Ở trung tâm Giáo triều: Nhà Thánh Marta phòng số 201, một văn phòng khác của Đức Phanxicô
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2022-08-01
Giáo triều Rôma thường là tâm điểm của những hoang tưởng và toan tính, như chiếc hộp đen chứa đầy bí mật, Giáo triều có nhiệm vụ giúp Đức Phanxicô điều hành Giáo hội hoàn vũ. Nhà Thánh Marta là nơi ở và nơi làm việc của Đức Phanxicô, vừa là “cỗ máy” quyền lực vừa là một tổ chức phi chính phủ. Ngài tiếp khách, gần như chỉ mình ngài biết tên của họ, nhiều lúc gây khó chịu cho Giáo triều nơi có 3.000 người làm việc toàn thời gian cho ngài.
Đức Phanxicô trong các căn hộ ở Nhà Thánh Marta, Vatican Media / AFP
Câu nói nửa đùa nửa thật vào cuối bữa ăn sáng ở Vatican: “Tôi cá là ở Nhà Thánh Marta, ngài có phòng điều khiển đầy màn hình và micro để theo dõi và nghe mọi chuyện diễn ra mọi nơi! Ngài biết hết về tất cả mọi người.” Người đối thoại, một người hiểu rõ nội tình Tòa Thánh hài hước nói lên cảm giác mà nhiều người cùng chia sẻ: ngài kiểm soát mọi việc rất chặt chẽ.
Các khách ăn ở tiệm ăn khu phố Borgo, sát cạnh Vatican thường nói chuyện về các quyết định của giáo hoàng và đời sống Giáo triều. Trong những câu chuyện thì thầm này, một nhận xét được lặp đi lặp lại như một điệp khúc: đằng sau nụ cười thân thiện với công chúng, ngài là người quyết đoán và có quyền lực. Nhiều người trải nghiệm được điều này. Khi ngài đã quyết định, không ai được phép phản đối. Họ thường dùng một từ để tả cách lãnh đạo của ngài: một chiều.
Mạng lưới không chính thức
Có một nghịch lý. Trong lịch sử gần đây, hiếm có giáo hoàng nào tham khảo ý kiến nhiều như ngài trước khi ra quyết định. Nhưng phương pháp của ngài có những đặc điểm riêng. Dĩ nhiên ngài lắng nghe các cộng sự. Nhưng điểm đặc biệt là ngài có một mạng lưới tin tức cá nhân. Họ là những người trực tiếp liên lạc với ngài, giúp ngài suy xét và tránh phụ thuộc vào Văn phòng Quốc vụ khanh, nơi được xem là trung tâm điều phối quyền lực.
Ngài thường bất ngờ gọi điện thoại trực tiếp, đôi khi điều này xảy ra sự cố. Một trong những người ngài liên lạc kể: “Một buổi sáng, tôi nhận cuộc gọi ‘Ngày mai lúc 17h, con có thể đến gặp cha ở nhà Nhà Thánh Marta được không?’ Hôm sau, ông đến cổng Porta del Perugino, nơi có hiến binh Vatican canh gác. Nhưng không ai biết gì về cuộc hẹn. Họ phải gọi cho thư ký riêng của ngài để xác nhận.”
Đức Phanxicô làm việc và tiếp khách ở phòng 201. Sau các buổi tiếp kiến chính thức buổi sáng ở Dinh Tông tòa, buổi chiều ngài tiếp khách và làm việc riêng. Danh sách các khách không bao giờ được công bố. Trong các buổi gặp với chính trị gia, nhà kinh tế, nhà báo hoặc các nhà hoạt động, ngài thường ít nói, chăm chú nghe và ghi chép.
“Những vị khách của Nhà Thánh Marta”
Khi nghiên cứu hồ sơ, ngài thường đối chiếu nhiều nguồn tin khác nhau. Ngài không để Giáo triều nắm đặc quyền cung cấp thông tin. Đặc quyền này đã kết thúc ngay sau ngày ngài được bầu, khi ngài quyết định dọn về sống ở Nhà Thánh Marta. Từ đó, nơi là chỗ ở của các viên chức Vatican đã thành trung tâm quyền lực thực sự.
Tại Dinh Tông tòa, nơi làm việc của các nhân viên Văn phòng Quốc vụ khanh, cũng như tại các cơ quan khác ở Quảng trường Thánh Phêrô Phêrô, nhiều người cảm thấy bị “qua mặt”, họ vừa khó chịu vừa không hiểu. Họ thường quen tham gia vào các quyết định của Giáo hoàng. Bây giờ họ vừa khó chịu vừa ghen tị với “các vị khách của Nhà Thánh Marta”, cũng như ở Paris, người ta thường than phiền về ảnh hưởng của “các khách buổi tối” tại phủ Tổng thống.
Một linh mục làm việc hơn mười năm trong Giáo triều bối rối nói: “Bây giờ chúng tôi không rõ các quyết định được đưa ra như thế nào.” Một người khác mỉm cười nhận xét: “Đó là các bất ngờ của sếp!” Những chuyện bất ngờ này đã tạo bầu khí e dè lẫn nhau.
Danh sách những lần Giáo triều bị qua mặt ngày càng dài. Nhiều quyết định được công bố, nhưng người trong cuộc chỉ biết khi đọc báo. Điển hình là các phỏng vấn gần đây ngài dành cho báo chí Ý hoặc Argentina. Bộ Truyền thông có nhiệm vụ quảng bá các hoạt động của ngài không được dự buổi phỏng vấn hồi tháng 5 với báo Corriere della Sera, cũng không dự buổi trả lời trên đài truyền hình RAI ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đầu tháng 7 họ cũng không biết trước cuộc phỏng vấn quan trọng giữa ngài và phóng viên chuyên gia Vatican của hãng tin Reuters.
Tháng 10 năm ngoái, khi tiếp các thần học gia công giáo và chính thống, ngài tuyên bố sẽ phong Tiến sĩ Hội Thánh cho thánh Irênê thành Lyon. Nhưng Bộ Phong thánh phụ trách hồ sơ không được báo trước.
Cơ chế điều hành theo chiều dọc
Về chiến tranh ở Ukraine, cách làm việc một mình của ngài bị đặt nhiều câu hỏi nhất. Ngày 25 tháng 2, ngay sau khi chiến sự nổ ra, ngài cùng tài xế đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa Thánh. Gần như không ai ở Vatican được báo trước, kể cả các lãnh đạo cao cấp trong ngành ngoại giao.
Từ khi xung đột bắt đầu, mỗi tuần ngài đều gọi nhiều lần cho bà Elisabetta Piqué, đặc phái viên của báo La Nación (Argentina) tại Ukraine và cũng là bạn thân lâu năm của ngài để cập nhật thông tin chiến sự, ngoài những báo cáo của Tòa Khâm sứ tại Kiev, cơ quan có nhiệm vụ thông tin cho ngài.
Ngày 19 tháng 3 cách làm việc theo chiều dọc ở cao điểm. Hôm đó là ngày thứ bảy. Không ai đoán trước việc ngài công bố văn kiện ngài đã chuẩn bị suốt bảy năm: một tông hiến mới. Văn bản chính thức hóa cuộc cải tổ Giáo triều, một trong những điểm trọng yếu trong chương trình mà các Hồng y tin tưởng trao cho ngài từ tháng 4 năm 2013. Tại Rôma không ai biết trước việc công bố này. Đúng là họp báo đã được lên lịch, nhưng hai ngày sau đó. Vì vậy, khi văn kiện dài 54 trang được gởi đến các nhà báo lúc 12 giờ trưa, tất cả đều bất ngờ.
Khi ấy, Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đang ở Dubai để khai mạc gian hàng của Tòa Thánh tại Hội chợ Thế giới. Ngài chỉ nhận được thông tin không đầy một giờ trước đó.
Còn nhóm truyền thông Tòa Thánh, họ chỉ biết tin hai mươi phút trước giờ gởi văn kiện. Họ chỉ kịp về nhà bắt tay làm việc, họ không có thì giờ đọc tài liệu trước. Một nguồn tin Rôma nhận xét: “Ngài muốn tránh mọi can thiệp từ Văn phòng Quốc vụ khanh.” Nguồn tin đó thừa nhận có những ban phòng đã tìm cách chặn văn bản này, vì một số điểm không thể thực hiện được.
Đi vòng những kháng cự của Giáo triều
Tại Rôma, những ai tìm cách lý giải “cách điều hành theo chiều dọc” này của ngài cho rằng điều đó là cần thiết. Cách làm này giúp ngài vượt qua sự kháng cự của Giáo triều, cơ quan vốn có bản chất dè dặt với thay đổi. Đức Bênêđíctô XVI đã gặp khó khăn như vậy vào cuối triều của ngài, đặc biệt trong vụ tai tiếng VatiLeaks. Việc rò rỉ tài liệu đã là một trong các lý do ngài từ nhiệm.
Một cựu lãnh đạo thánh bộ kể lại: “Tôi còn nhớ một buổi gặp gỡ với Đức Bênêđíctô XVI, sau khi ngài thông báo từ nhiệm nhưng chưa chính thức rời nhiệm sở. Hôm đó, chúng tôi đi từng nhóm, trong buổi nói chuyện, chúng tôi nhắc đến một vấn đề trước đó chúng tôi đã gởi cho ngài. Ngài cho biết ngài đã trả lời mấy ngày trước. Nhưng chúng tôi không nhận được! Về sau, chúng tôi hiểu đã có ai đó chận lại và không bao giờ gởi đi.” Nhiều năm sau, một người thân cận với Đức Phanxicô nhận xét rất thực tế: “Nếu ngài không giữ vững lập trường, thì không thể lãnh đạo được. Không có sự dứt khoát ấy, ngài sẽ bị dẫn mũi.”
Nhà Thánh Marta
Nhà Thánh Marta là khách sạn dành cho các giáo sĩ ở nội thành Vatican. Đức Gioan-Phaolô II xây nhà này năm 1994. Nhà có 129 phòng, thường dành cho các thành viên Giáo triều ở, nhưng khi có mật nghị, tất cả phải nhường phòng trong vài ngày để đón các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới về bầu tân Giáo hoàng. Nhà Thánh Marta bảo đảm tuyệt đối kín đáo trong suốt thời gian bầu cử. Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn Phaolô phụ trách điều hành nhà này.
Từ khi được bầu, Đức Phanxicô sống ở phòng 201 trên tầng hai
Căn phòng đặc biệt này gọi là “phòng Giáo hoàng” gồm một phòng ngủ rộng, một phòng làm việc, một phòng khách nhỏ ở cửa ra vào. Tại đây, ngài ăn một mình hoặc với các khách ghé thăm trong ngày.
Nhà Thánh Marta
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch
Bị bệnh, Đức Phanxicô buộc phải bỏ một số việc quan trọng, ngài chuẩn bị một cuộc sống mới
Các Hồng y, thần học gia, nhà báo… Ai là những người tạo “vòng tin tưởng” của Đức Phanxicô?