Khuynh hướng tự nhiên là phạm tội?

74

Khuynh hướng tự nhiên là phạm tội?

asso-srp.org, Aline Lizotte, 2024-02-05

Tuyên bố Fiducia Supplicans, một thần học mới về chúc phúc? Một số độc giả của chúng tôi đặt câu hỏi về câu sau đây: “Bản phân tích về Tuyên bố của bộ Giáo lý Đức tin ban hành không thực sự giúp đỡ những người cùng giới sống khuynh hướng tự nhiên của họ mà vẫn tôn trọng phán quyết của Giáo hội.” Cụm từ “khuynh  hướng tự nhiên” khiến họ bị sốc. Chúng ta có thể nói đây là lỗi dàn trang, điều này đúng về mặt kỹ thuật. Nhưng chúng ta nên nghĩ gì về nó? Có tội nào không có một “khuynh hướng tự nhiên” nào đó trong tâm hệ chúng ta không? Nếu chúng ta trả lời “có” là vì chúng ta đã thành những con quái vật kiêu ngạo hoặc chúng ta là kẻ có tội còn tệ hơn cả Giuđa.

Mọi con người sinh ra đều có những giàu có và khó nghèo, nghĩa là không ai sinh ra trong tình trạng ân sủng đối với Thiên Chúa. Mặt khác, không ai sinh ra trong tình trạng bị loại bỏ, vốn là hành động của Thiên Chúa. Bản thân thân phận con người vừa nghèo, nhưng không khốn khổ, vừa giàu một khả năng phát triển không thể diễn tả được. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt thể chất, giác quan và tình cảm, trí tuệ và ý chí của con người. Đấng Tạo Hóa ban cho mỗi người, bằng hành động đầu tiên – chúng ta gọi đó là linh hồn – sự hiện hữu của cá nhân và mọi năng lực sẽ phát triển đầu tiên trong bụng mẹ. Đây là nơi những gì tồn tại – những tế bào đầu tiên – sẽ hình thành nên một cơ quan, một sinh vật mới. Sinh vật mới này không phải là một “cụm tế bào”, mà là một sinh vật tự trị có khả năng sống thực vật đòi hỏi nuôi dưỡng, phát triển và sinh sản, và từng chút một, một cuộc sống nhạy cảm, có khả năng nhận thức thế giới bên ngoài, thông qua các giác quan bên ngoài (xúc giác, vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác) và các giác quan bên trong (tình cảm, trí nhớ, nhận thức). Bao gồm khả năng phản ứng với các kích thích từ vũ trụ tự nhiên và không gian, thể hiện qua các chuyển động bên trong: niềm đam mê của một người và các chuyển động bên ngoài: cử chỉ của một người, các thị giác và cơ thể.

Cho đến đây, điều này mô tả đến một con vật xinh đẹp! Nhưng con vật này “có lý trí”, nghĩa là có hai sức mạnh: trí thông minh và ý chí mà sức mạnh và hành động của nó tạo ra hai hành vi tùy thuộc vào nó, vào “con người”: lựa chọn và hành động. Hai sức mạnh này đặc trưng cho linh hồn và chỉ hành động tùy thuộc vào linh hồn. Về bản chất, nó tự do và tự lập. Đấng Tạo Hóa là nguyên nhân tồn tại của chúng nhưng chính chúng là nguyên nhân cho hành động của chúng.

Đấng Tạo Hóa tạo ra mỗi con người mà người nam và người nữ ở trước mặt Ngài. Ngài không loại bỏ ai! Con Người có sứ mệnh giáo dục và làm cho họ thành những sinh vật biết ca ngợi, tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên họ. Nhưng nếu Thiên Chúa không chối bỏ ai, thì ngược lại, con người có thể chối bỏ nhiều người mà với những người này họ không có “quyền” gì, ngay cả quyền chối bỏ Thiên Chúa. Những gì đã xảy ra, trên nguyên tắc được gọi là tội nguyên tổ.

Tội lỗi rất nặng, tạo ra hình phạt chỉ là hậu quả của hành động đó. Loại bỏ Chúa có hậu quả tương ứng: Thiên Chúa không thể ban cho con người sự hoàn hảo mà họ mong muốn. Nhưng Ngài ban cho họ những gì Ngài đòi hỏi ở họ: trở thành chủ nhân của Vũ trụ bằng chính sức mạnh và các quyết định cá nhân của mình. Con người sẽ trở thành chủ nhân một chút, nhưng qua công việc và qua mồ hôi trán của nó. Mặt khác, con người đã đánh mất tình bạn với Chúa. Trong khi “cha đẻ của dối trá” đã hứa với nó điều ngược lại: nâng cao con người để nó có thể ngang hàng với Đấng Tạo Hóa của nó. Nhưng làm thế nào nhân loại có thể lấy lại được tình bạn với Thiên Chúa? Con người cảm thấy cần có tình bạn này và để tìm được, nó đã xây dựng nhiều hình thức quan hệ thiêng liêng với một Thiên Chúa mà nó không biết. Con người thật sự không biết mình đã mất gì. Nhưng sâu trong thâm tâm, nó biết mình đã thực sự phạm tội và nó cũng như con cháu nó sẽ luôn sống với khuynh hướng chối bỏ Thiên Chúa trong lòng.

Thiên Chúa chưa bao giờ loại bỏ con người. Đối diện với tội lỗi của con người, Ngài hứa ban cho con người một Đấng Cứu Chuộc. Những gì đã xảy ra tiếp theo thật khó tin. Làm sao Thiên Chúa Ba Ngôi lại có thể để cho Ngôi Lời gánh trên mình gánh nặng hình phạt của một tội rất nặng: khước từ Thiên Chúa, Nguyên lý và Đấng Tạo Hóa? Theo công lý, điều này lẽ ra phải dẫn đến sự diệt vong của con người như một hậu quả tự nhiên. Chúa Cha đã đồng ý vì tràn đầy tình yêu của Ngài và vì người con tội lỗi bị Satan lừa dối lại càng “cần tình yêu này”. Chúa Cha không thay đổi bất cứ điều gì về sự sáng tạo của Ngài, Ngài đã tạo ra con người mà Ngài ban quyền thống trị Vũ trụ, không từ bỏ bất cứ điều gì khỏi vai trò Đấng Tạo Hóa của mình. Con người được Đấng Cứu Chuộc cứu luôn là con người hiện hữu như Đấng Tạo Hóa muốn, một con người tự do và tự lập được ban tặng những sức mạnh như: trí thông minh hướng tới Sự thật và ý chí có sức mạnh Tình yêu.

Không có gì thay đổi trong bản chất được tạo dựng của con người; bản chất con người được Thiên Chúa tạo ra trước tội cũng giống bản chất con người sau khi phạm tội. Không có gì thay đổi, nhưng có một điều gì đó vẫn tồn tại: một khuynh hướng tự nhiên về tội. Xu hướng này đã ở trong trái tim con người đáng lý đã hủy diệt loài người trước khi nó tự hủy diệt. Thiên Chúa đã chiến thắng, nhưng Satan vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn. Tội lỗi của ông A-dong bị truyền sang cho con cái của Con người. Mọi người sinh ra là con của A-dong đều giữ trong mình khuynh hướng chối bỏ Thiên Chúa. Nhưng cũng chính con người này cũng có khuynh hướng yêu Chúa. Tại trung tâm của mỗi sinh vật mới được Chúa Cha tạo dựng đều có cuộc chiến giữa Thiên Chúa và Satan. Vì sự yếu đuối của con người: con người là gì khi so sánh với Thiên Thần; yếu đuối của con người là gì so với Cherubin, hoàng tử của Khôn ngoan? Sức mạnh khôn ngoan của Cherubin trong đấu tranh chống lại Thiên Chúa vượt xa những thành tựu khoa học của con người đang đấu tranh để sống và đạt được một hạnh phúc nào đó.

Vấn đề là con người! Đó là tương lai của con người cho cõi vĩnh hằng. Và tương lai của nó phụ thuộc vào Chúa; nhưng không chỉ phụ thuộc vào Ngài, mà còn với những lựa chọn của con người. Thiên Chúa Ba Ngôi này yêu thương con người. Ngài yêu bằng một tình yêu lớn lao hơn, vì Ngài cần nó nhất (1). Mỗi thiên thần đều được Thiên Chúa yêu thương tùy theo con người của thiên thần; mỗi người được Thiên Chúa yêu thương tùy theo tình yêu nhưng không của mình. Người ấy có thể được Chúa yêu thương nhiều hơn theo ý muốn của Chúa. Đây là Đức Trinh Nữ Maria. Trước Mẹ, còn có Chúa Giêsu Kitô, không chỉ là Ngôi Lời, mà trên hết là một con người đích thực.

Của lễ của Chúa Con dâng lên Chúa Cha là sự tôn kính hoàn hảo đối với công trình của Chúa Cha, chính là Ơn Cứu Độ của con người. Đó là công việc của Chúa Con. Nó không thay đổi bản chất con người. Nhưng Chúa Kitô đảm nhận trọn vẹn, ngoại trừ tội lỗi, nhưng Ngài mang vào mình những hệ quả tự nhiên do tội lỗi gây ra. Vì tội của ông A-dong, tội mà tất cả con cái loài người đều là hậu duệ, nên tất cả đều có khuynh hướng phạm tội một cách tự nhiên. Họ phạm tội tùy theo những gì họ hài lòng trong sự hiểu biết các thành quả của Vườn Địa Đàng và những gì họ nghĩ rằng họ cần. Hành động loạn luân trong mối quan hệ giữa hai người đàn ông – và hai người phụ nữ – không chỉ bắt nguồn từ tâm lý của hai người này. Kẻ nào bị thôi thúc bởi đam mê chính trị muốn thống trị trái đất, ít nhất là một phần, sẽ xúi giục chiến tranh vì bất kỳ lý do gì, bất kể số nạn nhân là bao nhiêu. Người sống vì lời khen ngợi sẽ nuôi dưỡng thói quen nói dối hiệu quả. Người nào ghen tuông “tự nhiên” sẽ bị thiêu rụi trong ngọn lửa dằn vặt của mình, của sự chung thủy của vợ hoặc của chồng. Kẻ trộm sẽ thèm muốn tài sản của người khác, không phải vì họ thiếu những thứ cần thiết, mà vì thỏa mãn khi lấy được thứ không thuộc về họ. Và người nào ghê tởm công việc, sẽ tìm cách để người khác làm, đồng thời thu về cho mình những lợi thế có được từ mồ hôi của những người khác! Và chúng ta có thể làm phong phú thêm danh sách này. Đúng vậy, trong mọi tội lỗi đều có một khuynh hướng tự nhiên, muốn thực hiện điều đang thống trị trong chúng ta và làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, một khuynh hướng mà chúng ta không thực sự muốn nhận ra, nhưng các sự kiện khuyến khích chúng ta nhìn thấy.

Chúa biết điều này! Và Ngài biết rõ hơn chúng ta! Rất thường xuyên chúng ta không chịu trách nhiệm, ít nhất là không hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tất cả đàn ông và đàn bà đều có thể có khuynh hướng phạm tội một cách tự nhiên. Và rất thường những người mong điều tốt lành cho chúng ta lại là những người tạo cho chúng ta nhiều vết thương hơn là chữa lành. Chúng ta trở thành nạn nhân của những người mà chính họ cũng là nạn nhân. Và điều này không chỉ xảy ra khi nói đến hành vi quan hệ tình dục. Chúng bị tấn công nhiều nhất, vì một mặt chúng thuộc về tất cả mọi người hoặc gần như tất cả mọi người, mặt khác vì chúng là nguồn gốc của niềm vui lớn nhất làm chúng ta quên đi mọi dày vò khác.

Nhìn thấy tổng thể những sai lầm và thất bại của mình, chúng ta có thể cảm thấy nản lòng. Chúng ta quên nản lòng là sự thoái vị và là hành động ưa thích của Kẻ Thù của Chúa.

Nếu chúng ta biết nhìn vào Chúa, Đấng biết chúng ta hơn chúng ta biết chính mình, chúng ta sẽ thấy Ngài là Đấng duy nhất có đủ quyền năng để biến đổi sự chán nản thành can đảm, thất vọng thành hy vọng, cứng cỏi thành tình yêu. Không có tội lỗi trong ân sủng! Đối diện với một tội lỗi đã trở thành thói quen và chúng ta thấy được xiềng xích của nó; có một khuynh hướng tự nhiên. Và Thánh Vịnh 50 lặp lại điều này cho chúng ta: “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai (Ecce enim in iniquitate generatus sum et in peccato concepit me mater mea)” (2). Chúa giải thoát chúng ta khỏi điều đó như tia nắng mặt trời làm tan chảy khối băng. Nhưng với khuynh hướng tự nhiên mà chúng ta gán cho lỗi lầm, sai lầm và cả tội lỗi chúng ta, đều tượng trưng cho lòng thương xót của Thiên Chúa và trên hết là lời mời gọi bước theo Ngài. Và chúng ta thấy những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta đã được chuyển hóa thành sức mạnh làm việc trong lãnh vực của Ngài, không phải trong lãnh vực của chúng ta hay trong lãnh vực của kẻ thù của Ngài. Bởi vì, đối với mọi tội nhân, đều có tiếng gọi của Chúa, ngay cả đối với những người ở trong hoàn cảnh bất hợp lệ, nhận ra tiếng gọi của Mục Tử và thấy mình ở trong những nơi lành mạnh và thánh thiện, do đó cũng trở thành những người đi lưới cá người nam cũng như người nữ.

(1) Trích Thánh Tôma.

(2) “Tôi đã được sinh ra trong gian ác; trong tội lỗi mà mẹ tôi đã cưu mang tôi” Câu này từ “Miserere” không phải là sự lên án hành vi hôn nhân và hoa trái của nó. Đó là lời nhắc của tác giả Thánh Vịnh để làm cho chúng ta hiểu, nếu không có Ơn Cứu Chuộc, tất cả chúng ta đều được thụ thai như con cái của ông A-dong, trong khi chúng ta phải trở thành con cái của Chúa Cha qua sự tham dự vào Ơn Cứu Chuộc.

Marta An Nguyễn dịch