Ronald Rolheiser, 2024-11-25
Linh mục Dòng Tên Daniel Berrigan (1921-2016) đã từng nói: Trước khi bạn nghiêm túc nói về Chúa Giêsu, xin bạn nghĩ lại xem mình có thích bị treo trên thập giá không!
Đây là lời cảnh báo cần có, vì Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, nếu chúng ta muốn đi theo Ngài, thì đời chúng ta sẽ khổ đau, chúng ta sẽ chịu đóng đinh vào thập giá với Ngài.
Chính xác điều này có nghĩa là gì? Nỗi đau là để thử thách người môn đệ sao? Chúa Giêsu có muốn những người đi theo Ngài phải cảm nhận nỗi đau của Ngài không? Chúa có muốn những ai theo Ngài phải chịu đau đớn để trả giá cho tội của họ không? Vì sao chấp nhận vác thập giá với Chúa Giêsu lại làm cho đời chúng ta đau khổ?
Một điều thú vị đáng chú ý là nhà thần nghiệm Gioan Thánh Giá đã dùng nỗi đau đi vào đời chúng ta để làm tiêu chuẩn chính phân định, liệu chúng ta có thật sự đi theo Chúa Giêsu hay không. Theo ngài, chúng ta biết mình theo Chúa Giêsu khi nỗi đau bắt đầu đi vào đời chúng ta. Vì sao? Vì sao Chúa đặt nỗi đau đặc biệt lên những ai chân thành đi theo Ngài?
Không, Thiên Chúa không đặt nỗi đau đặc biệt lên những ai kính trọng Ngài. Nỗi đau đi vào cuộc đời chúng ta khi chúng ta xem trọng Chúa Kitô, nó không phát xuất từ Thiên Chúa. Nó đi vào tâm hồn chúng ta vì chúng ta có một tâm hồn cởi mở sâu đậm, một nhạy cảm sâu sắc và một chiều sâu mới. Đại đa số hoạt động theo cách này: khi chúng ta chân thành mở lòng ra với Chúa, chúng ta sẽ không còn bảo vệ mình quá mức, chúng ta dễ tổn thương hơn, dễ nhạy cảm hơn để cuộc sống với tất cả mọi thứ có thể đi vào tâm hồn chúng ta một cách thoải mái và sâu sắc hơn.
Một phần của những gì đi vào tâm hồn chúng ta chính là nỗi đau: nỗi đau của người khác, nỗi đau của trái đất, nỗi đau của sự bất lực và thiếu vị tha của mình, nỗi đau do tác động của tội lỗi khắp nơi. Nỗi đau này sẽ đi vào tâm hồn chúng ta sâu sắc hơn, chúng ta sẽ cảm nhận nó theo cách chúng ta chưa hề cảm nhận trước đó, vì trước đó chúng ta trơ lì và tự quy để phòng vệ.
May thay, chuyện này còn một mặt khác: nỗi đau bây giờ đi vào cuộc sống chúng ta thoải mái và sâu sắc hơn, thì ý nghĩa và hạnh phúc cũng vậy. Một khi chúng ta thôi phòng vệ bằng cách tự quy, thì cả nỗi đau và hạnh phúc đều có thể đi vào lòng chúng ta một cách thoải mái và sâu sắc, và chúng ta bắt đầu toát ra một phần thâm sâu hơn của mình.
Nhà phân tâm học Freud từng nhận định: đôi khi chúng ta hiểu rõ nhất mọi chuyện bằng cách xem xét cái đối lập của nó. Chuyện ở đây phần nào cũng vậy. Trái ngược với người mở lòng với nỗi đau của nhân loại, với nỗi đau của thập giá là người vô cảm trơ trơ, họ không cảm nhận nhiều về nỗi đau, những người này cũng chẳng cảm nhận gì về bất cứ điều gì khác.
Và điều này ngụ ý nhiều điểm:
Thứ nhất, Chúa không đặt nỗi đau lên chúng ta khi chúng ta là môn đệ của Ngài, khi chúng ta hiểu sâu mầu nhiệm thập giá và Chúa Kitô. Nỗi đau kèm theo là điều nội tại của thập giá, chúng ta cảm nhận được, đơn giản là vì bây giờ chúng ta không ở thế phòng vệ, nhưng chúng ta để toàn bộ cuộc đời đi vào tâm hồn mình một cách thoải mái và sâu sắc hơn. May thay, nỗi đau đã được bù đắp với đầy đủ ý nghĩa và hạnh phúc mới mà bây giờ chúng ta mới cảm nhận được.
Thứ hai, như thánh Gioan Thánh Giá đã khéo léo diễn tả, trải nghiệm nỗi đau nội tại trong cương vị của người môn đệ và thập giá là một trong những tiêu chuẩn chính để phân biệt Phúc âm thật và Phúc âm Thịnh vượng. Khi nỗi đau của thập giá đi vào cuộc đời chúng ta, chúng ta biết chúng ta không nhân danh Phúc âm để bảo vệ cho tư lợi của mình.
Thứ ba, thật đáng để nhạy cảm! Freud đã từng nói chứng cuồng hoảng (một dạng lo lắng không lành mạnh) là căn bệnh của người bình thường. Điều ông không nói, nhưng có thể ông đã nói, đối lập của lo lắng (cả lành mạnh và không lành mạnh) là sự vô cảm trơ ì cực độ, mặt dày như mặt mo nên nó che cho mình khỏi đau – nhưng nó cũng che và làm cho chúng ta không sâu sắc, không có tình yêu, không thân mật, không cộng đồng.
Nếu bạn là người nhạy cảm (thậm chí là người quá nhạy cảm, có khuynh hướng trầm cảm, lo lắng đủ kiểu) thì xin bạn yên lòng vì sự đấu tranh của bạn cho thấy bạn không phải là người trơ lì chai sạn, không phải là người thô kệch về mặt đạo đức.
Cuối cùng, một trong những ngụ ý của điều này là thiên đàng với mỗi người một khác. Cũng như nỗi đau, chúng ta có thể đau sơ sơ, đau sâu đậm thì ý nghĩa và hạnh phúc cũng vậy. Chúng ta mở lòng đến mức độ nào, thì ý nghĩa và hạnh phúc vào tâm hồn chúng ta cũng ở mức độ đó. Với tấm lòng đóng kín thì ý nghĩa của chúng ta hời hợt. Với tấm lòng mở ra phần nào thì ý nghĩa có phần nào sâu sắc, nhưng không trọn vẹn. Còn với tấm lòng hoàn toàn mở ra thì chúng ta có ý nghĩa sâu sắc nhất.
Ở đời này, ý nghĩa và hạnh phúc có những chiều sâu khác nhau, và tôi cho rằng, ở đời sau cũng vậy. Cho nên, lời mời của Chúa Giêsu chính là hãy đón nhận nỗi đau từ thập giá, còn hơn là để tâm hồn trơ trơ!
J.B. Thái Hòa dịch