Đức Hồng y Barbarin: “Chúng tôi không rời tàu khi tàu đang trong cơn bão tố”

218

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2016-05-20

Sau khi gặp Đức Phanxicô, Đức Hồng y Barbarin nói về các vụ ấu dâm làm lay động địa phận của mình. Ngài nhận đã có những sai lầm trong quá khứ nhưng ngài chủ trương, theo đường lối của Đức Thánh Cha, một đường lối dung thứ zero đối với các linh mục phạm tội ấu dâm.

French Cardinal Philippe Barbarin, Archbishop of Lyon attends MEDEF summer forum on the campus of the Ecole Polytechnique, in Palaiseau near Paris

Le Figaro: Sáng thứ sáu 20 tháng 5, Đức Phanxicô đã tiếp cha. Trong bài phỏng vấn ngày thứ ba 17 thường 5 với báo Thập Giá, Đức Phanxicô đã nhắc lại ngài hoàn toàn ủng hộ cha. Cha có xin một cái gì đặc biệt trong đường lối chỉ đạo các vụ ấu dâm này không?

Hồng y Barbarin: Trước hết ngài để thì giờ chăm chú nghe. Ngài gần như nắm đầy đủ tin tức về vụ này. Ngài nhắc lại lòng tin tưởng của ngài đối với tôi và xác quyết thiết thân của ngài: không có chỗ trong sứ vụ cho những ai lạm dụng trẻ con, và đối với việc này, không gì hủy đi được. Dung thứ zero có nguồn gốc của nó trong phúc âm Thánh Máccô  (Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Mc 9, 42). Ngài khuyên tôi nên bình thản chờ tòa án làm công việc của họ. Sau đó chúng tôi nói về các đề tài khác.

Từ đó loại đi khả năng từ chức?

Nếu tòa án cho thấy rõ có một thiếu sót trầm trọng trong đường lối sứ vụ của tôi, thì thật sự đó là một bối cảnh cần phải xét đến. Cho đến bây giờ, sẽ là thiếu trách nhiệm nếu tôi đi ngược với bổn phận của tôi: chúng ta không rời tàu khi tàu đang trong cơn bảo tố.

Sự việc Đức Giáo hoàng không nhắc đến các nạn nhân đã làm cho họ bị thương tổn sâu đậm. Có phải thêm một lần nữa, họ bị bỏ rơi?

Không. Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo hoàng trả lời một câu hỏi về vấn đề của tôi. Nhưng với những ai theo dõi ngài, thì lời và hành động của ngài đối với các nạn nhân là một sự trong sáng không chối cãi.

Hiệp hội các nạn nhân “Lời được giải thoát” buộc tội cha “thiếu lòng trắc ẩn”. Cha trả lời với họ như thế nào?

Tôi rất buồn về sự buộc tội này. Một vài nạn nhân của linh mục Preynat xin gặp tôi và họ nói chuyện với tôi một cách tin tưởng, một vài nạn nhân khác từ chối lời mời của tôi. Hai mươi và ba mươi năm sau các sự kiện này, vết thương của họ vẫn còn nóng. Nạn nhân đầu tiên tôi gặp là vào tháng 11 năm 2014, ông nói ông giận vì đã không tố cáo trước khi ông 38 tuổi. Ông chấp nhận viết chứng từ của mình và tôi đã gởi qua Rôma ngay. Đó là sự kiện cho phép tôi có những chỉ dẫn chính xác để ngưng chức linh mục Preynat. Tôi cũng gặp nhiều cha mẹ của các nạn nhân và theo lời yêu cầu của cha mẹ, tôi  cũng gặp một vài con cái của họ. Tất cả đều biết tôi luôn sẵn sàng. Họ chỉ cần gọi tôi: cánh cửa của tôi luôn mở.

Cuối cùng, hiệp hội các nạn nhân đã giúp Giáo hội thấy rõ vấn đề…

Chứng từ của họ là chìa khóa mà thường chúng tôi thiếu. Đó là những điều làm sáng tỏ cho chúng tôi bây giờ về các sáng kiến phòng ngừa và tháp tùng mà chúng tôi phải áp dụng, để ngăn những việc như vậy có thể xảy ra trong tương lai. Chứng tá này, chúng tôi nhận với một nỗi đau đớn sâu xa trong lòng, nhưng là một nỗi đau cần thiết. Chiều đó trong thánh lễ, tôi nhắc lại các lời nói của Đức Phanxicô, tôi công khai xin lỗi nhân danh Giáo hội, nhân danh cá nhân tôi cho sự dữ mà một vài linh mục đã phạm. Tôi sẽ xin lỗi lại bao nhiêu lần nếu cần phải xin lỗi. Các nạn nhân có chỗ của họ trong lời cầu nguyện hàng ngày của tôi.

Địa phận có nghĩ đến việc gặp hiệp hội này?

Đó thật sự là điều tôi mong ước. Tuy nhiên, đã có một buổi gặp gỡ với các linh mục anh em chúng tôi, và chắc chắn nó sẽ mang lại thành quả. Mục đích của hiệp hội là dẫn đến sự thật và tự do, những yếu tố cần thiết để chữa lành. Dù mục đích này có thể bị báo chí khai thác như chúng ta thấy tiếng vang lớn của nó trong xã hội. Một giải thoát đúng của lời, dù trong đau đớn cũng giúp cho các nạn nhân tái xây dựng lại và giúp cho Giáo hội cải cách, để Giáo hội đi tới. Điều tai tiếng lớn lao, là người đại diện cho Chúa Giêsu, theo lẽ phải bảo vệ những người thấp bé nhất, lại đi lạm dụng những người này!

Hiệp hội này cũng thức tỉnh rất nhiều chuyện xưa cũ trong tất cả các địa phận của Pháp. Từ đó, có rất nhiều vụ tương tự như vậy…

Đây là dịp để mọi người xét mình. Một giám mục khi thuyên chuyển về một địa phận, người đó thừa kế một lịch sử lâu dài và nhiều quyết định của các vị tiền nhiệm của mình. Tiến trình này lại được sống trong hiện tại: tân giám mục phải làm gì bây giờ để sửa lại các sai lầm đã qua và ngăn để ngày mai nó không tiếp tục xảy ra? Nhưng các hành động đồi bại này vẫn là một sỉ nhục sâu xa đối với Giáo hội. Đôi khi chúng tôi đã dùng chữ “im lặng, omerta” nhưng đúng ra là “nhục nhã” thì phù hợp hơn. Chính xác đó là chữ tôi dùng khi nói chuyện với một nữ ký giả, cô giả làm nạn nhân để nói chuyện với tôi. Tôi khuyến khích cô đi tố cáo: “Điều quan trọng nhất là cho cô… Kệ cho Giáo hội, nếu phải bị nhục nhã thêm!”

Dù vậy, cũng phải cần áp lực báo chí để lay động Giáo hội. Áp lực này có đủ để ý thức cú sốc và thảm kịch dài lâu do các vụ tấn công tình dục gây ra trên các nạn nhân không?

Chưa đủ! Ý thức này lớn lên dần dần và nó chưa xong. Mỗi lần tôi gặp một nạn nhân, tôi càng ý thức hơn tầm mức tác hại mênh mông của việc này… Một linh mục lớn tuổi trong địa phận tôi đã nói những câu không chấp nhận được trước báo chí, trước một cuộc gặp diễn ra về vấn đề ấu dâm. Sau khi nghe chứng tá của một trong các nạn nhân của linh mục Preynat, linh mục lớn tuổi này công nhận, đáng lý ông không bao giờ được nói như vậy. Có vẻ ông đã ý thức tầm tác hại của nó… Chỉ có lắng nghe các nạn nhân mới ý thức được như vậy.

Địa phận của cha có thể làm gì để sửa lại sự dữ này nếu có thể sửa được?

Đây là một vấn đề thật khó, nhưng thật chính yếu. Tất cả bắt đầu bằng lắng nghe, vì tự nó, lắng nghe đã là một yếu tố chuộc lỗi. Phải bỏ thì giờ, bao nhiêu có thể để chăm chú, trắc ẩn, nhân từ đón tiếp… Sự lắng nghe này song song với các việc làm của tòa án, bác sĩ, tâm lý gia để tìm giải pháp phù hợp cho từng người và trước hết là thừa nhận nhân cách của nạn nhân.

Đâu là các biện pháp cụ thể cha sẽ dùng?

Đối với ấu dâm, bao dung zero là nguyên tắc. Các sự kiện khủng khiếp và xưa cũ bật lên vào tam cá nguyệt 2016 này đặt ra một vấn đề khác: cách quản lý các sự kiện này ngược lên từ những năm 1970, 1980 hay 1990, được xử lý như người ta xử lý vào hồi đó, có nghĩa là xử lý ít, xử lý sai hoặc không xử lý gì và trong nhiều trường hợp, theo những quy tắc mà bây giờ chúng ta thấy là không thể hiểu được hoặc lỗi thời. Bây giờ phải đến lúc xem lại các hồ sơ cũ và hoàn tựu một công việc thanh tẩy to lớn. Một cách cụ thể, từ nhiều tuần nay chúng tôi đã thành lập một bộ môn để lắng nghe; để các nạn nhân và người thân của họ gặp một người đối thoại trực tiếp để tháp tùng họ. Chúng tôi cũng thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu trường hợp của một vài linh mục mà chúng tôi thấy có vấn đề. Nhóm gồm một quan tòa cao cấp, một bác sĩ tâm thần, một phân tâm gia, một luật sư, một bác sĩ, một nhà giáo luật, một nhân viên làm việc xã hội, một người mẹ, một người cha. Họ đã làm việc từ đầu tháng 4 và họ sẽ trình báo cáo của mình vào ngày 30 tháng 6 sắp tới. Tuy nhiên chúng tôi sẽ có những biện pháp phòng ngừa và có những buổi đào tạo cho tất cả các sứ vụ viên (linh mục, phó tế, giáo dân) và sẽ thảo một hiến chương để bảo vệ tuổi thơ và để tháp tùng các nạn nhân và người thân của họ.

Nhưng tại sao với các vụ xưa cũ, cha không áp dụng “dung thứ zero” như cha áp dụng khi đối diện với các vụ mới?

Vì nói cho đúng, những sự việc này đã xưa cũ và có trước khi tôi về đây, nó đã được “xử lý” bởi các vị tiền nhiệm của tôi. Vì không có tố cáo và các yếu tố mới và cũng vì tôi không biết chính xác các sự việc, nên tôi không xem xét lại hoàn cảnh.

Như thế cha đã phạm một sai lầm?

Đúng, bây giờ tôi thấy, đây đúng là một bước ngoặc trong cuộc chiến đấu chống nạn ấu dâm: từ nay chúng ta phải có trách nhiệm với tất cả các trường hợp, dù xưa cũ đến như thế nào.

Như thế không còn khái niệm về thời gian hiệu lực…

Luật pháp quy định, quá một thời hạn nào đó thì sẽ tạo một xáo trộn lớn cho xã hội khi mở những hồ sơ cũ, nên tốt hơn là đóng nó lại. Giáo hội không thể nhìn vấn đề dưới góc cạnh này. Lấy ví dụ quan điểm của các gia đình khi họ muốn gởi con vào một “căn nhà an toàn”, họ không bao giờ giao trách nhiệm mục vụ cho một linh mục ấu dâm, dù sự việc xảy ra đã xưa như thế nào, vì đó là tội ác phạm đến tuổi thơ.

Nhưng tại sao cha không tránh đi các công việc mục vụ, theo nguyên tắc phòng ngừa, với các linh mục đã bị lên án và đã chịu án xong của họ?

Đối với các linh mục ấu dâm, chuyện làm mục vụ lại là chuyện không đặt ra nữa: Không thể được. Nhưng đối với những trường hợp khác (miễn tố, khiếu nại không tiếp tục, các tấn công được xác nhận trên người lớn), thì có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau mà chúng tôi không thể xét chung, mà chỉ xét theo từng trường hợp một. Đó là công việc của nhóm chuyên gia mà tôi đã nói ở trên, họ làm sáng tỏ cho tôi để tôi có thể quyết định.

Cha khẳng định “không bao giờ bao che” các linh mục ấu dâm, nhưng rất nhiều người buộc tội cha đã bao che các vụ này…

Bao che, đó là biết kẻ phạm tội đang phạm các tội ác này và để lơ cho họ làm. Đó là điều khủng khiếp! Chính xác, khi tôi gặp linh mục Preynat, tôi đứng trước một người nhìn nhận họ có một quá khứ nhục nhã, nhưng họ bảo đảm với tôi, từ sau năm 1991, họ không còn phạm một tội ác nào thêm theo kiểu này. Nhưng những hành vi khủng khiếp, dù xưa cũ đến như thế nào, cũng đã gây nên một sự đau khổ không lường. Đối với các nạn nhân, thì không thể chấp nhận được để cho linh mục này tại chức: tôi hiểu điều này quá trễ… và chỉ sau khi thấy được phản ứng của họ.

Cha có tiếc là đã hành động như vậy không?

Đương nhiên. Tôi đã không lường được hành vi tỏ lòng thương xót đối với các linh mục phạm tội lại là một đau khổ mới cho các nạn nhân, họ thấy đây là một hình thức cự tuyệt, họ không cảm thấy mình được hiểu cũng như được tôn trọng. Đây là vấn đề trách nhiệm đối với các nạn nhân và với tất cả gia đình đã giao con cái mình cho Giáo hội.

Cha có sợ sẽ có những vụ khác sẽ được đưa ra không?

Tôi cam kết phải dùng các phương tiện bắt buộc để xem xét tỉ mỉ trường hợp của tất cả các linh mục liên hệ, dù có liên hệ gần hay xa, ngay cả những việc rất xưa, ngay cả đối với tòa là hết thời gian hiệu lực và tôi sẽ công khai đưa ra các quyết định của tôi vào mùa hè này. Phải làm sao để tín hữu công giáo biết rằng, nếu một linh mục dâng thánh lễ trong giáo xứ của họ, thì ông không xấu hổ vì quá khứ của mình trong lãnh vực này. Đương nhiên các vụ khác sẽ có thể được đưa ra, có thể do chúng tôi không biết đến, có thể là nó sẽ xảy đến trong tương lai.

Cha dự kiến thế nào cho việc cảnh sát điều tra sẽ triệu tập cha?

Với lòng thanh thản. Tôi đã đưa các lời chứng của tôi vào mùa thu năm 2015 và tôi đã giao lại tất cả thông tin mà tôi có lúc đó. Cũng như các nạn nhân, tôi mong mọi sự thật sẽ được làm sáng tỏ, hy vọng điều này sẽ giúp cho họ tìm được một chút bình an.

Cha cảm thấy bị buộc tội đúng trên một số điểm hay buộc tội một cách bất công?

Tôi xét mình lại: theo sự hiểu biết của tôi, không có một trẻ em nào đã phải chịu đau khổ vì những quyết định của tôi khi tôi làm giám mục. Nhưng các sai lầm trong quản trị giải thích một phần tai tiếng vô cùng này trong ý kiến quần chúng. Một cách cụ thể, bây giờ đa số chúng tôi, linh mục, giám mục, tu sĩ, giáo dân đều có cảm nhận mình mang lỗi này lỗi kia của anh em mình. Một kinh nghiệm thiêng liêng kỳ lạ mà nhất là, đứng trước nó, mình không được tránh né.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch