Chân phước Carlo Acutis: “Luôn kết hiệp với Chúa Giêsu, đó là chương trình sống của tôi.”
Trích sách “Carlo Acutis, các trực giác thiêng liêng”. Carlo Acutis, Ses intuitions spirituelles. Tác giả: Alessandro Deho’, nhà xuất bản: Salvator. Marta An Nguyễn dịch
15 tuổi, luôn kết hiệp với Chúa Giêsu, đó là cả một chương trình! Một dấn thân can đảm, một quyến rũ, triệt để và không thể chối cãi. Ở tuổi 15, người ta chắc chắn mình sẽ thành công. Và đó là điều bình thường. Rồi với những thăng trầm của cuộc sống, chúng ta suy sụp, khi đó kết hiệp với Chúa Giêsu, chọn Ngài là nơi tập trung, ngoài thành Giêrusalem, dù sinh ra hay chết đi, khi nó xảy ra thì nó xảy ra, không phải là một chương trình nhưng là một tình huống có thể xảy ra. Một nhận thức đôi khi đau đớn, có khi là một lên án.
Khi những ngày tháng êm đềm của lễ Giáng sinh qua đi, khi Giáng sinh là chấp nhận khó nghèo, khi chúng ta đau đớn thấy mình trở về với thế giới này, khi đó không còn là vấn đề của một chương trình nhưng là hành trình hướng về Thiên Đàng, một lời cầu nguyện chứ không phải lời hạch hỏi: “Chúa ở đâu?” Và khi chúng ta tách khỏi cuộc sống, như Carlo, chúng ta tránh con đường của chính mình. Khi chúng ta trốn sự tra tấn, trốn sự độc tài của chính mình, trong những lúc đó, việc kết hiệp với Chúa là chuyện bi thảm, vì một Thiên Chúa đi trốn không giải quyết được gì, một Thiên Chúa khuất phục trước sức nặng của quyền lực, một Thiên Chúa không dám “dùng sức mạnh cánh tay mình để lật đổ những kẻ hùng mạnh khỏi ngai vàng của họ”, vô ích. Ở tuổi 15, chúng ta không chạy trốn chỉ để thoát khỏi cái chết.
Và rồi chúng ta nhận ra, ở với Chúa Kitô không làm cho chúng ta tránh được cám dỗ, nhưng làm cho cám dỗ còn lớn hơn, vì ở với Chúa Giêsu là hành trình đi qua sa mạc, nơi mọi thứ trở thành một đòi hỏi, một khiêu khích, một nghĩa vụ phải quyết định một mình. Khi chúng ta nhận ra đức tin không đơn giản hóa cuộc sống nhưng làm phức tạp, vì đức tin giao cho chúng ta trách nhiệm về cuộc sống, khi chúng ta chống lại cám dỗ muốn xa Thập Giá, vâng phục một Thiên Chúa thầm lặng, khi bệnh tật không biến mất một cách kỳ diệu, khi không may một số bạn qua đời, khi những người khác được phép lạ chữa lành, còn chúng ta, chúng ta buồn vì nghĩ Chúa đã quên mình, đây không phải là một chương trình, nhưng một khuất phục. Chúng ta không hiểu lắm, nhưng chúng ta chống lại cám dỗ để không nói phạm thượng.
Và rồi, được ở với Chúa Kitô khi chúng ta không hiểu Ngài, khi các linh mục làm nhục Ngài và đám đông lợi dụng Ngài, khi mọi người nói xấu Ngài, lầu bầu cười sau lưng Ngài… Chúng ta đau khổ, chúng ta muốn chiến đấu, chúng ta phải bỏ niềm kiêu hãnh và bạo lực sang một bên; ở tuổi 15, đó không phải là một chương trình. Vì ở tuổi 15, chúng ta không biết Lời Chúa có thể khắc nghiệt và Tin Mừng có thể tạo tai tiếng. Vì nếu biết trước, trước khi đi tiếp, chúng ta sẽ không phách lối nói lời thề không bao giờ! Nếu chúng ta chống cự, dù có vẻ vô lý, nhưng có lẽ chỉ vì chúng ta lạc lối, vì không biết đi đâu, vì không dám bỏ đi một mình. Hoặc có thể đó là do thói quen, ngay cả khi ở tuổi 15, chúng ta xem thói quen là nỗi kinh hoàng tột độ, nhưng khi về già, thì điều này lại giống đức tin.
Và khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn vào mắt chúng ta, Ngài hỏi: “Cả con nữa, con cũng muốn bỏ Thầy sao?”, vì trong thâm tâm chúng ta muốn ra đi, chúng ta không còn hiểu nữa, vì tất cả những gì chúng ta sống chỉ cho chúng ta thấy mình không ở đúng chỗ của mình, chỉ là dữ dằn. Sự dữ dằn chúng ta thấy nơi mắt những người mà mình mơ làm cho họ hạnh phúc, thực sự chúng ta không thể chịu đựng được nữa, chúng ta chỉ muốn gởi Chúa Giêsu cho ma quỷ, Ngài và tất cả các ơn gọi của Ngài. Nhưng chúng ta không làm, nếu chúng ta không làm, không phải vì chúng ta trung thành với một chương trình nào đó nhưng vì chúng ta không biết mình là ai nếu chúng ta không có Chúa. Có lẽ đây là bộ mặt thật của chúng ta.
Và khi chúng ta cảm thấy cái bóng của cái chết, sự cám dỗ trong vườn Ô-liu, chúng ta hiểu chính một phần trong chúng ta đã phản bội, và chúng ta ngủ vì chúng ta chỉ muốn chết, nếu chúng ta quyết định không ngừng thở, thì đó không phải vì lòng trung thành với một chương trình, nhưng vì nỗi sợ chết tiệt này. Và rồi, không có chương trình nào bám trụ, chúng ta chỉ nghĩ đến việc sống sót. Trước ngôi mộ, nếu chúng ta không nghiêm túc nghĩ mình là kẻ có tội, đó không phải là vì tuân theo một chương trình nào đó, nhưng vì chúng ta không có khả năng xóa bỏ những năm đã biến đổi cuộc đời chúng ta một cách dứt khoát. Và khi chúng ta cố gắng ra khơi, thì Ngài đã ở trong trái tim chúng ta như một lời nguyền. Ở tuổi 15, ở với Chúa Giêsu có thể là một chương trình, nhưng khi trưởng thành, chúng ta nhận ra đó gần như một số phận, một đam mê, một ngục tù, một điều cần thiết… Đó là đức tin, một đức tin không lập trình được, như chúng ta rơi vào lưới tình. Đó là điều không thể tránh khỏi, đó là lời nguyền ngọt ngào.
Rồi chúng ta lớn lên, chúng ta học được sự vâng phục, chúng ta dần dần giải trừ vũ khí, chúng ta không còn để mình bị cuốn theo vòng xoáy đam mê, và rồi cậu thiếu niên 15 tuổi lại đúng, chương trình duy nhất của cậu là được hiệp nhất với Chúa Kitô. Nhưng người đi tìm không còn là chính mình nữa, Chúa đang đi tìm chúng ta, đó là điều cuộc sống đã dạy chúng ta và chúng ta cảm nhận, trong sâu thẳm tâm hồn, mọi chuyện luôn như vậy. Và chương trình không phải do chúng ta thực hiện mà chính Ngài, đây là một Giao ước, với một tình yêu trọn vẹn và không thể lay chuyển dành cho con người. Chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn, cần một khả năng thích ứng nào đó, chúng ta phải suy nghĩ và thích nghi. Chỉ có Ngài mới có thể làm được điều đó. Và chính Ngài là người chọn chúng ta.
Marta An Nguyễn dịch