38 ngày tại bệnh viện Gemelli: thông điệp, bổ nhiệm và lời kêu gọi hòa bình của Đức Phanxicô

63

38 ngày tại bệnh viện Gemelli: thông điệp, bổ nhiệm và lời kêu gọi hòa bình của Đức Phanxicô

vaticannews.va, Salvatore Cernuzio, Vatican, 2025-03-27

Năm 2020, giữa cuộc khủng hoảng Covid, Đức Phanxicô là kim chỉ nam của nhân loại. Hôm nay, dù bị bệnh, ngài vẫn chèo lái con thuyền Giáo hội, tiếp tục là điểm tựa của một thế giới đầy bão tố: chiến tranh, tái vũ trang, nghèo đói. Trong thời gian ở bệnh viện Gemelli, ngài nhiều lần lên tiếng kêu gọi hòa bình.

Năm năm trước, vào một buổi tối mưa rơi mùa xuân, ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng, chỉ có tiếng còi xe cứu thương vang vọng. Cả thế giới cách ly vì đại dịch Covid. Ngài ở đó, đơn độc trong tâm hồn giáo dân, nhưng ngài không cô độc, ánh mắt và lời cầu nguyện của hàng triệu giáo dân theo ngài. Ngài nói: “Chúng ta cùng ở trên một con thuyền. Chúng ta ai cũng mong manh, hoang mang, nhưng tất cả chúng ta đều quan trọng, đều cần thiết. Chúng ta phải chèo chống và nâng đỡ nhau.”

Năm năm sau, ngài bị viêm phổi, tính mạng ngài bị đe dọa hai lần, ngài nằm bệnh viện 38 ngày. Lại một mình, nhưng bây giờ ngài có ban y tế, có các cộng sự thân cận và hàng triệu lời cầu nguyện của người có đức tin cũng như không có đức tin trên thế giới đi cùng với ngài. Dù thể lý không khỏe mạnh, nhưng tinh thần ngài vững mạnh. Cũng như năm 2020, ngày 27 tháng 3 năm 2025 ngài vẫn là ngọn hải đăng cho nhân loại giữa biển khơi đầy biến động. Giờ đây, cơn bão không còn là đại dịch, nhưng là chiến tranh, chạy đua vũ trang, và sự khốn cùng của nhiều dân tộc: “Chúng ta vẫn đang ở trên cùng một con thuyền.”

Nhìn ra thế giới và Giáo hội

Từ giường bệnh, ngài nắm vững tay chèo. Ngài sống Mùa Chay ở bệnh viện, giữa những cơn suy hô hấp, uống thuốc và tập vật lý trị liệu, ngài không ngừng dõi theo thế giới: Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi, Đông Nam Á, những vùng đất chìm trong chiến tranh. “Từ tầng thứ mười bệnh viện Gemelli, chiến tranh thành vô nghĩa,” câu nói trong bài suy niệm Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 2 tháng 3 đã in sâu vào tâm trí giáo dân.

Suốt sáu chúa nhật từ ngày đầu ngài vào bệnh viện 14 tháng 2 đến ngày xuất viện 23 tháng 3, mỗi bài suy niệm của ngài đều nhắc đến các cuộc xung đột. Ngày 23-2 kỷ niệm ba năm chiến tranh Ukraine, ngài gọi đây là “ngày đau buồn và đáng hổ thẹn của nhân loại.” Ngài kêu gọi cầu nguyện cho tất cả nạn nhân các cuộc chiến, kêu gọi hòa bình cho Palestine, Israel, Myanmar, Congo, Sudan. Ngày 9 tháng 3, ngài lo ngại trước bạo lực gia tăng ở Syria, ngài kêu gọi “tôn trọng mọi sắc tộc, tôn giáo, người dân”.

Ngày 16-3, với các nhóm trẻ em đa quốc gia trước sân bệnh viện, ngài xin các em cầu nguyện cho “các quốc gia bị chiến tranh tàn phá.” Ngày 23 tháng 3 khi xuất viện, ngài đau buồn về việc Israel tiếp tục ném bom Gaza: “Xin ngừng bắn ngay lập tức, xin có can đảm đối thoại, xin giải phóng các con tin và tiến tới hòa bình lâu dài.” Ngài lên án thảm họa nhân đạo tại Gaza và kêu gọi các bên liên quan hành động khẩn cấp.

“Hãy giải trừ vũ khí trong lời nói, trong tâm trí và trên mặt đất”

Không chỉ qua Kinh Truyền Tin, thông điệp hòa bình của ngài được nói trên báo Corriere della Sera của Ý: “Chúng ta phải giải trừ vũ khí trong lời nói để giải trừ vũ khí trong tâm trí, và từ đó giải trừ vũ khí trên trái đất.” Ngài cảnh báo: “Chiến tranh tàn phá cả con người lẫn thiên nhiên, mà không giải quyết được xung đột. Các tổ chức ngoại giao, quốc tế cần được đổi mới để lấy lại uy tín.”

Hơn 40 quyết định và một sắc lệnh quan trọng

Dù ở bệnh viện, Đức Phanxico vẫn điều hành Giáo hội. Trong sáu tuần ở bệnh viện Gemelli, ngài ký 44 quyết định bổ nhiệm Tổng giám mục, Giám mục và Sứ thần tại Burkina Faso, Chi-lê, Belarus, bổ nhiệm Nữ tu Raffaella Petrini làm Chủ tịch quản lý Vatican ngày 15 tháng 3. Mười ngày sau, ngài bổ nhiệm hai tân thư ký: Đức Ông Nappa, nguyên Phó Tổng Thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng, và luật sư Puglisi-Alibrandi, nguyên Phó Tổng Thư ký.

Ngày 26 tháng 2, ngài công bố sắc lệnh thành lập Ủy ban Quyên góp Tòa Thánh, huy động giáo dân, Hội đồng Giám mục, các nhà hảo tâm đóng góp cho Giáo hội.

Một hành trình mới

Trong 38 ngày ở bệnh viện, ngài tiếp tục giảng dạy: bốn bài giáo lý cho các buổi tiếp kiến chung, sáu thông điệp quan trọng, thông điệp Mùa Chay, thông điệp cho các người tham dự Đại hội đồng của Giáo hoàng Học viện về Sự sống trong cuộc hành hương của Phong trào Bảo vệ Sự sống, thông điệp cho Ủy ban Bảo vệ Trẻ vị thành niên, một thư gởi cho Hồng y Mario Grech, xác định hành trình hướng tới Hội Đồng Giáo Hội năm 2028. Quyết định này là hướng đi của Giáo hội trong ba năm tới dưới sự dẫn dắt của Đức Phanxicô.

Dù ở một mình nhưng ngài không đơn độc. Dù yếu đuối nhưng ngài không gục ngã. Dù xa cách thể lý, nhưng ngài luôn hiện diện với Giáo hội và thế giới.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Linh mục Lucio Adrián Ruiz: “Bây giờ Đức Phanxicô tĩnh dưỡng nhưng ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn Giáo hội dù chúng ta không thấy ngài.”