Thần học gia Arnaud Join-Lambert: “Câu hỏi các linh mục đến từ nơi khác vẫn là điều cấm kỵ”
Hình minh họa
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2024-11-08
Thần học gia Bỉ Arnaud Join-Lambert nhấn mạnh đến tính cấp thiết trong việc thảo luận về vấn đề các linh mục đến từ nơi khác. Đây là chủ đề nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị khoáng đại của Hội đồng Giám mục Pháp với sự tham gia của các Giám mục châu Phi tại Lộ Đức từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Một bước tiến tích cực
Trong lễ khai mạc Hội nghị khoáng đại của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), bốn Giám mục và Hồng y Châu Phi đã đưa ra quan điểm của họ về việc trao đổi linh mục Fidei donum (những người được phái đi truyền giáo nhưng vẫn trực thuộc giáo phận gốc) giữa Pháp và Châu Phi. Các Giám mục đã đưa ra một số hạn chế của mô hình này.
Từ nhiều năm nay, giáo sư thần học Arnaud Join-Lambert tại Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) đã nghiên cứu vấn đề này, giáo sư cảnh báo về sự cần thiết phải từ bỏ cách tiếp cận giáo sĩ trị.
Nhìn nhận thực tế của sự khác biệt văn hóa
Khi được hỏi về vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng Giám mục Pháp với sự hiện diện của các Giám mục Châu Phi, giáo sư Join-Lambert cho rằng đây là một bước tiến tích cực. Giáo sư đặc biệt ấn tượng với bài phát biểu của Hồng y Ambongo, Tổng Giám mục Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo) và của Tổng giám mục Sayaogo, giáo phận Koupela (Burkina Faso). Hai giám mục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xem xét sự hội nhập văn hóa hai chiều, thay vì lặp lại các mô hình cũ không quan tâm đến văn hóa của các nước tiếp nhận linh mục.
Tổng giám mục Sayaogo đặt câu hỏi: “Sự khác biệt văn hóa ngày càng rõ rệt giữa Châu Âu và Châu Phi có phải là trở ngại cho sứ vụ của các linh mục Châu Phi tại Châu Âu không? Nếu bỏ qua thực tế này, chúng ta sẽ không rút được bài học nào từ lịch sử truyền giáo tại Châu Phi của các nhà truyền giáo Châu Âu. Sự hội nhập văn hóa của Giáo hội tại Châu Phi hiện nay chính là kết quả của nhận thức chung: các nền văn hóa Châu Phi chưa từng được các nhà truyền giáo Châu Âu quan tâm đúng mức. Vì vậy, chúng ta cần làm mọi cách để các linh mục Châu Phi khi thi hành sứ vụ tại Châu Âu không rơi vào tình trạng này.”
Cha đã dành nhiều năm nghiên cứu về chủ đề các linh mục đến từ những nơi khác. Cha nhận định thế nào về vấn đề này đã được đưa vào chương trình nghị sự của các Giám mục Pháp, với sự có mặt của bốn Giám mục và một Hồng y Châu Phi?
Đây là một bước tiến tích cực. Tôi đặc biệt xúc động trước bài phát biểu của Hồng y Ambongo, Tổng Giám mục Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo), và của Tổng giám mục Sayaogo, giáo phận Koupela (Burkina Faso). Các ngài đã nhấn mạnh một cách rõ ràng tầm quan trọng của việc suy tư về hội nhập văn hóa theo cả hai chiều, đồng thời tránh lặp lại khuôn cũ đã không nhấn mạnh đến đặc trưng văn hóa của các quốc gia tiếp nhận.
Giám mục Sayaogo đặt câu hỏi: “Liệu khoảng cách văn hóa giữa Châu Âu và Châu Phi có trở thành rào cản cho công việc mục vụ của các linh mục Châu Phi tại Châu Âu không?”. Việc bỏ qua thực tế này đồng nghĩa với việc không rút ra bài học từ lịch sử truyền giáo của các nhà thừa sai Châu Âu tại Châu Phi. Thật vậy, nếu các Giáo hội Châu Phi vẫn cố gắng hội nhập văn hóa thì đó là nhờ nhận thức chung, trong quá khứ các nền văn hóa Châu Phi chưa được các nhà truyền giáo Châu Âu quan tâm đầy đủ. Vì thế, chúng ta cần làm những gì có thể làm để bảo đảm cho các linh mục Châu Phi khi họ làm mục vụ ở các Giáo hội Châu Âu, họ không rơi vào chính tình trạng tương tự.
Tổng giám mục Sayaogo đề cập đến một vấn đề quan trọng khác: sự bất đối xứng trong các trao đổi. Ngài nhấn mạnh sự hiện diện của các linh mục Châu Phi tại Châu Âu cần phải tuân theo nguyên tắc hợp tác giữa các Giáo hội. Tuy nhiên, hợp tác này chủ yếu chỉ dừng lại ở cấp độ hành chính và phân công trách nhiệm, chưa thực hiện được sự hiệp thông thực sự. Ngài cho rằng: “Mặc dù có nhiều hình thức hợp tác giữa các Giáo hội, nhưng chúng ta vẫn thấy sự thống trị của các Giáo hội phương Tây trên các Giáo hội thuộc thế giới thứ ba về mặt tài chính, thông tin, nghiên cứu thần học và trong các quyết định của các tổ chức quốc tế. Hợp tác giữa các Giáo hội chưa đạt đến mức độ hiệp thông đích thực, đòi hỏi phải có trách nhiệm chung và tương tác một cách bình đẳng.”
Một thực tế đáng lưu tâm là có những giáo phận tại Congo có nhiều linh mục phục vụ tại Châu Âu hơn ở chính giáo phận của họ, nhưng dường như ít ai quan tâm đến vấn đề này.
Một hiện tượng lớn nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ
Trong một bài báo xuất bản năm 2023 trên tạp chí Lumen Vitae, giáo sư Arnaud Join-Lambert cho rằng hiện tượng này rất phổ biến trong đời sống Giáo hội phương Tây suốt hai thập kỷ qua, nhưng số lượng nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn rất hạn chế. Theo giáo sư, tỷ lệ linh mục đến từ nước ngoài tại Tây Âu dao động từ 30% đến 80% trong tổng số linh mục dưới 65 tuổi đang hoạt động mục vụ. Nhưng việc nghiên cứu vấn đề này vẫn còn rất ít ỏi. Giáo sư cho rằng đây là vấn đề “cấm kỵ” hoặc bị bỏ qua.
Giáo sư lập luận thay vì tiếp cận vấn đề một cách hệ thống, chúng ta chỉ dừng lại ở cách tiếp cận cá nhân và giáo sĩ trị. Vì thế các cuộc thảo luận gặp nhiều trở ngại, thậm chí không ai cân nhắc đến quan điểm của cộng đoàn giáo xứ địa phương hoặc của chính các linh mục bản xứ.
Dù đã có 20.000 linh mục nước ngoài đến Châu Âu trong 20 năm qua, nhưng điều này không giúp ngăn chặn được tình trạng suy giảm của các Giáo hội tại đây. Sự hiện diện của họ không mang lại sự đổi mới cho các dự án kitô giáo hay làm hồi sinh Giáo hội. Thay vào đó, các linh mục này bị cuốn vào một hệ thống cũ kỹ, nơi họ chỉ đóng vai trò duy trì hiện trạng thay vì được đặt vào vị trí sáng tạo và phát triển mục vụ.
Một cơ hội bị lãng phí?
Giáo sư Arnaud Join-Lambert nhấn mạnh ông không có ý lên lớp hay phán xét, nhưng rõ ràng Giáo hội đang trải qua một thời kỳ chuyển hóa lớn như Đức Phanxicô đã nhận định. Tuy nhiên, hệ thống hiện tại vẫn bị mắc kẹt trong những mô hình cũ. Nếu muốn phát triển trở lại, Giáo hội cần tận dụng các nguồn lực và cơ hội hiện có, và các linh mục nước ngoài chính là một trong những cơ hội này.
Nếu được tổ chức tốt, sự trao đổi này có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên. Với châu Phi, đây là cơ hội để các linh mục mang về các kinh nghiệm mục vụ quý báu của Châu Âu. Nhưng để thành một trải nghiệm tích cực, công việc này không nên bị đặt dưới sức ép tài chính hay những căng thẳng do sự suy giảm ơn gọi tại Châu Âu.
Nghiên cứu của nữ tu Dancille, nghiên cứu sinh tại Đại học Công giáo Louvain đã đưa ra một hướng đi đáng quan tâm. Sơ tìm hiểu cách thức các cộng đoàn tu sĩ quốc tế tổ chức đời sống chung, và nhận thấy Giáo hội địa phương có thể học hỏi nhiều từ những mô hình này để thúc đẩy sự hội nhập văn hóa. Cuối cùng, theo giáo sư Arnaud Join-Lambert, Giáo hội cần có cái nhìn tham vọng hơn để đối diện với cuộc khủng hoảng hiện nay, thay vì chỉ xem xét các giải pháp ngắn hạn.
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch