Linh mục Lucio Adrián Ruiz: “Bây giờ Đức Phanxicô tĩnh dưỡng nhưng ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn Giáo hội dù chúng ta không thấy ngài.”

52

Linh mục Lucio Adrián Ruiz: “Bây giờ Đức Phanxicô tĩnh dưỡng nhưng ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn Giáo hội dù chúng ta không thấy ngài.”

lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 2025-03-25

Linh mục Lucio Adrián Ruiz , phó bộ trưởng Bộ Truyền thông nhớ lại kỷ niệm năm năm ngày Đức Phanxicô cầu nguyện xin đại dịch chấm dứt ngày 27 tháng 3 năm 2020.

Sau 38 ngày ở bệnh viện Gemelli, ngày 23 tháng 3 Đức Phanxicô xuất hiện trước giáo dân ở ban-công Bệnh viện Gemelli. (AP/Domenico Stinellis)

Đúng năm năm trước, chiều tối ngày 27 tháng 3 năm 2020, Đức Phanxicô đã làm thế giới xúc động khi cả thế giới đang hoảng sợ vì lệnh cách ly, ngài đến Quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng dưới cơn mưa, cầu nguyện xin Chúa giải thoát nhân loại khỏi “bóng tối dày đặc” của đại dịch Covid. Lúc đó ngài 83 tuổi, ngài còn đi được, ngài nhắc giáo dân “không ai tự mình cứu mình” vì tất cả chúng ta đều ở trên một con thuyền.

Năm năm sau, ngài 88 tuổi, sau 38 ngày nằm bệnh viện vì bị nhiễm trùng hô hấp nặng, ngài về Nhà Thánh Marta tĩnh dưỡng, hàng triệu giáo dân trên thế giới cầu nguyện, mong ngài chóng bình phục.

Đức ông Lucio Adrián Ruiz, Phó giám đốc Bộ Truyền thông trả lời phỏng vấn trên báo La Nación.

Linh mục Đức ông Ruiz, 60 tuổi, giáo phận Santa Fe giải thích: “Bây giờ ngài cần tĩnh dưỡng, nhưng ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn Giáo hội dù chúng ta không thấy ngài.”

Báo La Nación: Hôm nay đánh dấu năm năm kể từ ngày ngài cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt, ngài đang tĩnh dưỡng ở Nhà Thánh Marta sau khi bị cơn bệnh nặng nhất trong triều của ngài… Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là gì?

Linh mục Lucio Adrián Ruiz: Tôi nghĩ đó là sự đến và đi của ân sủng, kết nối cuộc sống của những người tin và những người yêu. Năm năm trước, ngài đã đi một mình giữa trời mưa khi tất cả chúng ta bị cách ly không được ra ngoài. Ngài đã ra ngoài để cầu nguyện cho chúng ta, cho đại dịch sớm kết thúc để chúng ta có thể có hy vọng, để chúng ta có thể có đức tin. Ngày nay, năm năm sau, ngài tiếp tục cầu nguyện, cả trên bình diện toàn cầu lẫn cá nhân, và vì thế chúng ta cần đọc lại bài giảng tối hôm đó trong hoàn cảnh đặc biệt hôm nay: khi đó ngài đi một mình vì chúng ta, giờ đây tất cả chúng ta đi bên cạnh ngài, tiếp sức mạnh cho ngài, nâng đỡ ngài để chúng ta cùng đi với mục tử chúng ta yêu mến.

Ngày 27 tháng 3 năm 2020, thế giới chứng kiến một trong những hình ảnh biểu tượng của đại dịch: Đức Phanxicô, một mình, dưới mưa ở Quảng trường Thánh Phêrô vắng lạnh, ngài cầu nguyện cho thế giới. Hôm nay, Văn phòng Báo chí Tòa thánh công bố lịch các sự kiện Phục sinh, cho đến nay không có lịch tham dự của ngài cũng như của các cộng sự của ngài… Đây có phải là dấu hiệu tốt không? Chúng ta có thể chờ ngài xuất hiện dưới hình thức nào trong Tuần Thánh (bắt đầu từ 13 tháng 4) không?

Hiện nay chúng tôi chưa biết vì còn tùy sức khỏe của ngài. Nhưng tôi nghĩ dù có sự hiện diện của ngài hay không, ngài vẫn là mục tử hướng dẫn Giáo hội dù chúng ta không nhìn thấy ngài. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng với người có đức tin, không chỉ khi chúng ta nhìn thấy ngài, ngài vẫn hướng dẫn và tiếp tục hướng dẫn Giáo hội dù chúng ta không thấy ngài vì sức khỏe của ngài không cho phép.

Ngày chúa nhật vừa qua ngài đã xuất viện, ngài dưỡng bệnh ở Nhà Thánh Marta, sức khỏe của ngài bây giờ ra sao?

Tôi không có thêm thông tin nào về sức khỏe của ngài, nhưng nếu chúng ta chưa có thông tin mới nào, có nghĩa mọi việc đang tốt đẹp, tạ ơn Chúa… Nếu không thì ngài đã về lại bệnh viện Gemelli. Việc ngài ở nhà là rất tốt, ngài theo chỉ dẫn bác sĩ: nghỉ ngơi, uống thuốc, tập vật lý trị liệu vận động và hô hấp.

Các bác sĩ cho biết, trong thời gian ở bệnh viện, ngài hai lần đã cận kề cái chết, ngài đã trải qua như thế nào?

Trong những lúc khó khăn này, tôi đau khi thấy người mình yêu thương trong đức tin đau. Đó là giây phút vô cùng buồn bã, nhưng cũng tràn đầy hy vọng, hy vọng vào Chúa. Đức Phanxicô là người có đức tin rất mạnh, ngài ở trong tay Đức Trinh Nữ Maria, Đấng dạy chúng ta sống với Thập Giá, không sợ hãi và với đức tin, như ngài đã nói ngày 27 tháng 3 năm 2020: “Vì sao anh chị em sợ hãi? Anh chị em không có đức tin sao?” Bây giờ tôi mừng vì ngài đã về nhà, ngài đang hồi phục dần dần. Ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn Giáo hội, dù chúng ta không thấy ngài. Và với tinh thần trách nhiệm cao để có thể giúp nhiều hơn trong những gì chúng ta biết ngài mong muốn, như tiến trình làm việc của Giáo triều, trong công tác phục vụ, trong sứ mệnh của chúng ta, có nghĩa chúng ta không cần phải được nhắc nhở mỗi ngày về những gì chúng ta phải làm, nhưng chúng ta biết phải làm gì và làm như thế nào, và chúng ta có trách nhiệm với những gì chúng ta làm.

Cha hiểu sự kiên trì, quyết tâm, ý chí không bao giờ bỏ cuộc của ngài, cha hy vọng gì trong việc hồi phục này?

Tôi chưa gặp và nói chuyện với ngài, nhưng qua tất cả lời dạy của ngài, tôi nghĩ ngài đang sống với một đức tin, một lòng khiêm nhường sâu sắc của người phó thác vào Chúa, dù “dường như Chúa đang ngủ” như ngài đã nói ngày 27 tháng 3 năm 2020… Tôi tin sự thanh thản trong đức tin của ngài là điều đang soi sáng cho chúng ta, vì đây cũng là một điều đẹp đẽ và quan trọng: dạy chúng ta tin tưởng vào Chúa Cha, giống như Chúa Giêsu ngủ trong cơn giông bão… Giáo huấn của Chúa rất quan trọng với Giáo hội: chúng ta không chỉ tin khi mọi thứ  tốt đẹp và tích cực. Ngay cả trên Thập giá, chúng ta vẫn được Chúa ấp ủ và ngủ trong vòng tay của Ngài.

Đức Phanxicô đã sống qua giai đoạn cuối triều của Đức Gioan-Phaolô II khi ngài không nói được vì bệnh Parkinson. Có thể nào một lễ Phục sinh mà Giáo hoàng hiện diện nhưng phải nhờ người đọc bài giảng không?

Tôi không biết, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra bây giờ, tất cả tùy thuộc vào diễn tiến sức khỏe của ngài. Với tình trạng hiện nay, các bác sĩ khuyên ngài tĩnh dưỡng hai tháng để hồi phục. Tôi mong ngài hồi phục tốt, không làm những điều không nên làm. Nếu hôm nay Chúa muốn ngài cách ly, cầu nguyện, yêu mến Giáo hội, hiệp thông với Chúa trong phòng của ngài thì ngài “náu” ở đó. Ngài là Giáo hoàng tối cao và ngài giảng cho chúng ta ở bất cứ đâu Chúa muốn. Vì thế tôi mong ngài không làm vì áp lực, vì một lý do không cần thiết có thể hại đến sức khỏe của ngài. Chúng ta mong ngài hồi phục.

Cha là chuyên gia của Vatican về mạng xã hội, blog, cha có ảnh hưởng trên nhiều lãnh vực khác nhau. Cha nghĩ gì về làn sóng tin giả trong thời gian ngài nằm bệnh viện?

Trong nhiều năm, tôi đã có kinh nghiệm về mạng lưới ở hai thực tế khác nhau. Một trong những chuyện này là tin giả, những chuyện bịa đặt vô căn cứ, bây giờ chúng ta thấy đó là những tin dối trá, tôi tự hỏi những người đã giết ngài nhiều lần như thế họ nghĩ gì. Tôi đã rất buồn khi trải qua các giai đoạn này, vì đã làm cho nhiều người buồn, họ không có quyền làm như vậy.

Nhưng cũng có rất nhiều người trẻ, người có sức ảnh hưởng và nhiều người khác đã yêu thương ngài, họ gởi tin nhắn, video, tổ chức các buổi gặp mặt, cầu nguyện… Một tình yêu vô bờ được loan truyền và điều này thật tuyệt đẹp.

Trong một phỏng vấn, một trong các bác sĩ của ngài nhấn mạnh đến sức mạnh của lời cầu nguyện trong tiến trình hồi phục ở hai thời điểm quan trọng… Tất cả những chuyện này có tác động đến sự hồi phục của ngài không?

Dĩ nhiên là có: lời cầu nguyện, tình yêu của dân Chúa chính là mạch sống của Giáo hội. Và sự dịu dàng chúng ta dành cho ngài nâng đỡ ngài để ngài không bỏ cuộc, vì tất cả chúng ta đều cần ngài. Chúng ta nói với ngài: “Chúng con ở đây.” Điều này nhắc chúng ta nhớ lời cầu nguyện ngày 27 tháng 3 năm 2020: hôm nay chúng con bước đi với Ngài.

Theo cha, trong bối cảnh này việc từ nhiệm có khả thi không?

Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ ngài là mục tử có trách nhiệm, ngài yêu Chúa và yêu Giáo hội. Ngài luôn nói: “Cho đến lúc nào tôi còn có thể, tôi sẽ tiếp tục. Nếu khi nào tôi không thể, tôi sẽ từ nhiệm.” Tôi nghĩ không ai có quyền hoặc có thể nói ngài sẽ làm gì, vì chính ngài, trước mặt Chúa, ngài sẽ thấy Chúa đòi hỏi ở ngài điều gì. Vì thế tôi thấy nói về việc từ nhiệm là vô căn cứ và không cần thiết. Không ai có thể nói như vậy vì đó là câu trả lời của mỗi người với Chúa, Đấng đã gọi và vẫn tiếp tục gọi chúng ta.

Marta An Nguyễn dịch

38 ngày tại bệnh viện Gemelli: thông điệp, bổ nhiệm và lời kêu gọi hòa bình của Đức Phanxicô