Đức Phanxicô tại Hội nghị Thượng đỉnh Paris về AI: “Tình yêu giá trị hơn trí tuệ”

63

Đức Phanxicô tại Hội nghị Thượng đỉnh Paris về AI: “Tình yêu giá trị hơn trí tuệ”

cath.ch, I.Media, 2025-02-11

Đức Phanxicô gởi Thông điệp đến Tổng thống Emmanuel Macron tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động về Trí tuệ Nhân tạo được tổ chức tại Paris ngày 10-11 tháng 2 năm 2025 với chủ đề: “Tình yêu giá trị hơn Trí tuệ nhân tạo.” Trong những năm gần đây AI là một trong các quan tâm lớn của ngài và Tòa Thánh qua nhiều lời kêu gọi tăng cường kiểm soát AI.

Trong thông điệp, ngài tán thành sáng kiến của Hội nghị, đã quy tụ khoảng 1.500 chuyên gia gồm các nguyên thủ quốc gia, chính phủ, cũng như các nhà lãnh đạo hàng đầu trong lãnh vực công nghệ kỷ thuật số. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance, người lần đầu tiên thực hiện chuyến công du quốc tế.

Một công cụ vừa hấp dẫn vừa đáng sợ

Mô tả trí tuệ nhân tạo như một công cụ vừa “hấp dẫn vừa đáng sợ”, ngài kêu gọi định hướng con đường chính trị để bảo vệ nhân loại không dùng AI với tầm nhìn hạn chế về thế giới qua các con số, bị gò bó trong các danh mục định sẵn, đặc biệt ngài mong các nhà lãnh đạo thế giới thiết lập một nền tảng vì lợi ích công cộng để giám sát AI.

Ngài cũng cảnh báo về “các mô hình nhân học, kinh tế – xã hội và văn hóa mang tính đồng nhất” mà AI có thể tạo ra, đến việc  tôn trọng “sự đa dạng phong phú của toàn thể nhân loại”. Ngài khuyến khích định hướng AI thành công cụ để phát triển, để xóa đói giảm nghèo, cũng như bảo tồn các nền văn hóa và ngôn ngữ địa phương.

Dẫn lời hai triết gia Pháp, Blaise Pascal (1623-1662) và Jacques Maritain (1882-1973), ngài khẳng định và nhấn mạnh sự cần thiết của nguyên tắc “tình yêu giá trị hơn trí tuệ”: “Nếu các thuật toán có thể bị dùng để đánh lừa con người, thì trái tim nơi có cảm xúc sâu xa và chân thật nhất sẽ không bao giờ bị lừa. Vì  ý nghĩa đích thực của cuộc sống chỉ được phát sinh ở trái tim.”

AI tiêu thụ năng lượng rất lớn

Đức Phanxicô, tác giả của Thông điệp Laudato si’ về môi trường nhấn mạnh: “AI có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và bền vững cho môi trường, nhưng cơ sở hạ tầng của AI tiêu thụ một lượng năng lượng rất lớn, đặt ra thách thức không nhỏ với hệ sinh thái.”

Ngài hy vọng những hội nghị tiếp theo sau sự kiện Paris sẽ tập trung thảo luận về các “tác động xã hội của AI với mối quan hệ con người, thông tin và giáo dục. Thách thức lớn nhất của chúng ta là con người, và sẽ luôn là con người. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này”.

Mối lo ngại của Tòa Thánh

Trong những năm gần đây, Vatican liên tục kêu gọi một cơ chế kiểm soát và điều chỉnh AI ở cấp độ quốc tế. Năm 2020, Giáo hoàng Học viện về Sự sống đã phát động “Lời kêu gọi Rôma vì một AI đạo đức” đã được nhiều tổ chức công và tư hưởng ứng.

Ngày 14 tháng 6 năm 2024, Đức Phanxicô tham dự phiên họp  G7 về AI tại Bari, nước Ý, tại đây ngài gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ngài đã dành thông điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình 2024Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2024 để nói về AI.

Ngày 28 tháng 1 vừa qua, Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa Giáo dục của Vatican đã công bố một tài liệu chung mang tên “Trí tuệ Nhân tạo và Trí tuệ Con người”. Việc công bố tài liệu này trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Paris không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

“Không thể đi bên lề AI: “Lý do  Giáo hội phát triển mô hình AI cho riêng mình”

Tòa Thánh kêu gọi các quốc gia quy định về trí tuệ nhân tạo AI để bảo vệ trẻ em