François Euvé: “Tội lỗi là sự rạn nứt trong mối quan hệ với Thiên Chúa cũng như với người khác”

92

François Euvé: “Tội lỗi là sự rạn nứt trong mối quan hệ với Thiên Chúa cũng như với người khác”

Đức Phanxicô vừa công bố bảy tội mới – về thiên nhiên, phụ nữ và thậm chí với các dân tộc bản địa – thần học gia Dòng Tên François Euvé nhìn lại lịch sử tội lỗi.

lepoint.fr, Jerome Cordelier, 2024-10-08

Khi long trọng công bố, qua tiếng nói của bảy Hồng y bảy tội mới, Đức Phanxicô đã đưa quan điểm về tội, mà với nhiều người, có vẻ như đã lỗi thời – dù cái ác rình rập khắp nơi. Nhưng rốt cuộc thì tội là gì? Một lỗi lầm, một cấm đoán, một vi phạm đức tin tôn giáo, đạo đức?

Định nghĩa tội không đơn giản để hiểu. Đó là lý do chúng tôi nhờ thần học gia Dòng Tên François Euvé, giám đốc tạp chí Études và là tác giả quyển sách Những nỗi sợ hãi và run rẩy, Lịch sử tội lỗi (Craintes et tremblements, une histoire du péché, nxb. Seuil) giải thích cho chúng tôi.

Giovanni Maria Vian: “Nói về tội lỗi, Đức Phanxicô kêu gọi xét mình”

Tội lỗi là gì trong mắt Giáo hội?

Linh mục François Euvé: Đó là sự rạn nứt trong mối quan hệ với Thiên Chúa, nhưng cũng là sự rạn nứt trong mối quan hệ với người khác, kể cả với thiên nhiên vì “mọi thứ đều liên kết với nhau” (Laudato si’). Ý tưởng trọng tâm: con người là một sinh vật có quan hệ. Theo Thánh Augustinô, tội “điển hình” là tội ích kỷ, khép kín, giả vờ sống. Không có mối quan hệ với Thiên Chúa, với người khác, với thiên nhiên, không có cuộc sống đích thực. Đó là lý do vì sao để giải thoát mình khỏi tội, chúng ta nói đến bí tích “hòa giải”. Khi xưng tội, chúng ta ít nhấn mạnh đến việc xây dựng lại mối dây liên kết, chỉ nói về tội và đền tội.

Linh mục François Euvé © DR

Các loại tội khác nhau là gì?

Chúng ta có thể nói, trên nhiều khía cạnh mọi tội đều là “tội trọng” vì nó là sự đứt gãy của một mối quan hệ sống còn. Tuy nhiên, ở cấp độ mục vụ, theo truyền thống, Giáo hội công giáo phân biệt sự nghiêm túc theo từng mức độ. Chúng tôi giữ lại hai loại: tội trọng và tội nhẹ. Đây là cách để nói hai điều: chúng ta có thể vô tình phạm phải những hành vi rất nghiêm trọng, gây “chết người” cho người khác cũng như cho chính chúng ta; cũng có thể chúng ta không thực sự có ý định làm hại hoặc không nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của hành động đó. Để là “tội trọng”, phải có vấn đề nghiêm trọng nhưng cũng phải có sự hiểu biết đầy đủ và sự đồng ý hoàn toàn. Việc khách quan hóa các phạm trù tội là một trợ giúp thiết thực, nhưng cũng có vấn đề nếu chúng ta không chú trọng đầy đủ đến lương tâm vốn là thẩm quyền luân lý tối thượng.

Khái niệm tội đã phát triển như thế nào theo thời gian?

Tội lỗi là một khái niệm trong Kinh thánh, được các cộng đồng kitô giáo đầu tiên chấp nhận. Nhưng họ chỉ quan tâm đến những hành vi nghiêm trọng nhất: giết người, ngoại tình, bỏ đạo… Và người phạm tội bị trục xuất khỏi sự hiệp thông (dứt phép thông công) cho đến khi họ đền tội xong, một hành trình đôi khi lâu dài. Đồng thời các tu sĩ trong tu viện phát triển thói quen xét mình và xác định những khuynh hướng đi ngược lại mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa đã phát triển nơi họ. Điều này dẫn đến việc hình thành nên “tội trọng”, những khuynh hướng có thể đưa đến phạm tội. Cách nhìn này sẽ dần dần trở nên khái quát trong giáo dân và từ đó phát triển việc xưng tội riêng tư: chúng ta xưng không phải những điều mà mọi người đều biết, như trong các cộng đoàn đầu tiên, nhưng những gì chúng ta xem đó là tội.

Chúng ta nhạy cảm hơn với những tội thuộc “quan hệ” (với người khác, cả trong gia đình và ngoài xã hội), trong khi trước đây mối quan hệ với Thiên Chúa là ưu tiên hàng đầu.

Có nhiều tội hơn trong thế giới của chúng ta ngày nay không?

Thật là vô ích khi định lượng về tội lỗi, như thể thế giới chúng ta tốt hoặc xấu hơn thế giới trước. Đúng hơn, đó là một tiến triển trong hành vi bị cho là một tội ít nhiều nghiêm trọng. Chẳng hạn tội chống lại môi trường là một tội mới liên quan đến sự nhạy cảm về sinh thái. Chúng ta cũng có thể nói, chúng ta đã nhạy cảm hơn với những tội “quan hệ” (với người khác, trong gia đình và ngoài xã hội), trong khi trước đây mối quan hệ với Thiên Chúa là hàng đầu (giữ đạo). Về vấn đề này, bảy tội “mới” cho thấy sự nhạy cảm ngày càng gia tăng (thiên nhiên, phụ nữ, các dân tộc bản địa, v.v.).

Tội lỗi có phải là điều cấm đoán không?

Một cách để chúng ta “xét mình” là quay về với Mười Điều Răn. Tội là bất tuân với những điều răn này. Nhưng chúng ta phải hiểu ý nghĩa của chúng, các điều răn đưa ra những gì thiết yếu: “Chớ giết người không hẳn là một điều cấm đoán nhưng là lời mời gọi tôn trọng sự sống.” Như Đức Phanxicô nói, việc xưng tội chủ yếu không phải là tòa án xét xử dựa trên luật pháp, mà trên hết dựa trên sự trợ giúp dành cho mọi người. Ý tưởng trung tâm là Thiên Chúa nhân từ.

Có phải Giáo Hội được xây dựng trên việc lên án tội lỗi?

Trong suốt lịch sử, Giáo hội nhấn mạnh nhiều đến việc xưng tội. Chúng ta có thể thấy ở đó mối quan tâm để nhận thức được những gì chúng ta đang trải qua. Xét mình là nhận thức được những gì làm chúng ta tồn tại, bao gồm cả những xu hướng tiêu cực. Nó cũng có nghĩa là thừa nhận mình có trách nhiệm, có khả năng trả lời cho hành động của mình. Nhưng phải thừa nhận sự tha thứ được nhấn mạnh nhiều hơn. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta nói đến “tha tội”. Việc tin rằng chúng ta được tha thứ có thể khó hơn việc thừa nhận mình là kẻ có tội hoặc cảm thấy mình tội lỗi.

Không có tội, không có tôn giáo?

Tôi nói thêm: cũng không có xã hội. Chúng ta không được ngây thơ. Cái ác hiện diện trong thế giới chúng ta, dưới hình thức những thế lực chia rẽ ở trong lòng chúng ta mà đôi khi chúng ta không hề hay biết. Đừng rơi vào tình trạng ám ảnh về tội (xét lương tâm, xét mình có thể làm nảy sinh cảm giác tội lỗi, làm nản lòng), điều tốt là duy trì một cảnh giác.

Việc xưng “con là kẻ có tội” có nuôi dưỡng một hình ảnh đau khổ của đạo công giáo không?

Trong giới hạn từ ngữ, tôi thấy có sự tương đối hóa về thân phận của kẻ có tội. Đôi khi chúng ta làm những hành động xấu một cách khách quan (làm hại ai đó) mà không thực sự mong muốn. Đó không phải là hoàn toàn do lỗi của chúng ta. Thật khó nhưng cần thiết để duy trì cả hai: tính khách quan của tội, vốn là một phần của công lý, và sự tha thứ đầy lòng thương xót. Các trường hợp lạm dụng tình dục của giáo sĩ nói rõ điều này. Chúng ta thấy khuynh hướng giảm thiểu một số tội ác của một Giáo hội vốn tỏ ra cực kỳ nghiêm khắc với các tội khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục François Euvé: “Kitô giáo vẫn cho chúng ta điều gì đó để suy nghĩ”