Carlo Acutis: Thánh công giáo đầu tiên của Thế hệ Y

63

Carlo Acutis: Thánh công giáo đầu tiên của Thế hệ Y

Giáo hội công giáo sẽ sớm có thánh đầu tiên của thế hệ thiên niên kỷ: Carlo Acutis có biệt danh là “thánh bảo trợ trang web”. Con đường truyền thống của bao nhiêu thế kỷ nay đang thay đổi.

nationalgeographic.fr, Amy McKeever, 2024-07-10

Ngày 1 tháng 7, Vatican đã phê chuẩn việc phong thánh cho thần đồng công nghệ trẻ Carlo Acutis qua đời năm 2006 lúc 15 tuổi. Với quyết định này, Chân phước Carlo Acutis là hình ảnh gương mẫu cho thế hệ trẻ công giáo và là thánh đầu tiên của thiên niên kỷ.

Trường Notre-Dame de la Galaure, ở Drôme trưng thánh tích của Chân phước Carlo Acutis trong nhà nguyện của Trường. Hình ảnh / Nicolas Guyonnet, Hans Lucas, Redux

Chân phước Carlo Acutis không phải là hình ảnh cổ điển của các thánh, ngày xưa đa số các thánh được phong thánh nhờ tử đạo. Carlo Acutis là thiên tài máy tính, kính mến Bí tích Thánh Thể, làm trang web với các phép lạ Thánh Thể, là hình ảnh thánh thiện của thời hiện đại.

Bà Kathleen Sprowls Cummings, giáo sư lịch sử tại Đại học Notre Dame, Indiana, tác giả quyển sách Thánh của thời chúng ta, giải thích: “Căn bản, phong thánh là nói lên sự thánh thiện. Khi ngày nay giới trẻ rời bỏ nhà thờ, không có gì tốt lành hơn là chúng ta có thánh đầu tiên cho thế hệ này. Một thánh trẻ giống họ. Nhưng ai có thể là thánh của thế kỷ 21?”

Ai có thể thành thánh?

Trong Giáo hội, phong thánh là chính thức công nhận người này ở trong sự hiện diện vĩnh cửu của Thiên Chúa, hoặc họ đã lên thiên đàng sau khi có cuộc sống đặc biệt thánh thiện đạo đức.

Các thánh không khác gì nhau trên thiên đàng. Danh hiệu này chỉ là cách tôn kính các thánh ở trần thế, chúng ta có những nhà thờ đặc biệt tôn kính một thánh đặc biệt nào đó.

Nhưng một người sống một cuộc đời đạo đức không nhất thiết họ sẽ được phong thánh. Việc phong thánh là một quá trình cam go và… có chiến lược.

Bất kỳ tín hữu kitô nào cũng có thể xin phong thánh cho người họ tôn kính, nhưng trước tiên họ phải thuyết phục Giám mục địa phương chấp nhận yêu cầu của họ. Muốn được phong thánh, ứng viên phải qua đời ít nhất 5 năm, dù Giáo hoàng có thể đưa ra một số trường hợp ngoại lệ.

Sau khi mở hồ sơ, các nhà điều tra địa phương sẽ xem xét kỹ các bài viết của ứng viên, phỏng vấn tất cả những ai biết ứng viên để chứng minh họ có các đức tính: đức tin, đức cậy, đức ái, công lý và lòng dũng cảm. Nếu họ có những đức tính này (được Giáo hoàng đồng ý) thì họ được tuyên bố là bậc “đáng kính”.

Đây là giai đoạn cần phép lạ. Giáo hội cần ít nhất có một phép lạ để được phong chân phước, khi đó Giáo hội địa phương được tôn kính chân phước, và nếu có phép lạ thứ hai xảy ra trong giai đoạn này, Giáo hội có thể chính thức phong thánh cho người đó.

Phép lạ trong thời đại khoa học là gì?

Sử gia và là nhà huyết học Jacalyn Duffin giải thích: “Ở thế kỷ 20, 99% phép lạ đều thuộc về y học”. Điều này được giải thích một phần vì các phép lạ này khó tranh cãi hơn, như phép lạ hóa bánh và cá trong Kinh Thánh.

Để chứng minh việc chữa lành nhờ phép lạ, Vatican thành lập một Ủy ban gồm các bác sĩ để đánh giá hồ sơ bệnh và chứng minh không có lời giải thích khoa học nào có thể giải thích việc chữa lành.

Điều khó chứng minh nhất là việc chữa lành này nhờ vào sự can thiệp thiêng liêng. Theo giáo sư Cummings: “Giáo hội có nhiều khả năng cho đó là phép lạ khi một chấn thương không có hy vọng chữa lành lại nhanh chóng lành lại. Để phép lạ được cho là nhờ cầu nguyện với vị thánh tương lai, đương sự phải thề họ chưa cầu nguyện với ai khác ngoài vị thánh này. Với tiến bộ khoa học, các phép lạ ngày càng khó chứng minh. Hơn nữa, trước đây phải có ít nhất bốn phép lạ mới được phong thánh, năm 1983 Đức Gioan-Phaolô II đã giảm con số này xuống một nửa.”

Vì sao gọi là thánh?

Phong thánh là một vinh dự hiếm khi được ban, vì rất khó để bộ máy giấy tờ của Vatican thông qua, chẳng hạn Vatican có thể vô hiệu hóa các phép lạ vì có sai sót trong hồ sơ đệ trình. Nhưng cũng liên quan đến các mối quan hệ và cách làm sao để Giáo hội luôn cập nhật.

Việc phong các thánh mới đóng góp rất nhiều trong việc tạo năng lực mới cho Giáo hội công giáo. Nghiên cứu này được các nhà nghiên cứu Robert Barro và Rachel McCleary của Đại học Harvard chứng minh trong quá trình phân tích năm 2016 về tất cả các vụ phong chân phước và phong thánh được công bố từ năm 1590 đến năm 2009. Họ phát hiện số lượng các thánh công giáo tăng lên khi số lượng người tin lành tăng lên trong một khu vực.

Các nhà nghiên cứu viết: “Kể từ đầu thế kỷ 20, việc phong thánh dường như là một phản ứng của Giáo hội công giáo với đạo tin lành và các Giáo hội tin lành”.

Vậy chúng ta có thể cho rằng việc phong thánh cho Chân phước Carlo Acutis cũng là chiến lược được dùng để quy tụ các thế hệ trẻ vào Giáo hội công giáo không?

“Tất nhiên,” giáo sư Kathleen Cummings giải thích: “Điều này không làm giảm đi sự thánh thiện của Chân phước Carlo Acutis, nhưng chúng ta hiểu quyết định này hơn, vì khoảng cách tuổi tác giữa các tín hữu bây giờ ngày càng tăng và Vatican muốn làm nổi bật việc phong thánh này khi quyết định sẽ phong thánh cho Chân phước Carlo Acutis vào Năm Thánh 2025, một ngày hành hương rất quan trọng, sẽ có hàng triệu người về Rôma trong dịp này.

Bà Cummings nhấn mạnh: “Hãy tưởng tượng số lượng các bạn trẻ dự lễ phong thánh. Một thông điệp rất mạnh!”

Marta An Nguyễn dịch