Đức Phanxicô đến Corsica: những thách thức của chuyến đi lịch sử

51

Đức Phanxicô đến Corsica: những thách thức của chuyến đi lịch sử

lepoint.fr, Jérôme Cordelier và Julian Mattei (phóng viên ở Corsica), 2024-12-14

Đảo Corsica đón Đức Phanxicô. Chuyến đi mang dấu ấn triều của ngài: lòng mộ đạo bình dân và Địa Trung Hải.

Ngài chưa đặt chân lên đảo, nhưng chuyến đi đã tạo một phép lạ nhỏ: mặt tiền của Nhà thờ Santa Maria Assunta ở Ajaccio nhanh chóng sửa lại. Dự kiến đã nhiều năm, mặt tiền sẽ được sửa vào cuối năm 2025 nhưng ban điều hành đã nhanh chóng sửa cho kịp ngày 15 tháng 12. Cộng đồng Corsican bỏ ra 150.000 âu kim để sửa.

 

Hồng y François Bustillo là người đưa Đức Phanxicô đến đảo Corsica. Mối quan hệ thân thiện giữa hai người chắc chắn có sức đẩy rất lớn để Đức Phanxicô đến đây. Lần đầu tiên trong toàn bộ lịch sử của đảo.

Khi Giám mục Ajaccio được phong Hồng y ngày 30 tháng 9 năm 2023, toàn đảo đã về Rôma dự lễ. Một ngàn người dân đảo đi trên ba chiếc máy bay do giáo phận thuê để dự lễ. Khi đọc tên Giám mục François-Xavier Bustillo, Đức Phanxicô đã dừng lại một chút vì tiếng hoan hô quá ồn ào ở Quảng trường Thánh Phêrô. Dần dần Đức Phanxicô có mối quan hệ thân thiết với hồng y trẻ 56 tuổi, tu sĩ dòng Phanxicô được nhiều người biết đến, người “bị đồn thổi” sẽ là người kế vị Tổng giám mục Paris. Và đó là giám mục theo bước chân của Đức Phanxicô!

Một chủ nghĩa thế tục “Corsica”

Hai người khác của Giáo hội đã nói điều gì đó với Đức Phanxicô về lòng nhiệt thành của người dân Corsica: Hồng y Dominique Mamberti người đảo Corsica, nhà ngoại giao, cựu sứ thần đã ở Giáo triều từ 40 năm nay, và có cả Tổng giám mục Edgar Peña Parra, Thư ký dưới quyền Phủ Quốc vụ khanh, cộng tác viên thân cận của Đức Phanxicô đã đến Ajaccio ngày 18 tháng 3 để tham dự lễ hội Madunnuccia kính Đức Mẹ Thương Xót, bổn mạng của thành phố. Một giáo sĩ cùng đi với Tổng giám mục Parra cho biết: “Ngài rất ấn tượng trước sự long trọng của buổi lễ và lòng kính mến sốt sắng của giáo dân đi kiệu.”

Khi đến chào mừng lòng mộ đạo bình dân tại hòn đảo có chín trên mười người dân là người công giáo, có phải Đức Phanxicô muốn gởi một thông điệp đến nước Pháp ngày càng thế tục không? Hồng y Bustillo thường nói đến “kiểu thế tục Corsica”. Sử gia Michel Casta, chuyên gia về tôn giáo Corsica nhận xét: “Ở Corsica, tôn giáo được xác nhận như một bản sắc thấm nhuần văn hóa công giáo. Qua chuyến đi này, Đức Phanxicô đã chọn cách cổ võ cho một quan niệm nào đó về tôn giáo.”

Linh mục Sylvain Detoc Dòng Đa Minh dạy tại trường đại học Đa Minh Angelicum ở Rôma nhận xét: “Đức Phanxicô được mời dự hội nghị về lòng mộ đạo bình dân, chủ đề trọng tâm từ đầu triều của ngài, ngài quan tâm đến chiều kích đức tin chủ yếu của những người bé mọn.” Sử gia Mircea Eliade về tín ngưỡng và thần thoại đã định nghĩa: “Lòng mộ đạo bình dân là biểu hiện của cảm thức tôn giáo nội tại, một bản năng nội tại trong ‘con người tôn giáo’.”

Đó là lòng sùng kính được thể hiện qua lời cầu nguyện đơn sơ, qua cử chỉ đơn giản, qua những nghi thức nhỏ như kính ảnh tượng Đức Mẹ, ảnh các thánh, một hình thức đã có từ trước nơi dân ngoại, Giáo hội không loại bỏ họ nhưng đã hội nhập họ. Trong số các Tổ phụ giữa thế kỷ thứ 2 và thứ 4, một số bác bỏ niềm tin này, cho đó là ma quỷ, nhưng một số khác cho đó là sự chuẩn bị để kitô giáo ra đời.

Vatican News nhắc lại, Đức Phanxicô là người Argentina được nuôi dưỡng trong sức đẩy của “bí tích”, thuật ngữ định nghĩa cho tất cả các hình thức tôn kính, rước kiệu, đi hành hương các nhà thờ, làm phép bằng nước thánh rất phổ biến ở Châu Mỹ Latinh, và được Đức Phanxicô xem đó là “hệ thống miễn dịch” của Giáo hội.

Gần đây, ngày 12 tháng 12, ngài cử hành thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô với sự hiện diện của 4.000 tín hữu, 28 hồng y và giám mục, 350 linh mục đến từ Nam Mỹ để kính Đức Mẹ Guadalupe, kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra với một thanh niên người bản xứ nghèo gần Thành phố Mêxicô năm 1531.

Một “Giáo hoàng của Địa Trung Hải”

Ngài cũng là người tôn kính thánh địa Aparecida ở Brazil. Ngài được bà nội Rosa, người bà đáng kính thấm nhuần đức tin bình dân dạy cho ngài khi còn nhỏ, hàng năm ngày 7 tháng 8 bà đi hành hương kính Thánh Gaetan, ngày này bánh mì được phát cho mọi người, lòng mộ đạo bình dân này đã ở trong tâm hồn ngài. Sử gia Giovanni Maria Vian giải thích: “Có thể nói, lòng mộ đạo của người dân bản địa ở  trọng tâm suy nghĩ của Cha Carlos Scanonne, một trong những lý thuyết gia vĩ đại về thần học giải phóng, người có ảnh hưởng lớn đến Đức Phanxicô.”

Vì thế với Đức Phanxicô, việc đến đảo Corsica là đào sâu một văn hóa tôn giáo đã thấm sâu trong tâm hồn ngài. Trong một phỏng vấn với Vatican News, bà Véronique Lecaros, khoa trưởng khoa thần học ở Đại học Công giáo Lima cho biết: “Từ một quan điểm chiến lược, với ngài, lòng đạo đức bình dân là cái phanh, là rào cản các nhóm truyền giáo đang bành trướng mạnh ở Châu Mỹ Latinh. Một truyền thống cần được hồi sinh, đặc biệt là khi sự truyền tải đang chậm lại trên lục địa này, do cuộc di cư từ nông thôn.”

Chuyến đi đến Corsica phù hợp với suy nghĩ của Đức Phanxicô, tập trung vào những vùng “ngoại vi” khiêm tốn nhất thế giới. Một quan sát viên Vatican phân tích: “Corsica là tổng hợp hai điểm mạnh triều của ngài. Lòng đạo đức bình dân không phải là một biểu hiện dân gian nhưng là sự hợp nhất của tín hữu kitô trên thế giới. Địa Trung Hải hiện thân của một lưu vực hội tụ các vấn đề và rạn nứt của thế giới đương đại, trong đó có rất nhiều phong trào. Địa Trung Hải đã là trọng tâm chuyến đi Marseille của ngài năm 2023. Ngài đã có nhiều chuyến đi đến các đảo như đảo Lampedusa, Cyprus, Malta và bây giờ là Corsica…”

Dù Đức Phanxicô chỉ ở lại đảo Corsica chưa đầy 24 giờ, nhưng hành  trình phong phú và mãnh liệt này sẽ còn in sâu trong ký ức, là một hình ảnh mạnh triều của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Các hướng đạo sinh đảo Corsica làm hàng rào danh dự cho Đức Phanxicô trong buổi lễ tại Casone