Đức Lêô XIV: Những bước đi đầu tiên của một giáo hoàng cắm neo trong thế giới
lemonde.fr, Benoit Vitkine, đặc phái viên Vatican, 2025-05-13
Một ngày nọ, giáo dân săm soi đôi giày của ngài: đôi giày đen bình thường, không phải đôi giày đỏ bóng loáng truyền thống. Giáo dân kêu lên: “Ah! Giống Đức Phanxicô!” Nhưng không phải, ngày hôm sau ngài mặc lễ phục màu đỏ mà người tiền nhiệm Argentina của ngài bỏ lại. Trong tay ngài, chiếc gậy bằng vàng – giống gậy giám mục – được Giáo hoàng bảo thủ Đức Bênêđictô dùng…
Kể từ khi Hồng y Robert Prevost được bầu lên ngai Thánh Phêrô ngày thứ năm 8 tháng 5, Vatican đã thành bối cảnh của một cuộc săn lùng đi tìm kho báu, trong đó mỗi lần Giáo hoàng xuất hiện là một mảnh ghép cho các câu hỏi chưa có câu trả lời. Mục tiêu: định vị Tân Giáo hoàng người Mỹ có tông hiệu Lêô XIV. Có phẩm phục, có hành động, có lời nói (ngài sẽ sống ở đâu, trong Dinh Tông tòa truyền thống, ở Nhà Thánh Marta như Đức Phanxicô hay ở nơi khác?).
Vào buổi tối ngày đắc cử, trên ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài tri ân Đức Phanxicô. Ngày hôm sau, trong bài giảng ngài nhắc lại cuộc chiến chống “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” mà Đức Bênêđíctô XVI (2005-2013) thường đề cập.
Ngày chúa nhật, trong lời cầu nguyện đầu tiên, ngài nhắn với giới trẻ “Xin các con đừng sợ”, lời nhắn Đức Gioan-Phaolô II (1978-2005) hay nhắn. Và câu: “Không bao giờ có chiến tranh nữa!” của Đức Phaolô VI (1963-1978) nói trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Nhiều khuôn mặt
Nếu các nhà quan sát chú trọng đến những dấu hiệu này, đó là do họ chưa hiểu tính cách của ngài. Đôi khi ngài được khen ngợi vì sự dịu dàng, đôi khi vì khả năng quyết đoán, ngài là người có nhiều bộ mặt: người Mỹ và là người Peru; nhà trí thức có trình độ học vấn vững chắc, người mục tử ở thực địa; nhà truyền giáo vùng biên giới, nhà quản lý uy tín (đứng đầu Dòng Thánh Augustinô, đứng đầu Bộ Giám mục)…
Một lý lịch phong phú như vậy có lẽ đã giúp ngài được bầu. Nhưng cũng không đủ để nói lên tầm nhìn về thế giới và Giáo hội công giáo của người công dân Chicago, Illinois này. Đặc biệt ngài ít trả lời phỏng vấn và không xuất bản quyển sách nào – một điều hiếm thấy nơi các hồng y nổi tiếng của Vatican.
Ngày 10 tháng 5, bài phát biểu của ngài trước các hồng y đã giúp vén bức màn bí mật này. Đức Lêô XIV khẳng định tầm nhìn của ngài về một Giáo hoàng phục vụ Giáo hội và một Giáo hội phục vụ thế giới. Ngài nói: “Giáo hoàng là người tôi tớ khiêm nhường của Chúa, của người anh em mình, không có gì khác.”
Lời tuyên xưng này dựa trên một phương pháp mà ngài tóm tắt trong hai từ: “Tính công đồng và tính đồng nghị.” Nhiệm kỳ của ngài tiếp nối hoàn hảo với nhiệm kỳ Đức Phanxicô, người khởi xướng cách tiếp cận lắng nghe từ giáo dân đến các cấp cao của Giáo hội. Ngoài ra ngài đánh dấu sự thay đổi trong cách quản lý mang tính cá nhân của Đức Phanxicô để đáp lại lời yêu cầu được các hồng y công khai bày tỏ về việc tham gia nhiều hơn trong công việc quản lý Giáo hội.
Một tổng hợp mới
Nhưng trên hết, Đức Lêô khẳng định ngài đặt mình vào bối cảnh của Công đồng Vatican II (1962-1965) để giúp Giáo hội suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ với thế giới hiện đại mà ngài xem đây là một quá trình còn bỏ ngỏ. Các ưu tiên ngài đề cập với các hồng y: “Hoán cải truyền giáo của toàn thể cộng đồng kitô giáo, quan tâm đến những người nhỏ bé nhất, những người bị lãng quên nhất và vấn đề xã hội nói chung.”
Cam kết này giải thích rõ lý do vì sao ngài chọn tông hiệu Lêô XIV, nói lên lòng tôn kính Đức Lêô XIII (1878-1903), tác giả của thông điệp Tân sự Rerum novarum năm 1891, nỗ lực đầu tiên giúp Giáo hội thích nghi với xã hội hiện đại. Ngài nói với các hồng y: “Ngày nay, Giáo hội trao cho giáo dân di sản học thuyết xã hội để ứng phó với một cuộc cách mạng công nghiệp khác và với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động.”
Chính mong muốn neo mình vào thế giới đã tạo sự khác biệt trong những ngày đầu tiên triều của ngài – một quan hệ vừa tin tưởng vừa ngờ vực được tạo nên. Bài giảng đầu tiên của ngài ngày 9 tháng 5 nhắc lại mối quan tâm của Đức Bênêđíctô XVI về một thế giới bị chủ nghĩa duy vật và thế tục hóa chi phối. Đức Lêô cảnh báo: “Ngay cả ngày nay, vẫn có nhiều bối cảnh mà đức tin kitô giáo bị cho là vô lý, chỉ dành cho người yếu đuối và thiếu thông minh”, một bối cảnh mà những chuyện như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực, lạc thú được ưa chuộng hơn.
Vẫn khó có thể rút ra kết luận rõ ràng từ những yếu tố rải rác này. Giáo sư Roberto Regoli,chuyên gia về lịch sử Giáo hội tại Giáo hoàng Học viện Gregorian ở Rôma cho biết: “Ưu tiên hiện nay của Đức Lêô là tổng hợp quá khứ và hiện tại, kết hợp các truyền thống từ Đức Phanxicô đến tất cả những người tiền nhiệm của ngài. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu xoa dịu và đoàn kết được nêu ra trong các cuộc họp chung. Ngay cả khi ngài nói đến rạn nứt, nhưng ngài sẽ trình bày chúng như một liên tục.”
Lời mời đến Ukraine
Có thể cần một thời gian để phong cách đặc trưng, con đường duy nhất của ngài được thấy rõ. Nhưng ngài còn quá trẻ – 69 tuổi – và ngài thoải mái trong bộ áo màu trắng. Ngay từ ngày đầu tiên, ngài đã nói chuyện một cách tự tin và rõ ràng, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Ý sang tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha.
Sự khởi đầu của rạn nứt cũng có thể được thấy rõ ràng nơi những vấn đề cấp bách nhất, đặc biệt là những vấn đề ngoại giao. Ngày chúa nhật vừa qua, ngài đã kêu gọi “một nền hòa bình thực sự, công bằng và lâu dài” cho Ukraine, một cụm từ trái ngược với tinh thần của Đức Phanxicô, người ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá và xem kẻ xâm lược là bên bị tấn công. Ngày thứ hai 12 tháng 5, Tổng thống Volodymyr Zelđensky tuyên bố ông đã gặp Đức Lêô lần đầu tiên kể từ khi ngài đắc cử và đã mời ngài đến Ukraine.
Một số quyết định đang chờ ngài, trước hết là các cuộc bổ nhiệm trong Giáo triều la-mã trong vài tuần tới sẽ cho thấy một số dấu hiệu.
Ngài sẽ nhận báo cáo từ nhiều ủy ban trong Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội. Các chủ đề được thảo luận chờ ý kiến của ngài đều gai góc và gây chia rẽ cao độ: việc phong chức phó tế nữ, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội nói chung, phương pháp lựa chọn giám mục, với tiếng nói của những người tiến bộ nhất, ví dụ như ở Đức, họ còn đề xuất giáo dân bầu các giám mục…
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Giống như trúng số độc đắc: Ngôi nhà thời thơ ấu của Đức Lêô tăng giá sau khi ngài được bầu
Đứa bé mơ làm “Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên”
Mật nghị 2025: Hồng y Vesco kể hậu trường cuộc bầu cử Giáo hoàng Lêô XIV
Đức Lêô XIV: điềm tĩnh, thận trọng cải cách để có một Giáo hội thống nhất trong một thế giới chia rẽ
Hồng y Blase Cupich nói về lý do Hồng y đoàn chọn Đức Lêô XIV
Chúng ta mong chờ gì nơi Giáo hoàng mang tinh thần Thánh Augustinô