Thượng đế, một ý tưởng hay
philomag.com, 2012-11-29
Từ lâu người vô thần, người hữu thần đã bất đồng quan điểm với nhau về vấn đề Chúa có tồn tại hay không. Nhưng có lẽ đặt câu hỏi một cách khác sẽ tốt hơn, không phải câu hỏi liệu Chúa có tồn tại hay không, nhưng liệu tác động của ý tưởng này có lợi hay có hại.
Tin vào Chúa giúp chúng ta chúng ta được nâng đỡ khi đối diện với thử thách, tang tóc, cái chết, vạch ra ranh giới giữa thiện và ác, khuyến khích chúng ta phát huy các giá trị khác ngoài việc làm giàu cho mình. Nhưng mặt khác, ý tưởng về Chúa rất dễ bị lạm dụng. Trong lãnh vực chính trị, chúng ta thấy chủ nghĩa hồi giáo với Mùa xuân Ả Rập đã nuốt nền dân chủ đó sao? Trong các trường đại học, chúng ta không nên lo lắng về sự trở lại của các nhà sáng tạo và thần học, dưới lập luận hợp lý, họ đã dự vào cuộc đối thoại sai lầm với khoa học đó sao? Và từ quan điểm hiện sinh hơn, người có một ý tưởng về Chúa sẽ bị chủ nghĩa giáo điều đe dọa đó sao? Xét về mặt thực dụng hơn là siêu hình, chúng ta có thể nói câu hỏi về tác động cụ thể của ý tưởng về Chúa cũng gây tranh cãi như câu hỏi về sự tồn tại của Chúa.
Nếu Chúa không tồn tại, chúng ta sẽ phải phát minh ra Ngài.
Chính văn hào Pháp Voltaire đã nói câu này, như thể ông muốn đưa ra giải pháp cho một vấn đề rất cũ. Trên thực tế, trong nhiều thế kỷ, các nhà tư tưởng và thần học đã nỗ lực chứng minh sự tồn tại của Chúa. Họ mơ ước khám phá ra công thức dứt khoát có khả năng hoán cải những người hoài nghi. Vô ích. Chúng ta không thể đến gần Thiên Chúa với giác quan và lý trí. Thêm nữa, theo quan điểm của chính các tín hữu, nếu chúng ta chứng minh được sự tồn tại của Thiên Chúa thì đức tin sẽ mất ý nghĩa. Biết là đủ. Vì không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn và phổ quát về sự hiện hữu của Thiên Chúa, vừa tại sao chúng ta không thay đổi quan điểm của mình?
Đó là những gì Voltaire đề xuất. Cuối cùng, việc Chúa có thực sự tồn tại hay không không quan trọng nếu con người cần Ngài để sống. Với điều kiện là loại bỏ giáo điều, văn bản thiêng liêng, đẳng cấp linh mục và những điều mê tín là nguồn gốc của sự không khoan dung và bạo lực, những người theo chủ nghĩa thần luận kết luận “hệ thống cao siêu này là cần thiết”. Một thế kỷ sau, chúng ta có thể khẳng định với triết gia người Mỹ William James (1842-1910) rằng chúng ta phải (lại) đặt câu hỏi về Chúa từ một quan điểm hoàn toàn thực dụng. Chúng ta hãy ngừng hành hạ mình vì câu hỏi không thể quyết định được về sự tồn tại của Chúa, phải tự hỏi xem câu hỏi này được dùng để chúng ta tốt hơn, hạnh phúc hơn, hữu ích hơn cho người khác hay không. Triết gia James đề cao đức tin, không phải vì đức tin đặt chúng ta liên quan đến “một giáo điều tôn giáo thoát khỏi bằng chứng bên ngoài” nhưng đức tin là một trạng thái tinh thần “mà chúng ta bị cám dỗ đặt ra vì lợi ích tình cảm của mình” (The Will to Believe) . Giả thuyết về Chúa có giá trị nếu đức tin mang lại cho chúng ta lợi ích và góp phần cải thiện nhân loại. Ngoài ra, có phải chúng ta đã dành thì giờ để tin một cách khá hợp lý vào những hiện tượng mà chúng ta không chắc chắn đó sao? Mọi người, kể cả những người hoài nghi nhất trong chúng ta, đều tin rằng mọi nguyên nhân đều có kết quả, rằng ngày mai mặt trời sẽ mọc hoặc hành động của chúng ta đều có ý nghĩa. Triết gia James nhấn mạnh: “Chúng ta không thể sống hay suy nghĩ nếu không có một mức độ đức tin nào đó. Đức tin đồng nghĩa với một giả thuyết có hiệu quả. Sự khác biệt duy nhất tôi thấy là có một số giả thuyết bị bác bỏ trong năm phút và có những giả thuyết khác tồn tại bất chấp thời gian.” Chỉ có sự khác biệt về mức độ chứ không phải về bản chất giữa việc tin người phụ nữ bạn yêu sẽ yêu bạn và việc Chúa đã tạo ra chúng ta và tồn tại. Chúng ta nên giảm kịch tính hóa mối quan hệ với đức tin và xem đức tin hướng tới ý tưởng về Chúa này có thể mang lại cho chúng ta điều gì hữu ích.
Đầu tiên, ý tưởng về Chúa giúp chúng ta giải tỏa cơn khát siêu hình, trả lời cho những câu hỏi không thể trả lời như sự khởi đầu của sự vật, tính nhất quán và đích đến của chúng. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng rằng chuyển động của các sinh vật tự nhiên tồn tại mà không có động cơ đầu tiên, bản thân nó bất động? Làm sao chúng ta có thể không mơ về sự tồn tại của chúng ta và thế giới xung quanh chúng ta nếu không có người bảo đảm tối cao về tính thực tế và tính nhất quán của nó? Chúng ta gán ý nghĩa nào cho sự hỗn loạn của lịch sử? Vào những thời điểm khác nhau, các triết gia đã đưa ra những định nghĩa không đồng nhất về nó, viện dẫn ý tưởng về Chúa để trả lời những câu hỏi này và giúp chúng ta ngủ yên.
Có ai đó để nói chuyện
Thứ hai, Chúa có thể giúp chúng ta rất nhiều trong lãnh vực đạo đức. Việc quy chiếu vào quy luật có nguồn gốc siêu việt, chúng ta sẽ tránh được việc đặt câu hỏi không ngừng về định nghĩa thiện và ác. Nhưng trên hết, đời sống đạo đức, trong sự phức tạp của nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì ý tưởng về Chúa không chỉ tương ứng với một tập hợp các quy tắc vô hình. Khi con người được hình thành, một đối thoại được thành lập giữa con người và Chúa. William James đã viết: “Nhờ có Ngài, đại từ trung lập nhường chỗ cho đại từ riêng, đại từ đầu tiên trống rỗng và trơ lì, đại từ thứ hai sống hơn.” Chúng ta có một người để chúng ta hướng các nghi ngờ, lời cầu nguyện, lời tạ ơn, cả những hối tiếc, giận dữ của chúng ta. Dù chúng ta trải qua hoàn cảnh nào, hạnh phúc hay bi thảm, chúng ta có người đối thoại lý tưởng là Chúa. Tang tóc, cái chết gần kề, chuyện ngạc nhiên, chuyện ghê gớm, chuyện vui chuyện buồn trong cuộc sống, chúng ta có người để kể, mang lại cho đời sống chúng ta một ý nghĩa.
Thứ ba, ý tưởng về Chúa có thể là sự hướng dẫn hữu ích để hành động thành công. William James đưa ra ví dụ một người bị buộc phải nhảy một cú nhảy nguy hiểm giữa hai ngọn núi. Chỉ có hy vọng và tự tin mới truyền sức cho bắp thịt để hoàn thành điều mà nếu không có những cảm xúc chủ quan này, có lẽ không thể thực hiện được. Ông kết luận: “Đức tin là điều kiện cảnh báo thiết yếu để hiện thực hóa đối tượng của nó. Đức tin tạo một khẳng định riêng. Ngược lại, trong vũ trụ của người không có Chúa, kêu cầu về năng lượng đạo đức của chúng ta thiếu động lực cần thiết. Khuynh hướng sử dụng năng lượng này là một phần sâu sắc trong bản chất khả năng con người, đến nỗi dù chúng ta không có lý do siêu hình hay truyền thống nào để tin vào sự tồn tại của Chúa, chúng ta sẽ chỉ đơn giản đưa ra lý do để có lý do sống trong can đảm.”
“Chúng ta không thể sống hay suy nghĩ nếu không có một mức độ đức tin nào đó” William James
Có lẽ vấn đề nằm ở đây. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dùng ý tưởng về Chúa theo cách này? Trong lãnh vực siêu hình, điều này có thể bảo đảm cho chủ nghĩa giáo điều toàn diện nhất. Chỉ cần nghĩ đến sự tấn công của những người theo chủ nghĩa sáng tạo, kẻ thù của thuyết tiến hóa, là đủ để hiểu rằng chúng ta có thể biến ý tưởng về Chúa thành vũ khí tư tưởng chống lại tính hiện đại và nghiên cứu khoa học. Trong lãnh vực đạo đức, có nguy cơ lớn khi sử dụng ý tưởng về Chúa một cách riêng tư và huyền ảo.
Khi chúng ta gán cho Ngài vai trò người bạn tâm giao riêng tư, người an ủi tối cao, cuộc đối thoại với Thiên Chúa có nguy cơ thay thế cuộc đối thoại với người khác và đối diện với thực tế. Cuối cùng, cảm giác nhiệt tình mà ý tưởng về Chúa mang lại có thể biến thành chủ nghĩa bè phái. Về cơ bản, giải pháp của Voltaire là trừu tượng hóa ý tưởng về Chúa khỏi nền tảng văn hóa của nó – đó là những câu chuyện sáng lập, tranh chấp thần học, nghi lễ và giáo điều – không loại bỏ bất kỳ rủi ro cố hữu nào theo truyền thống gắn liền với đời sống tôn giáo. Ngược lại, nó mở ra một lãnh vực vô tận. Họ có thể là người theo chủ nghĩa thần linh ảo tưởng hoặc người theo chủ nghĩa cuồng tín.
Ý tưởng về Chúa thực sự đóng vai trò của một thuốc bổ, kéo chúng ta ra khỏi cách giải thích theo chiều ngang và hạn chế về các hiện tượng, nó ra lệnh cho những ai tham gia vào phải vượt ra ngoài nó. Điều này có thể mang lại niềm vui, sức mạnh và sự quan tâm đến người khác. Nó cũng có thể dẫn đến việc người khác từ chối và đánh mất thực tại. Chính vì lý do này mà các tôn giáo, khi bản thân không rơi vào tình trạng không khoan dung, đã bao quanh ý tưởng về Chúa bằng những dàn xếp, giải thích, nghi lễ, tạo nhiều bộ lọc giữa ý tưởng về Chúa và chúng ta. Trong mọi trường hợp, ý tưởng hay này – đôi khi có thể trở nên rất xấu – cần được xử lý một cách thận trọng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Người vô thần Richard Dawkins tự cho mình là “tín hữu kitô có văn hóa”