Hai trăm ngàn người tham dự thánh lễ nhậm chức của Đức Lêô  

20

Hai trăm ngàn người tham dự thánh lễ nhậm chức của Đức Lêô

Giáo dân tại Quảng trường Thánh Phêrô trong thánh lễ nhậm chức của Đức Lêô @ Vatican Media

Ngày chúa nhật 8 tháng 5, từ ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, Hồng y Dominique Mamberti tuyên bố việc bầu chọn Hồng y người Mỹ Robert Francis Prevost làm Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội công giáo, ngài chọn tông hiệu là Lêô XIV.

Đức Lêô kêu gọi Giáo hội phải là dấu chỉ của sự hiệp nhất nhằm xây dựng một thế giới hòa giải: “Trong sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như người anh em phục vụ cho đức tin và cho niềm vui của anh chị em.” Trong buổi lễ, ngài nhận dây pallium và nhẫn ngư ông, biểu tượng cho trách nhiệm mới của ngài: kế thừa Thánh Phêrô. Trang nghiêm và xúc động, ngài cử hành thánh lễ đồng tế với khoảng 200 hồng y, 750 giám mục, linh mục. Các nhà lãnh đạo chính trị của hơn 150 quốc gia đến dự.

Niềm vui được đồng hành cùng giáo hoàng

Ngay từ sáng sớm, giáo dân từ các châu lục, các tu sĩ khắp nơi đã về quảng trường, họ giương cao cờ quốc gia và chờ rất lâu dưới ánh mặt trời chói chang. Một số không vào được quảng trường, họ đứng ở các con đường lân cận để theo dõi thánh lễ. Trong đám đông có nhiều giáo dân về Rôma để đi hành hương Năm Thánh, có nhiều hội đoàn khác nhau về dự như Tổng hội Thánh Ambrôsiô, Thánh Carôlô của cộng đồng Lombard tại Rôma. họ cho biết họ rất vui được đồng hành với Đức Lêô trong dịp trọng đại này.

Khoảng 9 giờ sáng, ngài đi xe papamobile ra quảng trường, đám đông hân hoan chào ngài. Ngài ban phép lành cho trẻ em, chào giáo dân, “đắm mình trong đám đông” khoảng 20 phút. Ngài vào  phần lãnh thổ Ý đi trên đường Via della Conciliazione trước khi về lại Đền thờ Thánh Phêrô.

Hơn 150 quốc gia hiện diện

Các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính trị đã ngồi tại mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô một giờ trước thánh lễ. Tổng thống Ý Sergio Mattarella, Thủ tướng Giorgia Meloni và các cựu Thủ tướng Matteo Renzi, Paolo Gentiloni và Enrico Letta có mặt.

Nước Mỹ có Phó Tổng thống J.D. Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio đi dự. Peru nước ngài làm việc ở đây lâu năm và năm 2015 ngài đã vào quốc tịch Peru để phục vụ giáo phận Chiclayo (do hiệp ước Concordat yêu cầu giám mục phải là công dân Peru), có Tổng thống Dina Boluarte và các đại diện dân sự và quân sự cao cấp đi dự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Israel Isaac Herzog, Thủ tướng Pháp François Bayrou tham dự. Ả Rập Saudi và Việt Nam, hai quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh cũng đã cử đại diện đến tham dự.

Nghi thức phụng vụ trọng thể và xúc động

Trong tiếng kèn và bài thánh ca “Christus vincit, Christus regnat,” Đức Lêô xuống hầm mộ các thánh của Đền thờ Thánh Phêrô. Theo truyền thống, ngài cầu nguyện trước mộ Thánh Phêrô cùng với các Tổng giám mục, các Thượng phụ Đông phương hiệp thông với Rôma. Sau đó, cùng với các hồng y, các thượng phụ, ngài ra Quảng trường để cử hành thánh lễ. Sau bài Tin Mừng được đọc bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, ngài nhận dây pallium và nhẫn ngư ông, biểu tượng của người kế vị Thánh Phêrô.

Xúc động sâu đậm

Cuối cùng, Hồng y Mario Zenari – sứ thần Tòa Thánh tại Syria – (không phải Hồng y Dominique Mamberti như thông báo trước đó) trao cho Đức Lêô dây pallium, khăn choàng bằng len tượng trưng cho người mục tử chăn dắt đàn chiên. Hồng y Fridolin Ambongo, Tổng Giám mục Kinshasa đọc lời cầu nguyện chúc lành trước khi Hồng y Luis Antonio Tagle trao nhẫn ngư ông, trong tiếng vỗ tay vang rền quảng trường.

Sau đó, ngài gặp 12 “đại diện Dân Chúa”, ba hồng y, hai cặp vợ chồng. Trong cuộc nói chuyện ngắn, ngài không giấu được xúc động, giống như lần ngài xuất hiện đầu tiên ngày 8 tháng 5 ở ban-công Đền thờ Thánh Phêrô.

Video ngài khóc khi nhận dây Pallium và nhẫn ngư ông:

https://x.com/i/status/1924066089308164201

“Được chọn nhưng không có công trạng gì”

Trong bài giảng ngắn gọn bằng tiếng Ý, ngài nhắc lại khoảnh khắc đặc biệt của các hồng y trong mật nghị vừa qua: “Xuất thân từ những cuộc đời và những hành trình khác nhau, chúng tôi đã giao vào tay Thiên Chúa mong ước chọn người kế nhiệm Thánh Phêrô – giám mục giáo phận Rôma, một mục tử có thể gìn giữ gia sản đức tin kitô giáo, đồng thời có tầm nhìn xa để đáp ứng các câu hỏi, lo âu và thách thức của thời nay.”

Ngài nói tiếp: “Nhờ lời cầu nguyện của anh chị em, tôi cảm nhận được Chúa Thánh Thần hành động, Ngài giúp chúng tôi hòa hợp để chúng tôi cùng có một giai điệu duy nhất trong lòng chúng tôi. Tôi được chọn mà không có công trạng gì. Trong sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như người anh em phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, đồng hành với anh chị em trên con đường của tình yêu Thiên Chúa, Đấng mong muốn tất cả chúng ta hiệp nhất trong một gia đình duy nhất.”

Ngài xây dựng bài giảng xoay quanh hai chiều kích của sứ vụ Chúa Giêsu giao cho Thánh Phêrô: Tình yêu và Hiệp nhất.

Khao khát một Giáo hội hiệp nhất

Ngài nhấn mạnh: “Bác ái là la bàn định hướng cho sứ vụ người kế vị Thánh Phêrô – không bao giờ giam cầm người khác bằng thống trị, khuyến dụ hay dùng quyền lực, nhưng luôn luôn và duy nhất yêu Chúa Giêsu như Ngài đã yêu thương chúng ta.” Giáo dân vỗ tay nồng nhiệt sau lời kêu gọi này.

Ngài mong muốn thấy: “Một Giáo hội hiệp nhất, dấu chỉ hiệp thông là men cho một thế giới được hòa giải. Trong thời đại chúng ta, vẫn còn quá nhiều chia rẽ, quá nhiều vết thương do hận thù, bạo lực, định kiến, sợ người khác, bị mô hình kinh tế bóc lột tài nguyên Trái đất, đẩy người nghèo ra bên lề.”

Giờ của tình yêu

Đức Lêô muốn làm chứng cho “đề nghị tình yêu” của Chúa Kitô cùng với các Giáo hội kitô giáo anh em, những người theo tôn giáo khác, những người khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, và tất cả những ai thiện tâm để cùng xây dựng một thế giới bình an.

Ngài kêu gọi: “Anh chị em thân mến, giờ của tình yêu đã đến. Chúng ta cùng nhau như một dân tộc duy nhất, như anh em, chúng ta bước về phía Thiên Chúa và yêu thương nhau.”

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Đức Lêô XIV và Giáo hội: “men nhỏ” của hiệp nhất và tình yêu

Một giáo hoàng ngày nay là để làm gì? Phân tích của sử gia Christophe Dickès