Thế nào là lòng thương xót

284

Thế nào là lòng thương xót? Đức Phanxicô vừa công bố Năm 2016 là “Năm Toàn xá của Lòng thương xót”. Điều này có nghĩa là gì?

croire.com, 16-3-2015

tumblr_njl5mkOK1q1u9z2v8o1_1280

Trong tiếng hêbrơ, chữ “thương xót” có nghĩa là tâm hồn sâu đậm, “lòng dạ” run rẩy dưới cơn đau đớn buồn phiền. Lòng dạ cha mẹ nào mà lại không cảm thấy đau đớn khi con mình bị đau, bị lạc hướng? Như thế lòng thương xót biểu lộ sự gắn bó sâu đậm giữa người này và người kia, đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người. Trong đời sống, Thiên Chúa đau khổ cùng với chúng ta, Ngài xót xa vì những bất hạnh, những đau khổ, vì tình trạng sống trong tội lỗi của con người.

Biểu lộ một tình thương cao cả cho chúng ta, Ngài cụ thể giúp chúng ta trong cuộc sống qua tình dịu dàng, cho chúng ta thấy “lòng thương xót” của Ngài, Ngài tha thứ cho những thiếu sót, những yếu kém của chúng ta và đã gởi Con Một của Ngài đến cho chúng ta. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta cùng làm như vậy với người anh em của mình: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Và đó là một trong những điều kiện để có sự sống đời đời.

Bí tích

Trong đời sống đức tin, đặc biệt qua bí tích hòa giải chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Chúa và một cách rộng hơn, qua lời cầu nguyện và qua các phép bí tích khác, chúng ta lãnh nhận ơn của Chúa. Sự tha thứ của Chúa lấp đầy niềm vui và hân hoan cho tâm hồn chúng ta. Nhưng không phải tất cả. Thiên Chúa cũng thể hiện lòng thương xót, sự gắn bó của Ngài qua các sự kiện cụ thể, qua các cuộc gặp gỡ, qua những con người mà mình phải biết đọc trong cuộc đời của mình.

Năm toàn xá của lòng thương xót

Từ 8 tháng 12-2015 đến 20 tháng 11-2016, Giáo hội Công giáo sẽ mừng Năm Thánh ngoại thường. “Năm Thánh của Lòng thương xót” này sẽ bắt đầu bằng việc mở Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma nhân dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và kết thúc bằng lễ Chúa Kitô Vua.

Ngày khai mở Năm Thánh cũng là dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc Công đồng Vatican II vào năm 1965 và vì lý do này, nó mang một ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy Giáo hội tiếp tục công việc của Công đồng Vatican II.

Trong Năm Thánh, các bài Phúc Âm của chúa nhật thường niên trích từ Tin Mừng thánh Luca, người được mệnh danh à “thánh sử của lòng thương xót”. Các dụ ngôn tiêu biểu cho Lòng thương xót trong Phúc Âm thánh Luca là các dụ ngôn con chiên đi lạc, đồng tiền bị mất, người cha nhân hậu.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch