Mật nghị: Chúa Thánh Thần có chọn Giáo hoàng không?
lacroix.com, Christel Juquois, 2025-05-03
Các hồng y đã họp ở Đền thờ Đức Bà Cả ngày chúa nhật 27 tháng 3, một ngày sau tang lễ Đức Phanxicô. Mật nghị bầu người kế vị ngài sẽ bắt đầu ngày thứ tư 7 tháng 5. Vatican Pool Wo / Getty Images/AFP
Mỗi lần có mật nghị, giáo dân đều nghĩ Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chọn giáo hoàng, nhưng theo linh đạo kitô, Chúa Thánh Thần sẽ không làm gì nếu không có sự cộng tác của con người. Ngày 7 tháng 5 sẽ có 133 hồng y dưới 80 tuổi vào Nhà nguyện Sistine để bầu giáo hoàng thứ 267, và dù bị cách ly hoàn toàn, họ không đơn độc, họ tin Chúa Thánh Thần hiện diện và hướng dẫn tiến trình này. Trong bối cảnh đa dạng về văn hóa, chính trị và xã hội của các hồng y, việc có được 2/3 số phiếu là một thách thức. Giữa những khác biệt, toan tính và tham vọng cá nhân, liệu “tiếng nói” của Chúa Thánh Thần có thể vang lên để dẫn dắt Giáo hội vượt qua chia rẽ và trung kiên với sứ mạng phổ quát của mình không?
Lắng nghe để hiểu thực trạng
Mục đích của mật nghị là chọn ra người lãnh đạo Giáo hội. Trước khi mật nghị bắt đầu, các hồng y đã có nhiều cuộc họp để cùng đánh giá hiện tình Giáo hội và thế giới. Khoảng 30 hồng y phát biểu mỗi ngày. Hồng y Matthieu Rougé giải thích: “Việc này giúp xác định vài ưu tiên của giáo hoàng tương lai và làm nổi bật vài gương mặt cụ thể.” Chính đặc sủng cá nhân, khôn ngoan, kiến thức, khả năng chữa lành hay nói tiên tri, mới là nơi Chúa Thánh Thần biểu lộ, như thánh Phaolô đã viết: “Sự hiểu biết, khôn ngoan, ơn chữa lành hay ơn tiên tri… ‘Mỗi người nhận được sự biểu lộ của Thánh Thần vì lợi ích chung’ (1 Cr 12,7),”
Giai đoạn đầu tiên này rất quan trọng, Giáo sư Laurent Falque, người đồng hành thiêng liêng nhận xét: “Không có bước này thì không thể phân định được. Tiếng nói của Chúa Thánh Thần trước hết được nghe qua tiếng nói của người khác trong sự phong phú và đa dạng của họ. Tác động của Chúa Thánh Thần không tách biệt khỏi suy tư cá nhân và đối thoại, nhưng thể hiện qua chiều sâu, giá trị của suy tư và đối thoại.
Chuyển biến và từ bỏ
Hoạt động của Chúa Thánh Thần được thể hiện không chỉ qua suy tư cá nhân và đối thoại, mà còn qua giá trị và chiều sâu của việc lắng nghe. Chính việc lắng nghe giúp mở ra những góc nhìn và thực tại từng bị bỏ qua hoặc xem nhẹ, làm lung lay những định kiến, xác tín cá nhân, lợi ích riêng và mục tiêu tự đặt ra. Giáo sư Falque nhấn mạnh: “Hoạt động của Chúa Thánh Thần như người nhạc trưởng hướng dẫn dàn nhạc để điều chỉnh âm thanh.” Linh mục Christophe Raimbault nói tiếp: “Tiến trình này như luyện kim, kim loại phải được nung để loại bỏ tạp chất và thực hiện đúng chức năng của nó.”
“Phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa” có thể khơi dậy nhiều nỗi sợ: sợ điều mới mẻ, sợ một xu hướng không mong đợi chiếm ưu thế trong Giáo hội, sợ vai trò giảm sút của thế giới phương Tây. Giáo sư Falque nhận xét: “Mỗi người có một nỗi sợ riêng. Tuy nhiên, chính khi chiếu sáng cảm xúc và hiểu lý do nỗi sợ trong tiến trình phân định, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ và sự kháng cự nội tâm.”
Sự hoán cải nội tâm chỉ có thể diễn ra khi con người biết từ bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Dĩ nhiên, điều này không dễ. Hồng y Raniero Cantalamessa, cựu giảng thuyết viên của Phủ Giáo hoàng giải thích: “Bản tính tự nhiên của con người là muốn giữ quyền tự quyết. Nhiều người sợ phó thác hoàn toàn cho Chúa, họ sợ cái mới, sợ xu hướng khác thắng thế, sợ phương Tây mất ảnh hưởng… Nhưng chính Chúa Thánh Thần soi sáng cảm xúc để giúp chúng ta vượt lên nỗi sợ này như Thánh Phaolô đã nói: ‘Tôi không còn sống cho chính tôi, nhưng tôi sống cho Chúa.”
Lời cầu nguyện vang lên từ tâm hồn sâu lắng
Từ bỏ trong tín thác chỉ có thể thực hiện qua cầu nguyện và Lời Chúa. Linh mục Raimbault khẳng định: “Cầu nguyện và phân định là đi vào nội tâm, tách mình ra khỏi thế giới, đó là ý nghĩa của ‘mật nghị’ lắng nghe điều Thiên Chúa muốn nói trong lương tâm mỗi người. Lời không thành tiếng của Chúa Thánh Thần được nhận ra trong Kinh Thánh, đặc biệt qua phụng vụ.”
Hồng y Rougé giải thích: “Từ khi Giáo hoàng qua đời, mật nghị ở trong bối cảnh phụng vụ liên tục. Các hồng y dự lễ mỗi ngày, dành thì giờ cầu nguyện riêng, tất cả diễn ra dưới cái nhìn của bức tranh Phán xét cuối cùng của Michelangelo.”
Chúa Giêsu đã nói: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13). Cầu nguyện là xin ơn Chúa Thánh Thần, xin ơn để biết biết điều gì là tốt.
Luôn theo Đức Kitô
Nhưng làm sao biết điều gì là tốt cho Giáo hội? Giáo sư Laurent Falque giải thích: “Trước hết là có ước muốn: hiệp nhất, công bằng và hòa bình gắn liền với thời điểm hiện tại. Nếu ưu tiên là loan báo Tin Mừng hay thúc đẩy hòa bình quốc tế thì lựa chọn sẽ khác nhau.”
Dù theo hướng nào, điều nền tảng vẫn là ước muốn bước theo Đức Kitô, không làm theo ý mình mà theo ý Chúa. Linh mục Raimbault nhấn mạnh: “Chúa Thánh Thần đặt vào lòng mỗi người tình yêu Thiên Chúa – agapè – nuôi dưỡng trí tuệ và khả năng phân định.”
Vậy ai quyết định: Chúa Thánh Thần hay các hồng y?
Mở đầu chương 15 sách Công vụ Tông đồ, Thánh Phaolô viết: : “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”. Linh mục Raimbault viết: “Họ như cộng tác viên ngang hàng với Chúa Thánh Thần vậy!”
Năm 1977, Hồng y Ratzinger nhấn mạnh: “Chúa Thánh Thần không bao giờ ép buộc con người. Chúa Thánh Thần không kiểm soát mọi sự một cách cứng nhắc, Ngài là nhà giáo khôn ngoan, Ngài ban cho con người không gian và tự do, mà vẫn không bỏ rơi họ.” Vì thế, vai trò của Chúa Thánh Thần cần được hiểu đúng, Ngài không phải là Đấng chỉ định cụ thể nên bỏ phiếu cho ai. Sự đảm bảo duy nhất mà Chúa Thánh Thần mang lại: con người không thể làm hỏng hoàn toàn kế hoạch của Thiên Chúa. Lịch sử cho thấy có những giáo hoàng rõ ràng cho thấy Chúa Thánh Thần không trực tiếp chọn lựa.
Cuối cùng, lời cầu nguyện của giáo dân cũng góp phần quan trọng. Tại một giáo xứ ở Paris, trong suốt thời gian mật nghị, giáo dân rút thăm tên hồng y để cầu nguyện. Hồng y Rougé kết luận: “Các hồng y là người bỏ phiếu, nhưng cả Giáo hội đều đặt mình trong tay Chúa Thánh Thần.”
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch