Phụ nữ không cần trở thành linh mục để phục vụ trong Giáo hội

77

Phụ nữ không cần trở thành linh mục để phục vụ trong Giáo hội

la-croix.com, thần học gia Jean-François Chiron, 2025-04- Théologien

Một phụ nữ cầu nguyện trong buổi lễ phong chức bí mật cho phụ nữ trên một con thuyền tại Rôma ngày 17 tháng 10 năm 2024. FILIPPO MONTEFORTE / AFP

Thần học gia Jean-François Chiron trả lời các lập luận ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ, ông cảnh báo tinh thần “tất cả hoặc không có gì” có thể làm nản lòng. Ông nhấn mạnh mọi chuyện của thế giới phương Tây có thể không phản ánh thực tế của toàn bộ Giáo hội.

Bà Anne-Marie Pelletier, thần học gia vừa viết một bài trên báo La Croix, bà đặt vấn đề về vị trí của phụ nữ trong Giáo hội Công giáo và làm sáng tỏ một số khía cạnh quan trọng.

Bà cho rằng, chừng nào phụ nữ chưa nhận các thừa tác vụ có chức thánh (cụ thể là chức linh mục) thì vai trò của họ trong Giáo hội không thay đổi. Họ vẫn còn bị giới hạn trong những vai trò cấp bậc. Việc chấp nhận các thừa tác vụ không có chức thánh như đọc sách, giúp lễ, dạy giáo lý (theo nghĩa rộng Đức Phanxicô đề cập trong tự sắc) không làm thay đổi căn bản tình trạng này.

Hiện nay, theo quan điểm thần học truyền thống, chỉ những thừa tác viên được trao quyền mục vụ mới được chủ sự trong việc công bố Lời Chúa, cử hành các bí tích, hướng dẫn cộng đoàn mới có tiếng nói quyết định trong các vấn đề của Giáo hội. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh quyết định này không độc đoán, vẫn có sự tham gia và thảo luận của giáo dân.

“Tất cả hoặc không có gì?”

Vấn đề đặt ra là: Có nên duy trì tinh thần “tất cả hoặc không có gì” đặc biệt là với phụ nữ, không được thụ phong linh mục là không có chức vụ gì trong Giáo hội.” Điều này không đúng. Phụ nữ có thể có vai trò quan trọng trong Giáo hội, và thực tế, họ đã đóng góp rất nhiều.

Bên cạnh đó, nếu mong muốn thay đổi hoàn toàn, thì khó có thể thực hiện trong tương lai gần. Điều quan trọng là phải nhìn vào thực tế của Giáo hội và tận dụng tối đa các cơ hội phụ nữ hiện có để hoạt động tích cực và có trách nhiệm, dù vẫn còn nhiều điều cần cải thiện. Đặt ra những yêu cầu vượt quá khả năng thực tế sẽ chỉ dẫn đến thất vọng.

Việc phong chức cho phụ nữ không giống việc phong chức cho “các ông đã lập gia đình, viri probati”. Trong trường hợp này, một tự sắc của Giáo hoàng sau khi tham khảo ý kiến các giám mục trên thế giới là đủ để quyết định. Nhưng việc phong chức cho phụ nữ lại liên quan đến giáo lý và gây tranh cãi trong nội bộ Giáo hội, với nhiều ý kiến trái ngược và sự gắn bó cảm xúc mạnh mẽ từ cả hai phía.

Một quyết định của Đức Phanxicô

Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào về chức linh mục dành cho phụ nữ, điều đó chỉ có thể do quyết định của Giáo hoàng với sự đồng thuận rõ ràng của toàn thể hàng giám mục. Lý tưởng nhất là thông qua một công đồng đại kết, nhưng điều này đặt ra một thách thức lớn khi Giáo hội hiện có khoảng 4.500 giám mục, so với 2.500 giám mục thời Công đồng Vatican II.

Có thể thay thế công đồng bằng một cuộc tham vấn giám mục toàn cầu từ xa. Nhưng việc này sẽ làm mất tinh thần gặp gỡ, tranh luận và thay đổi những yếu tố quan trọng trong quá trình thảo luận tại Vatican. Dù theo cách nào, quyết định cuối cùng cũng cần có sự đồng ý của tất cả mọi người. Theo truyền thống Giáo hội, sự đồng ý này được xem là dấu chỉ của Chúa Thánh Thần, như thế quyết định đưa ra sẽ được mọi người bình tâm đón nhận. Liệu 85% giám mục trên thế giới có sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi này không? Nếu con số này không đạt được thì vấn đề sẽ tiếp tục bị trì hoãn trong một thời gian dài.

Những mong đợi từ phương Tây

Có ý kiến cho rằng thời đại này không còn là thời đại để các giám mục quyết định mọi sự. Nhưng nếu muốn lắng nghe toàn thể giáo dân thì phải tổ chức một cuộc tham vấn toàn cầu? Liệu kết quả có khác biệt đáng kể so với quyết định của các giám mục không? Và quan trọng hơn, liệu quyết định có được công nhận là hợp pháp không?

Dù đồng ý hay không, con đường để thay đổi trong Giáo hội vẫn còn rất dài và không đơn giản. Vì đây không chỉ là vấn đề của một nhóm hay một khu vực cụ thể, mà là của toàn thể Giáo hội. Những kỳ vọng của thế giới phương Tây, dù chính đáng, không thể đại diện cho toàn Giáo hội. Thay vì chờ một thay đổi chưa chắc đã xảy ra, vì sao chúng ta không tận dụng những gì đã có? Theo các văn bản mới nhất của Đức Phanxicô, nguyên tắc hiện nay là: ngoại trừ các thừa tác vụ có chức thánh, bất cứ điều gì một người đàn ông có thể làm trong Giáo hội thì một phụ nữ cũng có thể làm. Đây là một bước tiến quan trọng, và điều cần làm là khai thác tất cả tiềm năng này.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

“Phụ nữ lãnh đạo, cần thiết cho một tương lai tốt đẹp hơn”