Sức khỏe đáng lo ngại của các Giáo hoàng

16

Sức khỏe đáng lo ngại của các Giáo hoàng

la-croix.com, Mikael Corre, đặc phái viên thường trực tại Rôma, 2025-01-10

Quá trình sức khỏe của các Giáo hoàng ở một thời điểm nào đó là quá trình cho thấy sự suy yếu của thể chế. Thứ bảy hàng tuần, đặc phái viên thường trực của báo La Croix tại Vatican sẽ đưa quý độc giả vào hậu trường của quốc gia nhỏ nhất thế giới này.

Ngày thứ năm 9 tháng 1, Đức Phanxicô đã giao cho Đức Ông Filippo Ciampanelli, phó thư ký Bộ các Giáo hội Đông phương đọc gần như toàn bài diễn văn. Các nguồn tin cho biết ngài bị cảm lạnh, ngài ngồi trên bục. Mỗi khi ngài giảm lịch làm việc, giảm các buổi tiếp kiến ở Nhà Thánh Marta vì đau đầu gối hoặc bị viêm phế quản, các nhà quan sát đều lo lắng cho một mật nghị sắp tới dù họ rất dè dặt để nói điều này.

Khi Đức Phanxicô khỏe mạnh, khi ngài tiếp kiến, đi tông du, tham dự Thượng hội đồng, đọc thông điệp, mở công nghị, họ cũng lo. Ở Rôma thường dấy lên những lo lắng, họ thầm thì với nhau: “Ngài nên chăm sóc bản thân. Vài ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 88 của ngài. Với tốc độ này, tôi ngại ngài quá phung phí sức…” Dĩ nhiên Đức Phanxicô luôn tươi cười, đầy năng lượng khi ngài xuất hiện trước công chúng. Nhưng sau đó, những cơn khó thở dù nhỏ nhất của ngài đều được nhắc đến, lúc nào họ cũng nhắc lại ngài sống với một thùy phổi, một thùy đã bị cắt bỏ khi ngài 21 tuổi để chữa viêm màng phổi làm cho ngài dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Tác giả Nelson Castro viết quyển Sức khỏe của các Giáo hoàng, ông ghi lại biên niên sử sức khỏe của các Giáo hoàng từ thời Đức Lêô XIII (1810-1903), ông có lời giải thích khá độc đáo về các triệu chứng cảm cúm của Đức Lêô XIII: “Lần duy nhất ngài xem thường sức khỏe là khi ngài bị chứng mất ngủ của tuổi già, ngài sáng tác những câu thơ tiếng Latinh trong đầu. Khi ra khỏi giường – ngài thường mang bít tất, mặc chiếc áo dài nỉ mỏng màu trắng đi ngủ – ngài cẩn thận không đánh thức người cận vệ trung thành Pio Centra đang ngủ ở phòng bên cạnh dưới ánh sáng của ngọn đèn bàn, ngài bắt đầu viết các câu thơ ngài nghĩ trong đầu (…). Cuối cùng, ngài bị cảm lạnh và mọi người nghĩ ngài bị bệnh, mô tả căn bệnh của ngài khi tin tức rò rỉ ra công chúng.”

Một chính phủ có “thể chế yếu”?

Đức Lêô XIII không phải là giáo hoàng duy nhất mắc chứng mất ngủ. Năm 2013, chủ yếu Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm liên quan đến các vụ bê bối tham nhũng và ấu dâm do VatiLeaks tiết lộ. Nhưng vài tuần trước khi qua đời, ngài đã viết một thư cho ông Peter Seewald, người viết tiểu sử của ngài, ngài giải thích: vì mất ngủ, từ năm 2005 ngài đã phải dùng nhiều thuốc và đó là “lý do chính” ngài từ chức.

Về phía Vatican, các bản tin về sức khỏe đôi khi chậm trễ hoặc đầy những từ hoa mỹ làm báo chí phát sốt. Các nhà báo đưa tin về giai đoạn cuối của Đức Gioan-Phaolô II (ngài bị bệnh Parkinson) vẫn còn nhớ chuyện này. Trước đó, bài báo bị cho là hoang tưởng của bác sĩ Riccardo Galeazzi-Lisi đăng các hình ảnh của ngài đang hấp hối trên tạp chí Paris Match. Vào giữa những năm 1960, ca phẫu thuật tuyến tiền liệt của Đức Phaolô VI đã gây chấn động: khi đó Vatican đăng đây là “ca mổ bình thường của nam giới ở một độ tuổi nhất định”.

Ngoài những giai thoại này, vẫn còn một câu hỏi: Giáo hội có được những người lành mạnh điều hành không? Trong quyển Thần học ở Thời Toàn trị (La Naissance de la mardié) nói về triều Đức Piô XI – ngài qua đời vì cơn đau tim đêm ngày 9-10 tháng 2 năm 1939 – sử gia Fabrice Buthillon cho rằng “đặc điểm thiết yếu của chính sách Tòa Thánh là bị một “chính phủ yếu cai trị”, có nghĩa là một thể chế kém, ông mô tả: “Vào những năm 1920, tình trạng sinh học của hoạt động ngoại giao giáo hoàng thật đáng thương. Ở Brussels, Đức ông Micara bị béo phì. Tại Munich, khi Đức ông Eugenio Pacelli (Giáo hoàng Piô XII tương lai) rời bệnh viện thì bị người Bolshevik tấn công. Nhiều giáo sĩ cấp cao thời đó, kể cả Đức Piô XI bị tiểu đường và được điều trị tốt.”

Tác giả Fabrice Buthillon viết tiếp: “Ngay từ năm 1921, Hồng y Gasparri (…) bị chứng nhìn đôi, ngài phải che mắt và chỉ nói về sức khỏe của ngài, ngài sinh năm 1852 và không muốn rời khỏi chức vị nhân vật số 2 của Vatican, ngài qua đời năm 1930, chín năm sau đó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch