Cô Manissa: Chúng ta phải cầu nguyện cho nhau
Sống đạo năm 2016 trong 10 bài học. Bài thứ 6.
Aleteia.org, Sabine de Rozières, 2016-05-11
Manissa, người Pháp gốc Lào, cô luôn được bao bọc bởi những người có “một cái gì hơn thế nữa”, cái gì này đã thay đổi đời cô.
Aleteia: Vì sao Chúa có một chỗ đứng trong đời sống của cô?
Manissa: Đó là tiến trình đi dần dần. Tôi là người trở lại. Tôi hiểu trong đời tôi, tôi cần những điểm chuẩn và dựa trên một cái gì đó, cái gì này là đức tin và đời sống nội tâm mà tôi có với Chúa Giêsu. Có nhiều chuyện tôi được học khi còn nhỏ mà tôi không hiểu, bây giờ, càng ngày tôi càng hiểu hơn. Điều này cho phép tôi tiến hơn trong đức tin, giống như một bước đi. Tôi sống trong một cái nguồn mà tôi phải quay về đó mỗi ngày. Nó cho phép tôi đi ra khỏi giới hạn và các mục đích mà tôi đặt cho mình.
Đối với cô, “có đức tin” có nghĩa là gì?
Là một cái gì to lớn vô cùng! Nó làm cho tôi mở đầu óc và cho phép tôi thông hiểu người khác hơn, những người mà tôi có thể gặp. Ngoài cầu nguyện và đời sống thiêng liêng, đức tin là sống, là làm chứng! Đó là cái gì mình không giữ cho mình và may thay, tôi là bằng chứng! Tôi thật sự ghi nhận và có kinh nghiệm điều này: có những người chung quanh tôi, họ có đức tin và tôi thấy rõ, họ có “một cái gì” hơn thế nữa. Những người này cho tôi khao khát, cho tôi cảm hứng. Họ là các nhân chứng của tôi, tôi phải nói to và nói rõ: trước tiên hết đức tin của chúng ta phải thấy trên khuôn mặt của chúng ta!
Cô có dành một hành động nào hàng ngày cho Chúa không?
Tôi chào Chúa mỗi ngày. Tôi không nhất thiết phải để ra mười phút hay hơn để đọc kinh sáng, nhưng khi thức dậy tôi “chào Chúa” và tôi bắt đầu một ngày của tôi!
Cô muốn nói gì với người công giáo?
Có rất nhiều cảm nhận phụng vụ khác nhau nơi người công giáo, nhưng tôi muốn nhắc họ gấp về chuyện hiệp thông các thánh. Chúng ta phải cầu nguyện cho nhau! Nét đa dạng của những cảm nhận này không bắt chúng ta phải cô lập, nhưng nó lại hay xảy ra. Mỗi người ở trong giáo xứ của mình và người ta quên công giáo là “phổ quát”.
Theo cô, cái gì có thể cứu thế giới?
Đó là tin tưởng vào sự sống và vào con người, sự tin tưởng được nâng đỡ bằng đức tin. Vì nó mở ra cho chúng ta và và giúp cho chúng ta có lòng tin vào nhau. Nó giúp chúng ta vượt lên các nỗi sợ của mình. Tôi thấy người ta thường dè chừng nhau và đương nhiên chúng ta còn dè chừng hơn với những người không ở trong vòng bạn bè, gia đình, nghề nghiệp của mình. Đức ái và tình yêu mình có cho nhau thường bị tê cứng vì các nỗi sợ của chúng ta, nhưng tôi tin chính vào sự tin tưởng lẫn nhau – và tin vào Chúa – mà thế giới được cứu.
Đâu là nỗi sợ lớn nhất của cô?
Đó là coi nhẹ hiểm nguy của tội và tin rằng chẳng có gì sẽ xảy đến với tôi, tất cả vì tôi có đức tin. Tôi có rất nhiều tự tin nên tôi có khuynh hướng giảm nhẹ cám dỗ. Chẳng hạn, nếu có một ngày tôi phải đối diện với vấn đề phá thai, đó là một cái gì làm cho tôi rất sợ. Mình là người công giáo, mình yêu sự sống, và tôi hiểu người ta có thể đời hỏi mình phải làm gì. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là rơi vào cám dỗ như vậy, không phải vì dễ dàng nhưng sợ cái nhìn của người khác mà mình không đủ can đảm để đảm nhận trách nhiệm nếu phải đảm nhận.
Cái gì làm cho cô hạnh phúc?
Có một việc tôi rất thích là quan hệ với người khác, dù với người mình không quen, mình chỉ cười với họ. Tôi không nghĩ mình cho gì nhiều… chỉ một nụ cười, một sự quan tâm… Tôi thường cười trong xe điện ngầm, tôi nhìn người ta, tôi chờ xem họ phản ứng như thế nào, vậy là tôi nhận! Họ thật sự muốn đón nhận nụ cười! Và đó là những niềm vui nhỏ hàng ngày của tôi. Không rắc rối chút nào!
Đức tính nào cô thích nhất và tại sao?
Sự điều độ. Bởi vì trong cá tính hăng hái hay trong lời nói ào ào của tôi, nó giúp tôi tìm lại chỗ đứng của mình! Tôi có tính bốc đồng, đức tính điều độ giúp tôi biết lắng nghe người khác thay vì phản ứng ngay lập tức!
Thánh nào cô kính mến nhất và tại sao?
Cũng khó để chọn… nhưng tôi rất kính thánh Maximilen Kolbe vì ngài hoàn toàn quên mình, ngài hiến mình cho người khác. Đó là hình ảnh Chúa Kitô trao ban mạng sống mình. Ngoài ra còn thánh Gioan-Phaolô II, giáo hoàng của thế hệ tôi! Ngài khởi hứng cho tôi rất nhiều. Ngài có khả năng làm cho mình cảm nhận tình yêu của Chúa Kitô cho mình, cho con cái Chúa. Ngài nâng đỡ! Và nhất là ngài dạy cho tôi biết nhìn đến người khác. Tất cả các Ngày Giới Trẻ ngài khởi xướng góp phần một cách cụ thể để biết thế nào là tình huynh đệ đối với những người mà mình không biết. Chỉ trong vòng một tuần, mình cảm thấy như ở trong cùng một gia đình. Ngài biết làm cho chúng tôi thức tỉnh và khuyến khích chúng tôi làm chứng! Con xin cám ơn Đức Gioan-Phaolô II.
Kinh nào cô thích nhất và tại sao?
Đó là đoạn nói về đức ái trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, chương 13: “ (…) Nếu tôi không có đức ái, nếu tôi thiếu tình yêu, tôi chỉ là thanh la phèng phèng chũm chọe…”.
Marta An Nguyễn dịch