Lắng nghe Đức Phanxicô về nạn diệt chủng và chiến tranh ở Gaza
americamagazine.org, Linh mục Dòng Tên David Neuhaus, giáo sư Kinh thánh tại Israel và Palestina, 2024-12-04.
Linh mục là thành viên kỳ cựu Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo hội Công giáo Đất Thánh. Sinh tại Nam Phi trong thời Apartheid, phân biệt chủng tộc, ngài sống phần lớn cuộc đời ở Israel và là công dân Israel.
Một em bé khóc bên thi thể người cha và các người Palestina khác tại Bệnh viện Al-Aqsa Martyrs ở Deir Al-Balah, miền trung Dải Gaza, ngày 9 tháng 10 năm 2024. Họ thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel. (Ảnh của OSV News/Ramadan Abed, Reuters)
Trong quyển sách mới Hy vọng không bao giờ làm thất vọng (Hope Never Disappoints) phát hành tiếng Ý tháng 11 năm 2024, Đức Phanxicô nhắc lại nỗi sợ của thế giới, đặc biệt ở Nam Bán cầu, cũng như trên các đường phố, trên khuôn viên các trường đại học các thành phố lớn ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Ngài viết: “Theo một số chuyên gia, những gì đang xảy ra ở Gaza có đặc điểm của một cuộc diệt chủng. Cần phải điều tra cẩn thận để xác định xem nó có phù hợp với định nghĩa kỹ thuật của các luật gia và các tổ chức quốc tế đưa ra hay không.”
Tháng 12 năm 2023, Nam Phi đệ trình một vụ kiện chống lại Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế về vấn đề này. Ngay sau khi Đức Phanxicô công bố, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant, ông Muhammad Deif, chiến binh Hamas hàng đầu, tất cả đều bị buộc tội phạm tội ác chống lại loài người.
Điều gì thúc đẩy ngài trong lập trường của ngài về cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Palestina? Tại sao một số đối tác Do thái trong cuộc đối thoại lại nghi ngờ về lời nói của ngài?
Trong suốt năm qua, ngài luôn dấn thân sống theo Phúc âm, đấu tranh cho công lý và thúc đẩy giáo huấn xã hội của Giáo hội, lấy gương mẫu của các nhân vật tiên tri đương thời như Óscar Romero và Pedro Arrupe làm gương. Ngài lên án các cuộc tấn công của người Palestina vào miền nam Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023 làm cho 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ khoảng 250 con tin. Mặc dù liên tục kêu gọi thả con tin, ngài là một trong những người đầu tiên thách thức phản ứng quân sự của Israel, ngày càng không cân xứng, làm hàng chục ngàn người thiệt mạng. Từ đó ngài không ngừng chỉ trích chiến tranh vì chiến tranh là thất bại của mọi người, ngài nhấn mạnh tự vệ là hợp pháp, nhưng chiến tranh ở thời hiện đại chắc chắn là bất công, gây ra cái chết bừa bãi và sự tàn phá khủng khiếp.
Khi đặt câu hỏi về nạn diệt chủng, ngài quyết tâm để Giáo hội không bị buộc tội im lặng một lần nữa, những lời buộc tội vang lên sau cuộc diệt chủng Holocaust, khi người Do thái là nạn nhân của nạn diệt chủng. Giống như các giáo hoàng tiền nhiệm, ngài cam kết thực thi công lý cho cả người Palestina và người Israel. Ngài nói về một cuộc chiến giữa người Israel và người Palestina trái ngược với lời tuyên bố chính thức của Israel về một “cuộc chiến chính nghĩa” chống lại Hamas – một cuộc đấu tranh giữa một nhà nước hợp pháp, Israel, và một tổ chức khủng bố bất hợp pháp, Hamas. Cách mô tả này đã bỏ qua các yếu tố chính của cuộc xung đột:
Cuộc xung đột này là cuộc chiến mới nhất trong cuộc chiến đã diễn ra trong nhiều thập kỷ giữa người Israel và người Palestina, từ lâu trước khi Hamas thành lập, cuộc chiến đã có từ khi thành lập nhà nước Israel và từ sự khởi nguồn của Nakba (thảm họa) của người Palestina. Điều quan trọng cần nhớ là kể từ năm 1948, hầu hết các tổ chức chính trị Palestina đấu tranh đòi công lý cho người Palestina đều bị giới cầm quyền Israel cho là “khủng bố”.
Thủ tướng Netanyahu phản đối nhà nước Palestina, ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Do thái và các yêu sách của Israel đối với toàn bộ lãnh thổ Palestina lịch sử, những lập trường nhắm vào toàn thể người dân Palestina. Hơn nữa, ông đã hợp pháp hóa các hình thức cực đoan nhất của chủ nghĩa phục quốc Do thái, đưa vào nội các của ông các chính trị gia như Itamar Ben-Gvir, Bộ trưởng An ninh nội bộ và Bezalel Smotrich, Bộ trưởng Tài chính, những người kêu gọi các chính sách tương đương với việc thanh trừng sắc tộc ở Gaza và dùng nạn đói để chống lại người Palestina, bảo vệ những kẻ cực đoan giết hại thường dân Palestina.
Vòng xung đột này đã lan sang Bờ Tây, nơi các băng nhóm bán quân sự của những người định cư đang áp đặt chế độ khủng bố mà không bị trừng phạt.
Nỗi sợ của Israel về Iran và những người được cho là đại diện của Iran (Hamas, Hezbollah và Houthis ở Yemen), các cuộc tấn công của họ vào Israel đã dẫn đến các cuộc tấn công quân sự của Israel vào Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và Iran, vòng tròn chiến tranh ngày càng mở rộng.
Giáo hội nhấn mạnh, cách duy nhất để chấm dứt xung đột là đảm bảo công lý, tự do và bình đẳng cho người Palestina, điều kiện để đảm bảo hòa bình và an ninh cho người Israel và Palestina, người Estonia cũng vậy. Liên Hiệp Quốc, Tòa án Công lý Quốc tế và các tổ chức liên kết được thành lập sau Thế chiến thứ hai nhằm cố gắng ngăn chặn các cuộc chiến trong tương lai. Giáo hội ủng hộ họ, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng. Nhưng các tổ chức và hoạt động của luật pháp quốc tế đang liên tục bị phá hoại vì Israel từ chối tuân thủ các phán quyết của họ (mặc dù chính Israel ra đời qua một nghị quyết của Liên hiệp quốc). Nhiều thế lực hỗ trợ Israel được cho là sẽ bảo vệ các trường hợp quốc tế này.
Chắc chắn nhiều người sẽ bị sốc khi câu hỏi về tội diệt chủng được nêu ra với Israel, Israel là thủ phạm tiềm tàng. Vào thế kỷ 20, người Do thái là nạn nhân của cuộc diệt chủng kinh hoàng nhất lịch sử, phản ứng chung với vụ Thảm sát là “Không bao giờ tái phạm nữa!” Chính phủ Israel và những người ủng hộ, cả người Do thái và không Do thái có xu hướng nghi ngờ ai nói về tội diệt chủng ở Gaza là người bài Do thái, một phản ứng thường được nêu ra trước bất kỳ lời chỉ trích Israel nào hoặc bày tỏ sự ủng hộ người Palestina.
Liệu việc chỉ trích Israel và đặt ra câu hỏi về nạn diệt chủng của Giáo hoàng có tương quan với sự vô cảm trước lịch sử bài Do Thái của kitô giáo không? Việc xóa bỏ hoàn toàn thái độ bài Do Thái trong diễn từ công giáo còn lâu mới hoàn toàn, bằng chứng là những phát biểu thỉnh thoảng của Đức Phanxicô và các giáo hoàng tiền nhiệm. Hai phát biểu đáng tiếc gần đây nhất là:
Thư của Đức Phanxicô gởi tín hữu Trung Đông ngày 10 tháng 7 có nhắc đến Phúc âm Thánh Gioan 8:44, một câu được dùng trong lịch sử kitô giáo để loan truyền nội dung bài Do thái là một chuyện khủng khiếp (Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích…)
Trong bài phát biểu về việc thành lập Ủy ban Giáo hoàng cho Ngày Trẻ em Thế giới (20 tháng 11), Đức Phanxicô bình luận về “các giáo sĩ Do Thái” khi họ ngăn không cho trẻ em đến gần Chúa Giêsu. Các bình luận này không thúc đẩy việc giảng dạy về sự tôn trọng người Do thái và Do thái giáo mà Giáo hội đã cổ động từ năm 1965.
Giáo sư Adam Gregerman, nhà nghiên cứu Do thái tại Đại học Thánh Giuse ở Philadelphia, trong một bài báo trên tạp chí Tablet giáo sư chỉ trích gay gắt các bình luận của giáo hoàng về nạn diệt chủng và thái độ của ngài với cuộc xung đột, giáo sư viết: “Đức Phanxicô thường xuyên nói với tính cách cá nhân về quan hệ Do thái-Công giáo, nhấn mạnh đến cam kết của ngài trong việc làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa hai cộng đồng xa cách nhau từ lâu. Đây là lời mở đầu cho lời tri ân cảm động của ngài trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do thái và xây dựng mối quan hệ với người Do thái. Nhưng vì sao các nhận xét mang tính cách bài Do thái vẫn xuất hiện? Những nhận xét này bắt nguồn từ chính giáo hoàng đến mức nào, hay chúng có thể bị quy cho những người chuẩn bị các bài phát biểu và văn bản đã xuất bản?”
Dù phản ứng như thế nào, những nhận xét này đều gây thất vọng và bực bội, làm tổn hại đến lập trường của ngài về cuộc chiến Israel-Palestina, cho phép một số người cáo buộc ngài bài Do thái, trái ngược với cam kết của ngài về tình bằng hữu với người Do thái. Quan trọng nhất, họ chuyển hướng sự chú ý khỏi vấn đề quan trọng nhất đang bị đe dọa, bạo lực đang diễn ra ở Trung Đông.
Trong khi mối quan tâm sâu sắc của ngài với người Palestina, với tất cả các dân tộc ở Trung Đông làm cho tiếng nói của ngài trở thành tiếng nói vang dội, thì việc chỉ trích Israel và sự coi thường mạng sống và quyền tự do của người Palestina của giới lãnh đạo chính trị không bao giờ được gợi lên những ẩn dụ liên quan đến chủ nghĩa bài Do thái. Giáo hội phải liên tục đổi mới cam kết đấu tranh chống lại mọi dấu vết của chủ nghĩa bài Do thái, đồng thời đấu tranh cho công lý, cho người dân Palestina. Nếu không có cam kết với người Palestina, họ bị đẩy ra bên lề từ năm 1948 thì cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình, tự do và bình đẳng cho tất cả người dân ở Trung Đông chắc chắn sẽ thất bại.
Cuối cùng, khi các cuộc tấn công quân sự hàng ngày làm hàng chục người chết và bị thương, đẩy số người chết lên gần 45.000 người trong năm qua; khi hàng trăm ngàn người sống trong các lều tạm hoặc trên đống đổ nát ngôi nhà của họ; khi tình trạng suy dinh dưỡng và nạn đói gây ra hậu quả chết người; khi mùa đông đến gần, khi dịch bệnh lan rộng, Đức Phanxicô liên tục nhắc chúng ta về Gaza. Cuộc chiến kéo dài quá lâu đến nỗi nó gần như không còn là tin thời sự nữa. Sau các sự kiện trên thực địa, gần như ngài tiếp xúc hàng ngày với cộng đồng Công giáo ở Thành phố Gaza, hiểu nhiều hơn về những gì đang xảy ra so với người khác. Ngài không thể không xin chúng ta ghi nhớ, ngài không ngừng thúc đẩy để chấm dứt thảm họa đang diễn ra này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch