Đức Lêô nói với các Hồng y: “Sứ vụ giáo hoàng là gánh nặng rõ ràng vượt quá sức của tôi.”

38

Đức Lêô nói với các Hồng y: “Sứ vụ giáo hoàng là gánh nặng rõ ràng vượt quá sức của tôi.”

fr.aleteia.org, Vatican Media, 2025-05-10

 Đức Lêô tiếp các hồng y ngày 10 tháng 5 năm 2025

Sáng thứ bảy 10 tháng 5 năm 2025, Đức Lêô đã tiếp các hồng y trong vòng hai giờ. Ngài kêu gọi các Hồng y giúp ngài trong gánh nặng của sứ vụ giáo hoàng, ngài nhấn mạnh đến các khó khăn hiện nay trong vấn đề xã hội. Ngài nối tiếp con đường của Đức Lêô XIII và của Công đồng Vatican II.

Ngài mở đầu bài phát biểu: “Giáo hoàng, từ thánh Phêrô cho đến tôi, người kế vị bất xứng của ngài, người tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa và của anh em, không có gì khác.” Đây là dấu chỉ của một hành động kín đáo, bài diễn văn được đọc trong buổi họp kín, được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố nhiều giờ sau đó.

Trước khi họp, các ngài đã đọc Kinh Lạy Cha và Kính Mừng bằng tiếng la-tinh. Sau đó Đức Lêô cho biết, ngài sẵn sàng đón nhận “lời khuyên, đề nghị, sáng kiến, những điều rất cụ thể” theo đúng yêu cầu các Hồng y đã nêu ra trong giai đoạn chuẩn bị mật nghị. Phần này không được công bố. Buổi gặp kéo dài từ 10 giờ đến trưa.

Không giống lần gặp đầu tiên giữa Đức Phanxicô với các Hồng y năm 2013 được truyền hình trực tiếp, cuộc gặp này của Đức Lêô XIV không phát sóng. Ngài vạch rõ hướng đi nối tiếp với các Giáo hoàng tiền nhiệm như Đức Lêô XIII, Phaolô VI, Bênêđictô XVI và Phanxicô, thể hiện sự trung thành của ngài với Công đồng Vatican II.

Cai quản trong tinh thần đồng trách nhiệm

Đức Lêô XIV nhấn mạnh: “Anh em Hồng y thân mến, anh em là những cộng sự thân cận nhất của Giáo hoàng, là nguồn an ủi nâng đỡ lớn lao giúp tôi đón nhận gánh nặng vượt quá sức tôi trong tinh thần đồng trách nhiệm. Sự hiện diện của anh em nhắc tôi nhớ Đấng đã giao cho tôi sứ mệnh đã không để tôi gánh một mình. Tôi xin cám ơn Hồng y Re, niên trưởng Hồng y đoàn, Hồng y Farrell, giám quản Tông Tòa vì sự phục vụ của các ngài trong thời kỳ trống tòa và chuẩn bị mật nghị.”

Ngài nói tiếp: “Trong giây phút vừa buồn vừa vui này, được ánh sáng Phục sinh bao phủ cách nhiệm mầu, tôi mong chúng ta nhìn sự việc Đức Phanxicô qua đời và mật nghị là sự kiện Vượt Qua, là chặng đường của một hành trình dài, Chúa vẫn tiếp tục đưa chúng ta đi trên con đường viên mãn của sự sống. Chúa là Chúa Cha nhân hậu, Thiên Chúa của mọi niềm an ủi như Thánh Phaolô đã nói trong Thư gởi tín hữu thành Côrintô.”

Nhắc đến “gia sản quý báu” của các giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Lêô đặc biệt nhớ đến Đức Phanxicô với những lời ngài nói về “lối sống tận tụy trong phục vụ, phó thác vào Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ và niềm an bình khi trở về Nhà Cha”. Ngài giải thích: “Chính Đấng Phục Sinh hiện diện giữa chúng ta đang gìn giữ và hướng dẫn Hội Thánh. Thiên Chúa mạc khải không qua tiếng sấm hay trận động đất nhưng qua làn gió nhẹ, qua âm thanh mong manh của thinh lặng.”

Trung thành với Công đồng Vatican II

Mượn hình ảnh Dân Chúa bước đi trong sa mạc, Đức Lêô xác nhận ngài tiếp nối Công đồng Vatican II, bế mạc cách đây 60 năm, tháng 12 năm 1965: “Tôi mong hôm nay chúng ta canh tân sự gắn bó trọn vẹn với hành trình mà Hội Thánh hoàn vũ đã thực hiện suốt nhiều thập kỷ qua, nối tiếp đường lối Công đồng Vatican II.”

Đức Lêô XIV trích dẫn một số định hướng trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium năm 2013 của Đức Phanxicô: “Ưu tiên loan báo Tin Mừng, canh tân đời sống truyền giáo của cộng đoàn tín hữu, thăng tiến tính đồng trách nhiệm và tinh thần hiệp hành.” Ngài cũng nhắc đến lòng mộ đạo bình dân, chăm sóc yêu thương những người bé mọn bị gạt ra bên lề, đối thoại can đảm và tin tưởng với thế giới hôm nay, ngài nhắc lại Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, một văn kiện trọng yếu của Công đồng. Theo ngài, các nguyên tắc này giúp chúng ta nhận khuôn mặt giàu lòng thương xót của Chúa Cha, chạm đến niềm hy vọng sâu xa nhất của những ai thành tâm đi tìm sự thật, công lý, hòa bình và tình huynh đệ. Ngài giải thích: “Chính vì được mời gọi tiếp tục sứ mạng này nên tôi đã chọn tên Lêô XIV, liên kết các thách đố xã hội thời cuối thế kỷ XIX của Đức Lêô XIII với những thách đố của thời nay.”

Những thách đố mới của học thuyết xã hội

Đức Lêô XIII với Thông điệp lịch sử Tân sự Rerum novarum, đã đề cập đến vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Đức Lêô XIV nhắc lại: “Ngày nay, Hội Thánh mang lại cho chúng ta kho tàng học thuyết xã hội để đối diện với một cuộc cách mạng công nghiệp khác: sự phát triển trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển này đặt ra các thách đố mới trong việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và công việc. Chúng ta sẽ tiếp tục đi theo các vấn đề mà Đức Phanxicô thường đề cập trong triều của ngài.”

Cuối cùng, ngài trích lời Đức Phaolô VI trong sứ điệp gởi toàn thể gia đình nhân loại được phát đi ít lâu sau khi ngài được bầu chọn tháng 6 năm 1963: “Ước gì khắp thế giới bừng lên ngọn lửa lớn của đức tin và tình yêu, đốt cháy tâm hồn những ai thiện tâm, soi sáng con đường cùng nhau cộng tác, mang đến cho nhân loại hết lần này đến lần khác sự phong phú của lòng nhân hậu Thiên Chúa, quyền năng của Ngài vì không có sự trợ giúp của Chúa, không có gì là đáng giá, là thánh thiện.”

Đức Lêô XIV kết luận: “Ước mong những tâm tình này cũng là tâm tình của chúng ta, được thể hiện trong lời cầu nguyện và hành động, với sự trợ giúp của Chúa.”

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Đức Lêô XIV, giáo hoàng đầu tiên của thế hệ thông minh nhân tạo

“Thiên Chúa đã chọn ngài vì lòng tốt của ngài”

Chọn nơi ở, chọn cộng sự… các quyết định đầu tiên của Đức Lêô XIV