Hồng y Timothy Radcliffe: soạn thảo văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng

79

Hồng y Timothy Radcliffe: soạn thảo văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng

vaticannews.va, 2024-10-21

Suy gẫm về quá trình soạn thảo văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng, Hồng y Timothy Radcliffe xin các nghị phụ nghị mẫu “phát biểu tự do như những đứa con tự do của Chúa”

 Bài suy niệm của Linh mục Timothy Radcliffe, O.P.

Thứ hai 21 tháng 10-2024

Chúng ta sắp bắt tay vào nhiệm vụ cuối cùng, nghiên cứu văn kiện cuối cùng, sửa đổi, bỏ phiếu cho văn kiện đó. Hôm nay, chúng ta chuẩn bị để thực hiện trách nhiệm nặng nề này. Chúng ta sẽ làm như thế nào?

Với sự tự do! Thánh Phaolô đã viết tín hữu Galát: “Vì tự do, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta.” (5.1). Sứ mệnh của chúng ta là rao giảng và hiện thân cho tự do này. Tự do là vòng xoắn kép DNA kitô giáo. Trước hết, đó là quyền tự do nói lên điều mình tin và lắng nghe nhưng không sợ những gì người khác nói trong tôn trọng lẫn nhau. Đó là quyền tự do của con cái Chúa để can đảm mạnh dạn nói (Sách Công vụ 4.29), như các tông đồ đã mạnh dạn tuyên bố tin mừng về Chúa sống lại tại Giêrusalem. Nhờ quyền tự do này, mỗi chúng ta có thể nói “Tôi”. Chúng ta không được im lặng.

Quyền tự do này bắt nguồn từ một quyền tự do sâu sắc hơn, quyền tự do nội tâm của trái tim khi chúng ta khám phá ra những quyết định được đưa ra. Chúng ta có thể thất vọng với các quyết định của Thượng Hội đồng. Một số người trong chúng ta sẽ xem những quyết định này là thiếu sáng suốt, thậm chí sai lầm. Nhưng chúng ta có quyền tự do của những người tin rằng, như Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu thành Rôma: “Thiên Chúa làm mọi sự vì lợi ích của những người yêu mến Ngài” (Rm 8.28) và cuối cùng, chúng ta có thể bình an vì ‘không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa’ dù chúng ta bất tài, dù chúng ta sai lầm”. Chỉ như thế, chúng ta mới có được tự do đầu tiên, tự do để chúng ta có thể nói “tôi”, với tự do lớn hơn làm chúng ta “thuộc về Giáo hội và nói ‘chúng tôi’”.

“Ân sủng hoàn thiện bản chất chứ không hủy bản chất”

Như Thánh Tôma Aquinô đã dạy, “ân sủng hoàn thiện bản chất chứ không hủy diệt bản chất”. Vì vậy việc tin vào Chúa Thánh Thần không miễn cho chúng ta việc dùng trí óc mình để đi tìm sự thật. Ngược lại, sẽ là một xúc phạm đến Chúa Thánh Thần nếu chúng ta không suy nghĩ về các quyết định và không bỏ phiếu. Hồng y trích dẫn Thánh Thôma More, trong tác phẩm “Người đàn ông cho mọi mùa” đã xin con gái Meg của ngài tôn vinh khả năng suy nghĩ Chúa đã ban cho chúng ta: “Meg, con nghe đây, Chúa đã tạo ra các thiên thần để chúng ta thấy sự huy hoàng của Ngài, như Ngài tạo dựng các con vật vì sự ngây thơ của chúng, thực vật vì sự đơn giản của chúng. Nhưng Ngài tạo dựng con người để phục vụ Ngài bằng tinh thần (trí tuệ) trong sự vướng mắc tinh thần của con người.

Kinh nghiệm của thần học gia Yves Congar

Ngay cả Hồng y thần học gia Công đồng Yves Congar, vào giữa những năm 1950 đã bị “Rôma bắt im lặng” và không cho giảng dạy, “giữa cuộc khủng hoảng này, đã viết trong nhật ký của ngài, phản ứng duy nhất với cuộc đàn áp này là để “nói sự thật.” Với sự thận trọng, không có những vụ tai tiếng khiêu khích và không cần thiết. Nhưng phải duy trì – và ngày càng phải là – nhân chứng đích thực và thuần khiết cho những gì là sự thật. Hồng y Radcliffe nói thêm: “Chúng ta không được sợ bất đồng, vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động trên đó.”

Chúa quan phòng làm việc

Do đó, chúng ta có quyền tự do “nghĩ, nói và nghe mà không sợ. Nhưng cũng chẳng là gì nếu chúng ta không có được tự do của người tin “Thiên Chúa làm mọi sự vì lợi ích của những ai yêu mến Ngài”. Vì thế chúng ta có thể yên tâm trước bất kỳ kết quả nào, vì “sự quan phòng của Chúa rất nhân từ, âm thầm hành động ngay cả khi mọi thứ dường như không ổn”. Hồng y tiếp tục nhấn mạnh rằng “quan phòng đã được đan xen vào lịch sử cứu rỗi của chúng ta ngay từ đầu,” khi “ông Adong bà Evà sa ngã, nhờ ân sủng Chúa, ‘felix culpa’ dẫn đến nhập thể và cái chết của Chúa trên thập giá dẫn đến sự chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết”.

Vì vậy, “ngay cả khi chúng ta thất vọng về kết quả của Thượng Hội đồng, thì sự quan phòng của Thiên Chúa vẫn hoạt động trong Thượng Hội đồng dẫn chúng ta đến Vương quốc theo những cách mà chỉ có Thiên Chúa mới biết. Ý Chúa vì lợi ích của chúng ta không thể bị thất vọng.” Hơn nữa, “đó chỉ là một  thượng hội đồng. Sẽ có những thượng hội đồng khác. Chúng ta không thể làm tất cả nhưng chỉ cố gắng làm bước tiếp theo”. Như Thánh Têrêxa Avila đã dạy: “Chính chúng ta là người bắt đầu công việc, những người đi sau tiếp tục bước đầu này. làm sao chúng ta biết”.

Henri de Lubac: “Đừng xem mình là chuẩn mực nhập thể của chính thống”

Hồng y Dòng Tên Henri de Lubac cũng đã chịu “bách hại trước Công đồng” và giữa nỗi đau khổ này, ngài đã viết Bài Suy niệm về Giáo hội, “một bài thánh ca tình yêu” an ủi những người bị bách hại: “Không mất kiên nhẫn, cố gắng duy trì hòa bình, và về phần mình, cố gắng nhiều để thực hiện điều khó khăn: giữ tâm trí cao hơn những ý tưởng của chính mình.” Ngài trau dồi “loại tự do này để chúng ta vượt qua những gì nhấn chúng ta xuống một cách tàn nhẫn nhất…”. Ngài tránh “sự tự đủ khủng khiếp có thể làm cho mình là chuẩn mực nhập thể của chính thống, vì sẽ đặt trên hết “mối liên kết bất khả phân ly của hòa bình công giáo” (trích Thánh Cyprian)…”.

Là con cái tự do của Chúa, hãy nói “tôi” cùng lúc với “chúng tôi”

Vì vậy, “nếu chúng ta chỉ có quyền tự do tranh luận quan điểm của mình, chúng ta sẽ bị thói kiêu ngạo cám dỗ và cuối cùng chúng ta sẽ đánh trống hệ tư tưởng, bên tả hay bên hữu”. Mặt khác, “nếu chúng ta chỉ có tự do của những người tin vào Chúa quan phòng nhưng chúng ta không dám tranh luận với những xác tín của mình, thì chúng ta sẽ vô trách nhiệm và chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành”. Hồng y Radcliffe kết luận: “Sự tự do của Thiên Chúa tác động ở trung tâm sự tự do của chúng ta, sôi sục trong chúng ta. Nó càng thực sự đến từ Thiên Chúa thì nó càng thực sự là của chúng ta. Và với tư cách là con cái tự do của Thiên Chúa, chúng ta có thể nói ‘tôi’ và đồng thời ‘chúng tôi’”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch