trong dụ ngôn này, sự phẫn uất của người con cả cũng có tầm quan trọng không kém lòng rộng lượng vô bờ của người cha.

Và ai là người con cả của Giáo hoàng? «Những người theo chủ nghĩa thuần túy về giáo lý, những người theo chủ nghĩa truyền thống về phụng vụ, những nhà hoạt động chính trị ưu sinh, các nhân viên trong Giáo hội». Nhưng Đức Phanxicô nhận thức rõ về vấn đề này, Allen cho biết. «Con người đó không ngây thơ».

 

Bản dịch của J.B. Thái Hòa