Chân phước Carlo Acutis: Cái nhìn
“Hạnh phúc là có cái nhìn hướng về Thiên Chúa. Nỗi buồn là quay về nhìn chính mình.” Chân phước Carlo Acutis
Trích sách “Carlo Acutis, các trực giác thiêng liêng”. Carlo Acutis, Ses intuitions spirituelles. Tác giả: Alessandro Deho’, nhà xuất bản: Salvator. Marta An Nguyễn dịch
Sách Sáng Thế cũng nói như vậy, nhờ khôn ngoan và kinh nghiệm, tất cả đều ở trong cái nhìn. Lúc đầu, có những cái nhìn kinh ngạc đặt tên cho giấc mơ mang tên hiện thực, mọi thứ đều được tạo ra và con người là sinh vật giữa các sinh vật, là người bảo vệ sự sống. Hạnh phúc thậm chí là không biết mình đang khỏa thân và tận hưởng cuộc sống giống như thiên đàng. Hạnh phúc là được hướng mắt về Thiên Chúa như một em bé sơ sinh hướng mắt nhìn mẹ. Và không có nỗi buồn khi nhìn vào chính mình, vì không có cái bóng. Chúng ta đã như vậy, tắm trong ánh sáng khiến mọi thứ trở nên đẹp đẽ và tốt đẹp. Chúng ta không thể không hoài niệm về thời thơ ấu, khi chúng ta đơn giản không tin vào sự tồn tại của cái ác vì chúng ta chưa từng biết. Những gì sách Sáng Thế nói đều đúng, tất cả phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn thế giới và cách chúng ta nhận ra cái nhìn của những người khác.
Vì thế, cũng giống ông Adong, chúng ta thấy mình đang chạy trốn, đang núp vì sợ. Chúng ta sợ sự dễ bị tổn thương của chính mình, sợ sự bất tuân, sợ cảm giác phấn khích vì có thể kiểm soát được điều thiện và điều ác mà không phải gánh chịu hậu quả, không bị lạc đường. Khi đó việc hướng cái nhìn về Thiên Chúa trở nên không thể được. Và hạnh phúc là trong chạy trốn, trong ẩn núp, trong việc biến thiên đàng thành lối thoát. Sách Sáng Thế đúng, mọi thứ đều ở trong cái nhìn. Carlo đã nhìn thấy rõ niềm vui hay nỗi buồn trong mắt chúng ta. Điều bí ẩn thực sự là cái ác biến đổi những gì chúng ta tưởng là thiên đàng thành địa ngục nhanh đến như thế nào. Nếu đúng là hạnh phúc tùy thuộc vào cái nhìn của chúng ta, thì cũng đúng chỉ trong chốc lát, cái mà chúng ta gọi là tội lỗi có thể thay đổi cả một cuộc đời. Một số tình yêu đã trở thành bạo lực và im lặng hiện lên trong tâm trí. Có lẽ không đủ để hướng cái nhìn của mình, chuyển sự chú ý của mình sang Thiên Chúa, một hoán cải là cần thiết, khác biệt và sâu sắc.
Chúng ta phải giáo dục đôi mắt của mình. Không phải việc chúng ta luôn hạnh phúc khi nhìn vào Chúa, điều đó phụ thuộc vào hình ảnh chúng ta có về Chúa. Và cũng phụ thuộc vào hình ảnh chúng ta có về chính mình. Carlo cho chúng ta thấy tấm lòng của một thiếu niên tự do, Carlo vẫn ngây thơ. Nhưng không thể luôn luôn theo cách này. Điều gì thay đổi cách nhìn của chúng ta về cuộc sống? Điều gì làm chúng ta bỏ chạy và lẩn trốn? Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của mình? Chúng ta buồn không phải vì chúng ta chỉ nhìn vào chính mình, chúng ta buồn vì không có gì và không một ai, từ Chúa đến ngọn cỏ cuối cùng đến con người, không có gì và dường như không ai có thể đến gần được hạnh phúc. Chúng ta không hạnh phúc vì chúng ta nhìn vào nội tâm và chúng ta lạc lối trong một cảm giác tội lỗi không thể vượt qua, vì chúng ta thấy chúng ta không có khả năng tha thứ, và thậm chí còn hơn thế nữa, vì khi chúng ta nhìn vào khuôn mặt của Thiên Chúa, chúng ta không nghĩ mình ở tầm cao của Ngài: tha thứ. Mọi thứ đều ở trước mắt, được viết trong sách Sáng Thế, và hình ảnh con người sợ hãi trước một Thiên Chúa, xuất hiện như một kẻ thù vẫn mãi mãi là dấu hiệu của mối nguy hiểm.
Chúng ta cần một cái nhìn khác, hướng về con người, kiên nhẫn, có khả năng nhìn thấy điều tốt, soi sáng cuộc đời mình. Chúng ta cần cái nhìn của một nhà tiên tri, người không sợ hãi, cái nhìn của người Liên minh trong Kinh thánh. Chúng ta cần cái nhìn của Chúa Kitô. Việc nhìn ngắm Thiên Chúa trở thành nguồn hạnh phúc khi chúng ta khám phá đứa trẻ hướng về chúng ta cũng chính là đứa trẻ đã xin Mẹ Maria và Thánh Giuse chăm sóc. Nhìn vào Thiên Chúa không còn đáng sợ nếu chính Chúa Kitô mời gọi chúng ta đến một cuộc sống mới bằng cách tách chúng ta ra khỏi cuộc sống thường ngày. Thiên Chúa không làm chúng ta sợ hãi khi chúng ta khám phá chính con mắt của người Nadarét đang theo dõi chúng ta. Nhìn vào Chúa không làm chúng ta sợ, thậm chí còn làm chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta nhận ra cái nhìn của Ngài chữa lành và tha thứ. Chúng ta không còn sợ hãi một khi nhận ra sự dịu dàng bao la của Chúa Giêsu, ngay cả khi bị bạn bè của Ngài phản bội. Chúng ta không còn sợ và chúng ta có được hạnh phúc khi chúng ta biết nhìn mình như Ngài nhìn chúng ta.
Carlo nói đúng, chỉ nhìn vào chính mình để hạnh phúc thôi thì chưa đủ, nhưng có lẽ cũng chưa đủ để đánh mất chính mình khi chiêm ngưỡng một cách trừu tượng về Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc khi học cách nhìn mình như Chúa Kitô trong Tin Mừng nhìn chúng ta. Một lời cầu nguyện tôi rất thích: “Chỉ có cái nhìn của Ngài mới có thể cho tôi biết tên tôi.” Đó là bản chất của hạnh phúc: một cái nhìn hướng về Chúa, không phải để đánh mất con người chúng ta mà là khám phá khuôn mặt chúng ta, như trong gương, để thấy đôi mắt ướt và cảm động của Đấng không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Nhưng chúng ta cần đôi mắt thật, những giọt nước mắt thật, và một cái nhìn thật sâu sắc. Chúng ta học cách để Chúa nhìn chúng ta bằng đôi mắt tin cậy yêu thương. Đó là đức tin. Có lẽ đây là điều gần nhất với ý tưởng về thiên đàng.
Marta An Nguyễn dịch