Bác sĩ Sergio Alfieri: “Đã có lúc chúng tôi phải quyết định hoặc dừng chữa trị và để ngài ra đi, hoặc tiếp tục cố gắng.”

177

Bác sĩ Sergio Alfieri: “Đã có lúc chúng tôi phải quyết định hoặc dừng chữa trị và để ngài ra đi, hoặc tiếp tục cố gắng.”

Trong một phỏng vấn với báo Il Corriere della Sera, bác sĩ Sergio Alfieri, điều phối viên của nhóm bác sĩ điều trị ở bệnh viện Gemelli cho biết: “Đã có lúc chúng tôi đứng trước quyết định hoặc dừng chữa trị và để ngài ra đi hoặc tiếp tục cố gắng.”

https://www.cope.es/religion, Ban biên tập, 2025-03-25

Hình ảnh / Eva Fernández

Bác sĩ Sergio trả lời phỏng vấn giải thích chi tiết về tình huống khó khăn Đức Phanxicô đã trải qua, chiều 28 tháng 2 là thời điểm quan trọng nhất trong thời gian ngài ở bệnh viện Gemelli: “Tình trạng của ngài rất bi quan. Lần đầu tiên tôi thấy các người thân của ngài chảy nước mắt. Trong thời gian ở đây, tôi thấy họ yêu thương ngài như người cha. Tất cả chúng tôi đều biết tình trạng bi quan của ngài, có thể ngài sẽ không qua khỏi. Với cơn co thắt phế quản đã làm ngài bị nôn mửa, chúng tôi phải lựa chọn hoặc dừng lại để ngài ra đi, hoặc cố gắng thử thêm.”

Bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Infanta Sofía giải thích lý do vì sao tình trạng này xảy ra và hậu quả của tình trạng này: “Ngày 28 tháng 2, ngài bị co thắt phế quản, ngài không thể hít đầy khí vào phổi, nhóm y tế phải đối diện với một quyết định khó khăn, phải lựa chọn giữa việc dừng lại và để ngài ra đi, hoặc tiếp tục thử các cách, dùng thuốc và liệu pháp có thể dù có nguy cơ cực kỳ cao sẽ làm tổn hại các cơ quan khác.” Các bác sĩ đã chọn cách thứ hai, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của ngài, ngài đã chỉ thị cho y tá riêng của ngài, ông Massimiliano Strappetti: “Hãy thử mọi cách, đừng bỏ cuộc. Không ai bỏ cuộc cả.”

Bác sĩ Sergio Alfieri cho biết: “Trong suốt thời gian này, ngài hoàn toàn nhận thức được tình hình nghiêm trọng, cả khi tình trạng trở nên rất bi quan, ngài vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Có thể ngài đã không sống sót qua đêm 28 tháng 2. Chúng tôi chứng kiến ngài quá đau. Ngay từ đầu ngài đã xin chúng tôi nói sự thật và muốn chúng tôi nói sự thật cho ngài nghe.”

Bác sĩ Alfieri nhấn mạnh đến tính minh bạch: “Không có gì bị thay đổi hoặc bỏ qua. Cụ thể qua  các thông tin liên tục về tình trạng sức khỏe của ngài, chúng tôi thông tin cho các thư ký của ngài và họ thêm các thông tin khác đã được ngài chấp thuận. Không có thông tin nào bị thay đổi hay bị lọc bỏ.”

Dù có nguy cơ tủy xương và thận có thể bị tác hại do phương pháp điều trị tích cực nhưng ngài đã phản ứng tốt, tuy vẫn còn những lúc đáng lo ngại. Bác sĩ Alfieri cho biết: “Chúng tôi vừa thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất thì ngài ói và chất ói vào phổi. Đây là giây phút quan trọng thứ hai vì trong trường hợp này nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể chết thình lình, lại thêm ngài đã bị các biến chứng nặng ở phổi. Lúc đó chúng tôi nghĩ ngài sẽ không qua khỏi, đã có lúc chúng tôi nghĩ chúng tôi không làm được.”

Sức mạnh của lời cầu nguyện: “Đã xảy ra như một phép lạ”

Trong cuộc phỏng vấn, bác sĩ Alfieri nhấn mạnh đến sức mạnh đáng kinh ngạc của Đức Phanxicô, cả về thể chất lẫn tinh thần: “Trước đây tôi thường hỏi ngài, làm thế nào ngài duy trì nhịp độ làm việc như thế này, ngài luôn trả lời: ‘tôi có phương pháp và quy tắc’. Ngoài một trái tim rất khỏe, ngài có năng lực đáng kinh ngạc. Lời cầu nguyện cũng góp phần tạo nên sức mạnh này. Có một tài liệu nói lời cầu nguyện mang lại sức mạnh cho bệnh nhân và bệnh nhân thường hay cầu nguyện trong lúc này. Tôi có thể nói đã hai lần ngài suýt chết, và sau đó là… phép lạ. Dĩ nhiên ngài là bệnh nhân rất hợp tác, ngài chịu các liệu pháp chữa trị và không bao giờ than”.

Lý do Đức Phanxicô vào bệnh viện Gemelli ngày 14 tháng 2

Bác sĩ Sergio Alfieri kể tình trạng khi ngài nhập viện ngày 14 tháng 2: “Lúc đó ngài đã khó thở và thấy không thể chờ lâu hơn. Khi vào bệnh viện ngài rất đau và rất nản, nhưng sau vài giờ ngài lấy lại tinh thần.”

Trong bối cảnh này, ông Massimiliano Strappetti, y tá riêng của ngài đã đóng một vai trò quan trọng. Năm 2021, ông đã thuyết phục ngài mổ túi thừa đại tràng. Chúa nhật tuần trước ông là người ở bên cạnh ngài khi ngài xuất hiện ở ban-công bệnh viện Gemelli và nói vào tai ngài.

Khi được hỏi ai là người quyết định để ngài thử mọi loại thuốc và liệu pháp, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho các cơ quan khác, bác sĩ Alfieri cho biết Đức Phanxicô đã ủy thác mọi quyết định cho y tá Strappeti vì ông biết rõ ý muốn của ngài. Lúc đó ông Strappetti đã nói với nhóm y tế: “Xin các bác sĩ thử mọi cách và đừng bỏ cuộc.”

Các bác sĩ xác nhận: “Chúng tôi cũng nghĩ như vậy và chúng tôi không bỏ cuộc.” Cũng như chúng tôi, ngài biết có thể ngài không qua khỏi đêm đó.”

Nghệ thuật đối phó với căn bệnh của Đức Phanxicô

Ngài bị nhiễm trùng đường phổi và sốt nhẹ, lúc đó tiên lượng là “dè dặt”. Khi cảm thấy khỏe hơn, ngài muốn trở lại trạng thái bình thường, ngài xin đưa ngài đi một vòng quanh khoa. Chúng tôi hỏi ngài có muốn chúng tôi khép cửa các phòng bệnh nhân không, nhưng ngài nói cứ để vậy, ngài nhìn chung quanh, ngài bắt gặp ánh nhìn của các bệnh nhân khác. Có một hôm ngài rời phòng năm lần, có thể nhiều hơn. Và rồi có một buổi tối ngài ăn pizza. Bác sĩ Alfieri kể một giai thoại trong những ngày này: “Ngài đưa tiền cho một cộng sự để mua pizza, ngài muốn tặng cho người đã giúp ngài ngày hôm đó.” Sau đó khi quyết định về Nhà Thánh Marta, ngài hỏi: “Tôi vẫn còn sống, vậy khi nào tôi được về nhà?”

Đức Phanxicô đã xuất viện, bây giờ cuộc sống của ngài như thế nào?

Kể từ ngày 14 tháng 2, không những ngài luôn tỉnh táo mà ngài còn biết có tin đồn ngài đã chết, bác sĩ Alfieri nói trong cuộc phỏng vấn: “Ngài phản ứng bằng tinh thần hài hước như thường lệ.” Còn bây giờ thì sao? Bác sĩ Alfieri cho biết: “Ngài đã rời bệnh viện, bây giờ chúng tôi cẩn thận về cả thuốc men và thực phẩm.”

Hồng y Pietro Parolin nói: “Trong thời gian dưỡng bệnh, xin anh chị em đừng làm ngài quá mệt.” Theo các bác sĩ, ngài phải dưỡng bệnh hai tháng, tránh tiếp xúc với đám đông, nhất là với trẻ em để ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên ngài vẫn là người quyết định cuối cùng.

Bác sĩ Alfieri cho biết cảm xúc của ông khi ngài ở bệnh viện: “Khi tôi thấy người mặc áo trắng rời tầng thứ mười của bệnh viện, tôi thật xúc động vì đó là cảm xúc của một người được thấy Giáo hoàng!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

38 ngày ở bệnh viện, 38 ngày yêu thương

Đức Giáo hoàng: bệnh tật và người phụ nữ tặng hoa vàng

Bài học của một Giáo hoàng đau khổ