Hồng y Blase Cupich nói về lý do Hồng y đoàn chọn Đức Lêô XIV

79

Hồng y Blase Cupich nói về lý do Hồng y đoàn chọn Đức Lêô XIV

americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2025-05-11

Từ ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Lêô XIV phát biểu trước giáo dân trong giờ Kinh Nữ vương Thiên Đàng đầu tiên của ngài ngày 11 tháng 5 năm 2025. (Ảnh: CNS / Lola Gomez)

Hồng y Blase Cupich, Tổng giám mục Chicago, là một trong 10 Hồng y cử tri người Mỹ dự mật nghị bầu Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên. Trước khi về Chicago, ngày chúa nhật 11 tháng 5, ngài đã trả lời phỏng vấn của tạp chí America. Ngài xác nhận Hồng y Robert Francis Prevost có trên 89 phiếu cần thiết để đắc cử, nhưng ngài không cho biết con số chính xác.

Ngài đưa ra nhiều lý do vì sao 133 hồng y của 70 quốc gia lại chọn Hồng y sinh tại Chicago, mang hai quốc tịch Mỹ và Peru, thay vì các ứng viên khác. Ngài tin chắc Giáo hoàng Lêô sẽ tiếp nối di sản của Đức Phanxicô, tiếp tục công cuộc cải tổ Giáo triều và sẽ ưu tiên cho việc này trước khi thực hiện các chuyến tông du. Ngài cũng chia sẻ về mối quan hệ giữa Đức Lêô với Tổng thống Donald J. Trump và những lợi thế khi có một Giáo hoàng người Mỹ.

Ngài là Tổng giám mục của thành phố nơi Tân Giáo hoàng ra đời. Xin ngài cho biết phản ứng của người dân Chicago trước sự kiện này?

Hồng y Blase Cupich: Họ vô cùng phấn khởi. Tôi nhận được nhiều tin nhắn của các nhà lãnh đạo chính trị, các nhân vật quan trọng của thành phố. Nhân viên của tôi cho biết cuối tuần này nhà thờ rất đông, lần đầu tiên giáo dân nghe “Giáo hoàng Lêô” trong lời nguyện giáo dân. Đó là niềm vui vỡ bờ và chắc chắn sẽ còn kéo dài. Khi về nhà, chúng tôi có buổi ăn mừng, tuy chưa hoàn tất nhưng chắc chắn sẽ có một buổi họp nhau để chia sẻ niềm vui này.

Ngài biết Hồng y Robert Francis Prevost từ bao nhiêu năm rồi?

Khoảng sáu năm nay, từ khi ngài được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Giám mục, nơi tôi cũng là thành viên. Chúng tôi làm việc chung, nhất là hai năm gần đây khi ngài là Bộ trưởng. Ngài siêng năng cần cù, có tầm nhìn giống Đức Phanxicô về Hội Thánh.

Những đức tính nổi bật của ngài là gì?

Trước hết ngài làm việc rất chăm chỉ. Ngài nói được nhiều thứ tiếng, hiểu nhiều văn hóa, từng sống ở ba châu lục. Ngài là mục tử có kinh nghiệm quản trị vững vàng, ngài từng là Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô. Chúng tôi muốn chọn người tiếp nối đường hướng của Đức Phanxicô. Không ai muốn quay đầu hay rẽ sang hướng khác. Trong các cuộc thảo luận, tình cảm dành cho Đức Phanxicô luôn hiện diện rõ ràng.

Khi ngài có 89 phiếu, khi đó cha cảm thấy như thế nào?

Đó là vòng kiểm phiếu thứ tư. Khi số phiếu lên 89, mọi người vỗ tay, nhưng vẫn tiếp tục kiểm phiếu, khi đó ai cũng hiểu đã có kết quả. Cả phòng tràn ngập cảm xúc.

Ngài phản ứng thế nào?

Tôi không thấy được. Ngài ngồi phía bên kia phòng, bị vài hồng y che khuất. Hồng y Tobin kể, lúc kiểm phiếu, ngài thấy Hồng y Prevost cúi đầu ôm mặt. Tôi không nhìn về phía các ứng viên để họ không cảm thấy bị chú ý.

Đến giờ ăn trưa thì đã rõ ngài sẽ đắc cử chưa?

Khi đó ai cũng thấy sắp đến hồi kết. Có thể không cần bỏ phiếu thêm nữa. Hướng đi đã trở nên không thể đảo ngược.

Ngài đã có được số phiếu cần thiết trong ba vòng đầu tiên?

Có nhiều ứng viên được quan tâm, tôi chỉ có thể nói vậy. Các ứng viên rất xứng đáng.

Giáo hội Hoa Kỳ nổi tiếng là phân cực. Nghịch lý thay, chính từ nơi xuất phát những chỉ trích nhắm vào Đức Phanxicô lại là nơi có Tân Giáo hoàng. Liệu một giáo hoàng người Mỹ có thể hàn gắn những chia rẽ này không?

Tôi không nghĩ trách nhiệm này thuộc về Đức Phanxicô hay bất kỳ giáo hoàng nào. Mọi người sẽ giữ quan điểm của mình, bất kể giáo hoàng có làm gì đi chăng nữa. Tôi không đặt gánh nặng đó lên vai Đức Lêô. Đức Phanxicô không làm gì sai để bị chống đối. Đó là phản ứng của những người đã có sẵn lập trường của họ. Tôi thấy các nhà bình luận cả tả lẫn hữu đều sẵn sàng cho Đức Lêô thời gian và không gian cần thiết. Nhưng tôi không ngạc nhiên nếu họ tiếp tục chỉ trích, nhất là nếu ngài không tách biệt hẳn với Đức Phanxicô – điều mà tôi nghĩ sẽ không xảy ra.

Ủng hộ Con đường hiệp hành có phải là điều kiện để được chọn làm giáo hoàng không?

Đức Lêô đã nói rõ ngài ủng hộ một Hội Thánh hiệp hành. Ngày 10 tháng 5, sau vài lời ngắn gọn, ngài ngồi lắng nghe các hồng y nêu vấn đề trong hơn một tiếng rưỡi. Đó chính là hiệp hành: vừa giảng dạy vừa lắng nghe. Ngài đã thể hiện rõ điều đó.

Cha nghĩ sao về những lời tố cáo Tân Giáo hoàng đã xử lý sai các vụ lạm dụng?

Trước mật nghị, có nhiều lời đồn vô căn cứ về các ứng viên. Theo những gì tôi thấy, từ Peru đến Vatican, ngài luôn thực hiện đúng các bước: gặp nạn nhân, loại các linh mục vi phạm, mở điều tra, thông báo cho cảnh sát, và báo về Rôma. Đó là quy trình được yêu cầu theo Tự sắc Các con là ánh sáng thế gian, Vos Estis Lux Mundi và cả bộ quy tắc của Hoa Kỳ – hiện đã được nhiều nước áp dụng. Tôi thấy ngài luôn tuân thủ đầy đủ. Những lời tố cáo ngài không có căn cứ.

Đó là tin giả?

Tôi nghĩ là sai sự thật.

Ngài dự đoán mối quan hệ giữa Đức Lêô và Tổng thống Trump sẽ  như thế nào?

Ngài sẽ tôn trọng Tổng thống trong tư cách nhà lãnh đạo được dân  bầu. Ngài sẽ làm như thế với mọi nguyên thủ quốc gia. Ngài muốn xây cầu, ngài không phá cầu. Ngài sẽ nói rõ lập trường. Đức Phanxicô cũng vậy. Ngài sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao lâu đời của Vatican. Tòa Thánh có cơ quan ngoại giao lâu đời nhất thế giới, ngài sẽ tham khảo ý kiến với các chuyên gia của Phủ Quốc vụ khanh.

Việc Đức Lêô nói tiếng Anh có phải là một lợi thế?

Đúng, vì ngài có thể nói trực tiếp với người Mỹ bằng chính ngôn ngữ và văn hóa của họ. Đây là cơ hội để Hội Thánh rao giảng Tin Mừng xã hội với cách nói mới mẻ hơn với người công giáo Mỹ. Tôi hy vọng điều này sẽ chạm đến trái tim và thay đổi nhận thức của nhiều người. 

Là người Mỹ, Giáo hoàng Lêô có thể giúp Vatican giải quyết vấn đề thâm hụt tài chính không?

Không thể xem người Mỹ như máy phát tiền được. Giáo hoàng nào cũng phải kêu gọi giáo dân đóng góp. Tân giáo hoàng có khả năng làm điều đó. Nhưng điều quan trọng là phải minh bạch và có trách nhiệm, đó là điều mọi nhà tài trợ đều quan tâm. Tất cả phải cùng đóng góp chứ không riêng gì nước Mỹ.

Ngài có mời Đức Lêô sang Mỹ không?

Tôi chưa kịp mời. Nhưng nếu ngài đến Mỹ, tôi mong Chicago là nơi ngài dừng chân đầu tiên. Dù vậy, tôi nghĩ ngài sẽ ưu tiên ở lại Rôma để giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng trước. Ngài sẽ đi tông du, nhưng việc cải tổ Giáo triều là ưu tiên trước mắt.

Trong các vấn đề cần giải quyết ở Rôma, theo ngài vấn đề nào quan trọng nhất?

Cải tổ Giáo triều là mối quan tâm lớn nhất: tài chính, nhân sự, quỹ hưu trí, cách bố trí nhân sự trong các văn phòng, cách quản lý tài sản Tòa Thánh. Chúng ta đều biết có nhiều chuyện cần cải thiện. Ngài đủ năng lực để mời gọi đúng người cho các nhiệm vụ này.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Giống như trúng số độc đắc: Ngôi nhà thời thơ ấu của Đức Lêô tăng giá sau khi ngài được bầu

Đứa bé mơ làm “Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên”

Chúng ta mong chờ gì nơi Giáo hoàng mang tinh thần Thánh Augustinô

Đức Lêô XIV: Những bước đi đầu tiên của một giáo hoàng cắm neo trong thế giới

Mật nghị 2025: Hồng y Vesco kể hậu trường cuộc bầu cử Giáo hoàng Lêô XIV

Đức Lêô XIV: điềm tĩnh, thận trọng cải cách để có một Giáo hội thống nhất trong một thế giới chia rẽ