Marie-Denise Sbàller: “Tác dụng của tâm linh với sức khỏe là có thật”
cath.ch, Raphael Zbinden, 2024-11-21
Tâm linh, đức tin, tôn giáo có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Theo bác sĩ Marie-Denise Sbàller, cựu giám đốc Trung tâm Bệnh viện Đại học Vaud, Thụy Sĩ, câu trả lời là “có”. Bà giải thích chủ đề này tại một hội nghị chuyên đề ở Lausanne, Thụy Sĩ.
Bác sĩ Marie-Denise Sbàller, cựu giám đốc Trung tâm Bệnh viện Đại học Vaud, Thụy Sĩ. © Raphặl Zbinden
Cây cung của bà Marie-Denise Sbàller có rất nhiều mũi tên. Một trong số các mũi tên này là sự nghiệp danh tiếng hàng chục năm trong lãnh vực y tế. Bà là bác sĩ trưởng tại Khoa Y học Chuyên ngành Người lớn tại Trung tâm Bệnh viện Đại học Vaud (CHUV), Chủ tịch Liên đoàn Giáo hội Công giáo Bang Vaud (FEDEC-VD), bà luôn khám phá mối liên hệ giữa hai trụ cột của cuộc đời bà: y học và đức tin. Thành viên của một số ủy ban y đức, bà được công nhận trong lãnh vực này. Trang Công giáo Thụy sĩ gặp bà ngày 21 tháng 11 năm 2024, tại Espace Maurice Zundel, ở Lausanne.
Làm thế nào bà thành người quan tâm đến mối quan hệ giữa tâm linh và sức khỏe?
Bác sĩ Marie-Denise Sbàller: Chú ý đến người khác, đến sức khỏe của họ, không chỉ về thể chất mà cả cảm xúc, các mối quan hệ và tinh thần, đó là động lực để tôi bước vào ngành y. Dĩ nhiên điều này gắn liền với đức tin, đức tin là trọng tâm cuộc sống của tôi. Trong suốt sự nghiệp của tôi, tôi luôn chú ý đến điều này. Mục đích của tôi là cố gắng hết sức để chữa lành và xoa dịu các bệnh nhận đang đau khổ, đi theo họ trong những giây phút cuối cùng.
Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận ra, trong tình huống này mọi thứ còn khó khăn hơn với những người chưa xác định được những gì là thiết yếu, những giá trị cơ bản, ý nghĩa cuộc sống của họ hoặc những người không có mối quan hệ hệ tình cảm vững chắc. Những quan sát này làm tôi nảy ra ý tưởng có nhiều yếu tố khác ngoài khía cạnh vật chất thuần túy ảnh hưởng đến sự đau khổ của con người.
“Các nghiên cứu về sức khỏe và tâm linh không phải là con số hàng trăm nhưng hàng ngàn”
Khi bà bắt đầu học ngành y, việc tiếp cận chủ đề tâm linh trong môi trường y tế có dễ dàng không?
Không đời nào. Tôi tin chúng ta sắp bước ra khỏi giai đoạn chúng ta muốn giải thích mọi thứ bằng khoa học. Trong sự nghiệp của tôi, tôi không bao giờ muốn áp đặt bất cứ điều gì, tôi chỉ có tinh thần nhạy cảm kitô giáo mà tôi không trốn tránh. Tôi cảm nhận khi nói đến đức tin, nhiều đồng nghiệp của tôi tỏ ra thờ ơ, thậm chí còn chế nhạo.
Nhưng tôi thấy có một thay đổi vào khoảng đầu những năm 2000. Điều cấm kỵ về tâm linh bắt đầu giảm bớt. Vào thời điểm đó, tôi nhớ có một cuộc hội thảo tại Trung tâm Đại học Vaud với Linh mục Dòng Tên bác sĩ tâm thần Eckhard Frick. Mọi người lắng nghe bài thuyết trình trong thinh lặng. Sau đó tôi cảm thấy có điều gì đó đang xảy ra, chiều hướng tâm linh này không còn bị cho là một hình thức tưởng tượng hay mê tín nữa.
Bà cũng bắt đầu quan tâm đến các tài liệu khoa học về chủ đề này…
Đúng vậy, sự cởi mở chung này cho phép tôi tự do nói về chủ đề này, trình bày những gì khoa học đang nói về nó.
Và bà đã khám phá được điều gì?
Trước hết, mức độ của tài liệu về chủ đề này. Các nghiên cứu về sức khỏe và tâm linh không phải là con số hàng trăm, nhưng hàng ngàn. Đây hoàn toàn là chủ đề đã được nghiên cứu rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Các nghiên cứu không chỉ liên quan đến kitô giáo, một số được thực hiện ở Israel và các nước hồi giáo. Nhưng kết quả nói chung vẫn giống nhau ở tất cả các nền văn hóa.
Văn học này nói lên điều gì?
Tôi ấn tượng trước sự đồng nhất của các kết luận. Dĩ nhiên trong khoa học, rất hiếm khi có sự thống nhất giữa các nghiên cứu. Tôi thấy một số thiết lập cho rằng có một tác động trung lập hoặc thậm chí tiêu cực của tâm linh đối với sức khỏe. Nhưng đại đa số đều nêu bật những tác dụng có lợi. Rõ ràng, có nhiều cách nhìn về tâm linh, đức tin hoặc thực hành tôn giáo. Nhưng hầu hết các nghiên cứu đều ghi nhận mối liên hệ giữa cảm giác siêu việt và tác động tích cực đến tiên lượng bệnh. Mối liên hệ đặc biệt được thấy ở các yếu tố gây viêm trong cơ thể. Thậm chí các nghiên cứu còn đi xa, quan sát các ảnh hưởng tác động đến cuộc sống, tuổi thọ, cả nhiễm sắc thể…
“Không phải vì theo đạo mà chúng ta sẽ không mắc một căn bệnh nào đó”
Đúng không?
Đúng, một nghiên cứu chứng minh những người có đạo có xu hướng có những đầu nhiễm sắc thể, télomère tốt hơn người khác.
Các nghiên cứu có tính đến lòng mộ đạo không?
Các bảng dân số được nghiên cứu thường rất rộng và các nhà nghiên cứu không đi sâu vào chi tiết. Tôi có thể hình dung một số tôn giáo tạo cảm giác tội lỗi có thể gây căng thẳng. Ngoài ra, một số niềm tin tôn giáo nào đó có thể dẫn đến việc từ chối điều trị hoặc dùng vaccin phòng ngừa. Tất cả điều này bị cho là có tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Các nhà khoa học có đề xuất nguyên nhân không?
Điều quan trọng cần ghi nhớ, đây là những xu hướng toàn cầu. Không phải vì theo một tôn giáo mà chúng ta sẽ không mắc một căn bệnh nào đó hoặc sẽ sống lâu hơn. Tôi chưa đọc nghiên cứu nào giải thích tại sao tôn giáo, đức tin, tâm linh lại có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ đơn giản lưu ý mối liên hệ giữa hai hiện tượng.
“Hiện nay tại Trung tâm Đại học Vaud có rất nhiều tuyên úy đại kết”
Tất nhiên các con đường đều được đưa ra. Các nghiên cứu cho thấy phần não được kích hoạt khi thiền hoặc cầu nguyện gần với vùng hạnh phúc hoặc phần thưởng. Nhưng hiện tại chưa có lý thuyết hoàn chỉnh nào có thể giải thích được ảnh hưởng tích cực của tâm linh với sức khỏe.
Quan điểm cá nhân của bà với tư cách là một tín hữu và bác sĩ là gì?
Tôi tin mỗi con người đều có chiều ngang và chiều dọc. Với tôi, nhu cầu tâm linh đều có trong mỗi con người, và chúng ta không thể đối xử với một người mà không tính đến chiều kích này.
Điều này có được nghe trong xã hội không?
Tôi nghĩ điều này đã phát triển trong những thập kỷ gần đây, ít nhất là ở một số nơi. Đặc biệt tại Trung tâm Đại học Vaud, chức vụ tuyên úy đại kết rất hiện diện, họ ở trong đội ngũ y tế. Chiều kích tôn giáo được xem trọng ở người lớn tuổi. Tại bang Vaud, ủy ban giám sát có mục đích xem xét “nhu cầu tinh thần” của người dân. Vấn đề là không có đủ giáo sĩ để đáp ứng nhu cầu.
Chúng ta có mối quan tâm nào trong vấn đề tâm linh của trẻ em?
Nói chung, các bác sĩ đọc tài liệu khoa học và ảnh hưởng với các nghiên cứu cho rằng tâm linh có tác dụng cụ thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra định nghĩa về sức khỏe vượt xa việc không có bệnh tật, họ đề cập đến “sức khỏe tinh thần”. Từ năm 1989, Liên Hiệp Quốc đã quy định về quyền của trẻ em, khả năng “phát triển tâm linh của một người”.
Đây có phải là điều đã đạt được trong xã hội phương Tây không?
Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta luôn quan tâm đến việc làm cho trẻ em đáp ứng được sự mong đợi của xã hội, đảm bảo trẻ em khỏe mạnh, học hành tốt…
Nhưng chúng ta có quan tâm đến tình trạng tinh thần của trẻ em không? Tất nhiên, đến một lúc nào đó các em sẽ có lựa chọn hay không. Nhưng các em sẽ lựa chọn gì nếu các em không có cơ sở?
Theo tôi, chúng ta chỉ có thể tiến lên trong cuộc sống nếu chúng ta có những giá trị cơ bản vững chắc. Xã hội ngày nay để chúng ta đối diện trước sự thiếu hụt trầm trọng trong lĩnh vực này. Sau đó, chúng ta phải đối diện với chứng trầm cảm, nghiện ngập, bạo lực… xã hội chủ yếu phản đối các bác sĩ tâm thần, cảnh sát, hệ thống tư pháp… những phản ứng không giải quyết được vấn đề cơ bản.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch