Vụ Abbé Pierre: “Tất cả chúng ta đều có thể là những kẻ thờ thần tượng”

80

Vụ Abbé Pierre: “Tất cả chúng ta đều có thể là những kẻ thờ thần tượng”

la-croix.com, Jean-Guilhem Xerri, Nhà phân tâm học và nhà huấn luyện, 2024-09-20

Jean-Guilhem Xerri là tác giả của nhiều sách nói về đời sống nội tâm và Giáo hội. Với vụ Abbé Pierre lạm dụng tình dục, tác giả phân tích mối quan hệ của chúng ta với việc thờ ngẫu tượng.

Là nhu cầu cố hữu của con người, việc thờ ngẫu tượng lấp đầy sự thiếu tự tin lẽ ra nên được thay thế bằng lòng quý trọng người khác. Không một tháng nào trôi qua mà không có những tố cáo mới về các hành vi lạm dụng hoặc che đậy các hành vi này. Lạm dụng tinh thần, tâm lý, tình dục, với người lớn, trẻ em của cả hai phái nhưng thường là với phụ nữ của những người ở vị trí quyền lực, của các tu sĩ. Ngoài các hành vi của những người nổi tiếng, còn có các “nhân vật” liên quan đến giáo dân trong hàng tu sĩ như Thomas Philippe, Jean Vanier (l’Arche), Marie-Dominique Philippe, nữ tu Alix (Cộng đoàn Thánh Gioan), Ephrạm (Các mối phúc), Thierry de Roucy (Points-Cœur), Georges Finet (Những ngôi nhà từ thiện) …

Thờ thần tượng, một nhu cầu cố hữu của con người

Bây giờ đến lượt Abbé Pierre, người được cả trong và ngoài thế giới kitô giáo tôn vinh, trong nhiều năm liền ông được bầu là nhân vật của năm được “người Pháp yêu thích”. Yêu thích? Với ông cũng như với các nhân vật danh tiếng khác, sẽ chính xác hơn nếu nói đây là hình thức thờ ngẫu tượng làm cho các hành động của họ trở nên khó hiểu hơn.

Sau khi gặp Tổng thống Mandela, chính trị gia Pháp Nicolas Hulot đã nói: “Tôi luôn giữ một khoảng cách để không bao giờ chìm trong việc thờ ngẫu tượng, trước mặt ông, tôi đã bị cám dỗ phải cúi đầu và quỳ gối.” Abbé Pierre là nhân vật tôn giáo, việc thờ ngẫu tượng là chủ đề của nhiều nghiên cứu trong lãnh vực tâm lý, đặc biệt trong phân tâm học.

Các cô gái trẻ điên cuồng vây quanh thần tượng của họ vừa biểu diễn xong. Chắc chắn các cô này không ghen nhau, họ không “cắn xé” nhau, nhưng họ phản ứng như một đám đông thuần nhất, cùng bày tỏ sự ngưỡng mộ và sẽ rất vui khi chia sẻ lọn tóc xoăn của thần tượng với những người chung quanh. Năm 1921 Freud mô tả hiện tượng này trong tác phẩm Tâm lý đám đông và Phân tích bản ngã, bài phân tích của ông vẫn còn mang tính thời sự. Theo Freud, thờ thần tượng là nhu cầu cố hữu đã khắc sâu trong tâm hồn con người. Tiếp theo ông, nhiều nhà tâm lý học khác đã khám phá được những đe dọa trong nhu cầu đánh giá quá cao, lý tưởng hóa, phục tùng, không chỉ trích, không phủ nhận khi chúng ta thờ thần tượng.

Làm sao lấp đầy khoảng trống này?

“Thần tượng” xuất phát từ tiếng Hy Lạp eidôlon, hình ảnh, chỉ sự hữu hình của một hình thức tổng thể. Những gì tôi thấy ở đó gần như tôi đã được đầy đủ và đã làm xong. Thần tượng được đặt vào vị trí của “lý tưởng về cái tôi chưa đạt được của chính mình”. Tâm lý vô nghĩa này có nghĩa là tôi tạo ra một thần tượng cho chính mình, chính xác tôi bước vào mối quan hệ sùng bái thần tượng để lấp đầy khoảng trống giữa Cái tôi chưa hoàn thiện của tôi và Cái tôi tôi mong muốn trở thành. Bằng cách tôn thờ thần tượng, tôi đã lấp đầy chỗ thiếu của mình. Thần tượng là hình ảnh hoàn chỉnh, tổng thể mà tôi tạo ra cho Cái tôi còn thiếu, chưa hoàn thiện của tôi. Và vì tất cả chúng ta đều là những sinh vật không hoàn thiện nên tất cả chúng ta đều có tiềm năng là những người thờ thần tượng.

Thần tượng là phản chiếu khát vọng của tôi. Nó có thể tập trung vào một ngôi sao, một vận động viên, một nhân vật chính trị, cha mẹ nhưng cũng có thể tập trung vào một mong muốn, quan điểm, hệ tư tưởng, thời trang hoặc tôn giáo. Xu hướng này tự nhiên đến mức không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được mình đang ở trong tương tác với thần tượng. Lãnh vực tình yêu là lãnh vực màu mỡ cho việc thờ thần tượng. Vì thế mê điên cuồng là một cách phóng chiếu ảo tưởng của mình lên người khác, không thấy được bản chất thực sự của họ. Khi những nhu cầu cơ bản của tự tin chưa được củng cố đầy đủ ở giai đoạn phát triển đầu tiên, một số người trưởng thành tìm cách bổ sung khi thần tượng hóa bạn đời của mình. Và nếu chúng ta không lớn lên, không phát triển, chúng ta sẽ không tiến bộ, không trưởng thành nội tâm, chúng ta bị vỡ mộng hoặc thất bại trong hôn nhân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch