Nhà báo kỳ cựu Valentina Alazraki nhìn lại 50 năm truyền thông của Giáo hoàng
cruxnow.com, Ban biên tập, 2025-03-23
Nhà báo Valentina Alazraki phỏng vấn Đức Phanxicô năm 2019. (Crédit : Televisa.)
Theo nhà báo kỳ cựu Valentina Alazraki, Đức Phanxicô là nhà truyền thông xuất chúng dù không phải lúc nào phong cách của ngài cũng được các nhà báo mến chuộng. Phát biểu tại Hội nghị Truyền thông CONFER ở Madrid, với trên 50 năm làm phóng viên ở Rôma, bà nhìn cách các Giáo hoàng tiếp cận với truyền thông.
Năm 1978 bà đến Rôma đưa tin Đức Phaolô VI qua đời và mật nghị bầu Đức Gioan-Phaolô I và Đức Gioan-Phaolô II. Theo bà, mỗi Giáo hoàng đều có phong cách truyền thông riêng, mô hình lý tưởng là sự kết hợp giữa Đức Gioan Phaolô II và ông Joaquin Navarro-Valls, phát ngôn viên của ngài, ông có quan hệ mật thiết với ngài, giúp ngài truyền tải thông điệp một cách chính xác.
Nói về cách các Giáo hoàng tương tác với truyền thông, bà nhận xét: “Mỗi Giáo hoàng có cá tính và phong cách truyền thông riêng.” Bà thấy một số phương thức truyền thông hiệu quả hơn các phương thức khác. Theo kinh nghiệm của bà, bà nghĩ “mô hình lý tưởng là mô hình kết hợp giữa Đức Gioan Phaolô II và ông Navarro-Valls,” mô hình này có thể áp dụng rộng rãi.
Ông Navarro-Valls, cựu phát ngôn viên của Vatican dưới thời Đức Gioan Phaolô II là nhân vật huyền thoại trong báo giới Vatican. Ông có quan hệ mật thiết với Giáo hoàng và hiểu rõ mọi diễn biến bên trong Vatican, nên khi ông phát biểu, báo giới xem đó là lời của Giáo hoàng.
Dù đôi khi ông thay đổi một số chi tiết để vui lòng giới truyền thông như việc ông tuyên bố Đức Gioan-Phaolô II ăn 10 chiếc bánh quy buổi sáng sau khi mổ khí quản năm 2005, nhưng ông vẫn là phát ngôn viên có tầm ảnh hưởng sâu đậm.
Theo bà Alazraki, nếu người phát ngôn cần tiếp cận thường xuyên và trực tiếp với Giáo hoàng là để truyền tải thông tin chính xác, có thẩm quyền vì thế hỗ trợ hiệu quả các ngài trong việc truyền thông.
Khi Đức Bênêđíctô XVI lên ngôi năm 2005, ngài chọn cách tiếp cận khác, ngài không duy trì quan hệ trực tiếp với người phát ngôn. Vì thế linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên của ngài mang phong cách truyền thông phục vụ, tập trung thu thập thông tin và loan tin qua các cuộc họp báo, phỏng vấn.
Ngược lại, Đức Phanxicô tự đảm nhận vai trò truyền thông, trực tiếp truyền tải thông điệp qua lời nói, cử chỉ và phỏng vấn, thay vì qua phát ngôn viên. Ngài nghĩ cách giao tiếp tự nhiên, không bị khuôn khổ thể chế ràng buộc sẽ hiệu quả hơn – điều này được phản ánh trong Văn phòng Báo chí Vatican.
Bà Alazraki đã nhiều lần phỏng vấn Đức Phanxicô, bà nhớ lại những năm bà đưa tin về Đức Gioan Phaolô II, bà mô tả triều của ngài là một triều sống động.
Với nhân cách mạnh mẽ và mối quan hệ đặc biệt với Mêxicô, bà viết về Đức Gioan Phaolô II bằng cả tấm lòng, không chỉ với tư cách ngài là Giáo hoàng, nhưng ngài còn là một con người: “Ngài luôn hiểu rõ vai trò của báo chí, ngài biết nếu không có truyền thông, thông điệp của ngài sẽ không được truyền đi. Vì thế ngài tìm liên minh với họ và luôn dành thì giờ để cám ơn họ trong các chuyến tông du.”
Những năm đầu làm phóng viên của bà trùng với 10 năm đầu triều Đức Gioan Phaolô II, một trải nghiệm bà cho là “có một không hai.” Bà xem ngài là nhà lãnh đạo vĩ đại, người đã góp phần thay đổi lịch sử. Bà nhớ lại: “Khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, tôi nghĩ đó là viên gạch đầu tiên đã rơi xuống từ chuyến thăm Ba Lan đầu tiên của ngài. Và tôi đã có mặt ở đó.”
Bà mô tả Đức Gioan Phaolô II như “cơn lốc không ngừng thổi” cho đến khi ngài suy yếu vì bệnh Parkinson. Theo bà, trải nghiệm về nỗi đau và sự chịu đựng của ngài không chỉ là bài học nhân văn nhưng trải nghiệm này mang một chiều sâu thiêng liêng rất mạnh. Bà nhấn mạnh: “Ngài là người đứng dưới thập giá, chia sẻ thập giá. Trong những lúc đau đớn nhất, ngài cho thấy tinh thần huyền nhiệm Ba Lan của ngài.”
Khi Đức Bênêđíctô XVI được bầu, ngài đối diện với nhiều định kiến có từ thời ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Bà Alazraki nhận định, báo giới thời đó có trách nhiệm lớn trong việc làm hình ảnh của ngài thành tiêu cực, ngài đáng được đánh giá cao nhờ trí tuệ và nền tảng thần học sâu sắc của ngài.
Thời kỳ này cũng là thời chứng kiến nhiều tranh cãi, như bài phát biểu về Hồi giáo của ngài ở Đại học Regensburg – gây phản ứng giận dữ mạnh mẽ dẫn đến vụ sát hại một nữ tu – hay quyết định dỡ bỏ vạ tuyệt thông cho một Giám mục của Huynh đoàn Thánh Piô X, người phủ nhận Nạn diệt chủng Do thái Holocaust.
Ngược lại, Đức Phanxicô là nhân vật ngoại thường, ngài sẵn sàng trả lời phỏng vấn, trả lời thư từ, thậm chí ngài còn gọi điện thoại – một chuyện chưa từng có trong lịch sử các Giáo hoàng.
Trước đây, khi còn ở Argentina, ngài hiếm khi trả lời phỏng vấn, nhưng từ khi được bầu chọn, ngài trả lời phỏng vấn nhiều hơn bất kỳ Giáo hoàng nào trong lịch sử hiện đại.
Bà Alazraki nhớ lại cuộc họp báo đầu tiên của ngài khi ngài trở về sau chuyến đi Ngày Thế Giới Trẻ ở Rio de Janeiro năm 2013. Khi nhắc đến việc ngài không thích trả lời phỏng vấn, ngài nói: “Tôi không cảm thấy thoải mái, nhưng tôi sẽ trả lời câu hỏi của quý vị.” Và ngài đã có một cuộc họp báo dài đặc biệt.
Bà kết luận: “Ngài là nhà truyền thông xuất sắc nhất. Dù phong cách của ngài có thể không làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng không ai có thể phủ nhận sức ảnh hưởng của ngài.”
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch