Phanxicô: Giáo hoàng mà thế hệ trẻ yêu mến

166

Phanxicô: Giáo hoàng mà thế hệ trẻ yêu mến

Time, Christopher J. Hale và Ashley McGuire, 12-3-2014

Tại sao các người trẻ sẵn sàng với lời kêu gọi hành động của Giáo hoàng Phanxicô

Ngày này một năm về trước, hàng ngàn người hành hương đang che dù đứng dưới cơn mưa tầm tã trên Quảng trường thánh Phêrô để chờ được thấy mặt tân giáo hoàng. Sau thời gian chờ đợi, đám đông, phần lớn là người trẻ, đã câm bặt khi tên của tân giáo hoàng được xướng lên: Jorge Mario Bergoglio.

Ngay lúc đó chúng tôi rà soát lại đầu mình. Chúng tôi biết tất cả những người có khả năng được bầu và đã đọc hết tiểu sử của họ. Nhưng chúng tôi chưa có manh mối nào về Jorge Mario Bergoglio.

Nhưng rồi cũng không mất bao nhiêu thì giờ cho sự thay đổi này. Chỉ vài phút sau khi có kết quả, truyền thông xã hội tràn ngập chuyện về quá khứ của hồng y Bergoglio. Các tấm ảnh và câu chuyện ngài rửa chân cho các bệnh nhân nhiễm HIV, chuyện đi xe buýt làm việc hay giúp đỡ trẻ em cùng các bảo mẫu bây giờ tràn ngập trên mục tin quốc tế.

Từ lúc ngài xuất hiện trên ban-công chính của Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, và chỉ mặc áo chùng màu trắng, chúng tôi đã nhận ra Giáo hoàng Phanxicô sẽ là người thay đổi luật chơi.

Ngay lập tức, giới truyền thông bắt đầu theo dõi mọi bước đi của Đức Phanxicô. Và đúng thế, mỗi một hành động ngài làm, từ việc trả hóa đơn khách sạn cho đến việc tự mình gọi điện cho những nạn nhân bị hành hung, đã cho chúng tôi thấy đây là một con người đáng để theo dõi.

Khi xem lại năm thứ nhất nhiệm chức của ngài, gần như thời gian tại vị này được phân tích từ mọi khía cạnh có thể: trên cương vị lãnh đạo tâm linh, nhà điều hành, nhà hoạt động vì công bằng xã hội, một hiện tượng văn hóa nổi tiếng, và danh sách còn dài nữa.

Ẩn bên trong tất cả những chuyện này là một yêu cầu và một nghị trình hướng đến sự thay đổi. Chúng tôi biết Đức Phanxicô muốn cải cách các cơ quan như Giáo triều Rôma và Ngân hàng Vatican. Chúng tôi biết Đức Phanxicô muốn cho phụ nữ có một vị trí quyền hạn cao hơn trong Giáo hội. Và chúng tôi biết Đức Phanxicô muốn phối hợp Giáo hội với xã hội thế tục theo một cách thức mới, với quy hướng trọng tâm về Chúa Giêsu Kitô, và muốn Giáo hội tái suy nghĩ về ý nghĩa của sứ mạng người môn đệ.

Nhưng dường như chúng tôi thấy các mô tả thấu đáo của truyền thông về một năm nhiệm chức của Đức Phanxicô vẫn còn thiếu sót nhiều. Đúng, rõ ràng Đức Phanxicô muốn thay đổi những đặc tính mục vụ và chức năng của Giáo hội, nhưng trên hết, đó không phải là điều mà ngài muốn thay đổi.

Điều ngài muốn thay đổi chính là chúng tôi

Giáo hoàng nói rằng đức tin phải thay đổi con người. Một năm về trước, ngài đã nói rõ: “Nếu người ta thành tín, người ta thay đổi. Thành tín luôn luôn là một sự thay đổi, một sự triển nở, một sự lớn lên. Thiên Chúa đem sự thay đổi đến với những ai thành tín với Ngài. Đó chính là giáo lý Công giáo.”

Trong khi truyền thông vẫn đang vờn quanh, thì thông điệp này đánh thẳng vào tâm điểm cội rễ của triều Giáo hoàng Phanxicô. Có lẽ chúng tôi đã bỏ qua điều này bởi người ta đã bỏ qua một điều khi bàn về Đức Phanxicô, đó chính là người trẻ. Thật là không may, vì có lẽ hơn bất kỳ ai, đời sống của chúng tôi được ảnh hưởng nhiều nhất từ Giáo hoàng Phanxicô.

Nếu nghị trình của ngài là việc thay đổi con người thì chất xúc tác bảo đảm cho quá trình cải cách này chính là lòng thương xót. Trong thánh lễ chúa nhật đầu tiên, ngài đã nói, lòng thương xót chính là “thông điệp mạnh nhất” của Chúa Giêsu. Lời của ngài vẫn còn vang trong tai chúng tôi: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi để tha thứ cho chúng ta. Mà là chúng ta mệt mỏi để xin tha thứ.”

Thế hệ trẻ Công giáo ở Hoa Kỳ đặc biệt sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của Đức Phanxicô. Trong giáo hội Công giáo Hoa Kỳ thập kỷ vừa qua, chúng tôi là lứa người duy nhất có sự tăng trưởng về số lần tham dự thánh lễ. Số lần tham dự thánh lễ của chúng tôi đã tăng thêm 8%, trong khi các thế hệ khác đi xuống hay đứng yên tại chỗ. Các thanh nữ Công giáo cởi mở đón nhận giáo lý về tính dục của Giáo hội gần như mạnh gấp đôi so với phụ nữ Công giáo nói chung. Và chúng tôi là một thế hệ vừa để tâm nhiều đến trẻ em nghèo lẫn các thai nhi còn trong bụng mẹ. Chúng tôi là một thế hệ đang phát triển và hoàn toàn không tương hợp với các phân loại chính trị của cha mẹ.

Chúng tôi cũng đã tự mình trải nghiệm được những hiện thực khó khăn của thế giới này, những thực tế như phá thai, nghèo đói, chủ nghĩa vật chất cực đoan, và tan vỡ gia đình.

Đức Phanxicô đang nói cùng ngôn ngữ với chúng tôi. Ngài là người, trong nhân tính của mình, sẵn sàng gan góc gắn mình vào hiện thực mới là đời sống của các Kitô hữu và đặc biệt là của giới trẻ. Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng với các bạn thân là người đồng tính. Chúng tôi đều có người quen biết đã từng phá thai. Một nửa chúng tôi lớn lên trong những gia đình ly tán.

Ngài sẵn sàng đề xuất những chân lý đức tin theo cách thức mới: rằng mọi người, đàn ông và phụ nữ đều được cứu độ và nên thánh nhờ tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Kitô và sự thịnh vượng thật sự, chung và riêng, phải là mục tiêu căn bản cho tất cả mọi hành động của con người. Ngài cũng thể hiện trong lời nói và việc làm, quan niệm rằng không có Công giáo tự do hay Công giáo bảo thủ, không có Công giáo vì công bằng xã hội hay Công giáo vì vấn đề xã hội, không có như thế, chỉ có Công giáo mà thôi. Và ngài còn nhắc nhở chúng ta về “sứ mạng môn đệ” nữa.

Nhưng quan trọng nhất, Phanxicô đã nhắc nhở chúng tôi rằng đức tin không phải là một khung đơn thuần của luật lệ, quy định, và thủ tục, mà là một tấn kịch phức tạp của con người về sự tốt lành của tạo vật, về nỗi đau của tội lỗi và tan vỡ, và về tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa.

Đây là con người và đây là Giáo hội, vượt ngoài những cái mác chính trị đương thời. Đây là đức tin của chúng ta. Đây là đức tin của giáo hội. Và khi chúng tôi hướng cái nhìn về cách Đức Phanxicô sẽ thay đổi Giáo hội, chúng tôi cũng tin tưởng rằng sứ mạng và ơn gọi của mình, những người trẻ, là bắt đầu cải cách bản thân mình, ngay đây và ngay lập tức.

Christopher J. Hale là thành viên cấp cao của hội Người Công giáo Đồng lòng vì Công ích. Ashley McGuire là thành viên cao cấp của Liên hiệp Công giáo.

pho6446c914-dce3-11e2-8240-b20c96ce9ec1-805x453Hình: 19-6-2013, Đức Phanxicô gặp các em có khó khăn về mặt tâm lý-xã hội ở bến xe lửa Rôma.

J.B. Thái Hòa dịch