Vì sao bây giờ buổi tiếp kiến chung của Giáo hoàng được dịch sang tiếng Trung Quốc

74

Vì sao bây giờ buổi tiếp kiến chung của Giáo hoàng được dịch sang tiếng Trung Quốc

Kể từ ngày thứ tư 4 tháng 12, các buổi tiếp kiến chung của Đức Phanxicô được dịch sang tiếng Quan Thoại. Theo các nhà quan sát đây là một dấu hiệu mới trong việc bình thường hóa mối quan hệ Trung Quốc-Vatican.

la-croix.com, Malo Tresca, 2024-12-04

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 4 tháng 12 năm 2024. PHILIPPO MONTEFORTE / AFP

Bây giờ người Công giáo Trung Quốc sẽ nghe bằng tiếng mẹ đẻ của mình trong các buổi tiếp kiến chung của Đức Phanxicô. Kể từ ngày thứ tư 4 tháng 12, tiếng Quan thoại là ngôn ngữ thứ bảy được dịch ra. Cho đến nay các bản dịch được các nhân viên của Vatican dịch từ tiếng Ý “chính thức” ra các tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Ả Rập – đây là các ngôn ngữ được Đức Bênêđíctô XVI bổ sung ngày 10 tháng 10 năm 2012.

Trong buổi tiếp kiến ngày 27 tháng 11, Đức Phanxicô tuyên bố: “Tuần tới việc dịch sang tiếng Trung Quốc sẽ bắt đầu.” Quyết định này đánh dấu điều gì trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican? Thần học gia và nhà nhân chủng học Michel Chambon, chuyên gia về Công giáo Trung Quốc ở Singapore giải thích: “Sự lựa chọn này không có gì đáng ngạc nhiên – tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ của cường quốc thứ hai thế giới – đây là một phần trong chính sách hợp lý hóa việc quan hệ với Trung Quốc của Tòa Thánh.”

Ngoài Trung Quốc, tiếng Quan Thoại còn là ngôn ngữ chính thức của Đài Loan và Singapore – nơi Đức Phanxicô đến thăm vào tháng 9 trong chuyến tông du Châu Á của ngài. Tiếng Quan thoại cũng được khoảng 10% dân số ở Malaysia, Brunei và Thái Lan nói.

Một “dấu hiệu” của sự chính quy hóa

Chuyên gia Chambon cho biết: “Đó là dấu hiệu của sự chính quy hóa nhưng cũng là dấu hiệu thận trọng để tránh sự can thiệp, trong đó các điều khoản có thể bị hiểu sai. Việc giữ ban dịch thuật của riêng mình có vẻ nặng nề nhưng như thế cho phép Rôma giữ quyền kiểm soát các công thức, những gì giáo hoàng nói được lưu truyền rất nhiều trên các mạng Trung Quốc”. Vào đầu tháng 8, Đức Phanxicô đã có cuộc phỏng vấn được quay phim với một đại diện của tỉnh Dòng Tên ở Trung Quốc, được đăng trên YouTube với phụ đề bằng tiếng Trung Quốc.

Theo chuyên gia Michel Chambon: “Sáng kiến này phù hợp rộng rãi hơn trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn tốt đẹp, gần đây được đánh dấu bằng các dấu hiệu: ngày 22 tháng 10 hai bên ngầm gia hạn 4 năm thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục; sự tham gia của các giám mục Trung Quốc trong phiên họp kết thúc của Thượng Hội đồng tháng 10 tại Rôma… Mọi thứ đang diễn ra tương đối tốt đẹp vào lúc này.”

Sự gắn bó của Giáo hoàng với Trung Quốc

Trong một số trường hợp, Đức Phanxicô trong những năm gần đây đã tăng cường các cử chỉ với chính quyền Trung Quốc, ngài bày tỏ sự gắn bó của ngài với Trung Quốc và hy vọng một ngày nào đó sẽ đến Trung Quốc: “Trung Quốc là niềm khao khát của tôi, tôi muốn đến thăm Trung Quốc.” Trong chuyến bay trở về sau chuyến đi châu Á và châu Đại Dương tháng 9, ngài nói: “Tôi ngưỡng mộ Trung Quốc, tôi tôn trọng Trung Quốc. Đó là đất nước có nền văn hóa lâu đời, khả năng đối thoại và hiểu biết lẫn nhau vượt xa các hệ thống chính quyền khác mà nước này đã từng có.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 4 tháng 12 năm 2024