Chân phước Carlo Acutis: Yêu

49

Chân phước Carlo Acutis: Yêu

Trích sách “Carlo Acutis, các trực giác thiêng liêng”. Carlo Acutis, Ses intuitions spirituelles. Tác giả: Alessandro Deho’, nhà xuất bản: Salvator

 

“Một cuộc sống thực sự tươi đẹp chỉ khi chúng ta biết yêu Chúa trên hết và yêu người như mình vậy.”

Carlo không thêm không bớt gì lời của Tin Mừng. Carlo chỉ để lời của Tin Mừng vào hai ngoặc kép và xem Lời Chúa là của riêng mình. Ở tuổi 15, điều này được phép làm. Nhưng lớn lên, chúng ta thận trọng hơn, có lẽ là quá thận trọng, và đây là cách chúng ta bắt đầu nói “cuộc sống thật đẹp nếu như Tin Mừng nói”, chúng ta biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình vậy. Chúng ta tránh xa Lời Chúa. Chúng ta nói “như Tin Mừng nói”: chúng ta tự bảo vệ mình, chúng ta giữ một chút

khoảng cách vì sự tầm thường của chúng ta làm chúng ta thận trọng. Carlo không nói “như Tin Mừng nói”, nhưng Carlo trở nên như Tin Mừng, làm một với Tin Mừng. Và tôi không biết liệu đây có phải lời của một cậu bé 15 tuổi hay không (có lẽ khi Carlo nói những lời này khi chưa đến  tuổi 15), tôi thực sự không biết, nhưng tôi tin vào Lời Chúa của Carlo là lời cảnh báo cho mỗi chúng ta, vừa mang tính tiên tri vừa đáng lo ngại.

Có tính tiên tri, vì các tiên tri nói chúng ta sẽ ghi nhớ không phải lời nhận xét của chúng ta về Tin Mừng, dù Lời Chúa có thể soi sáng đến đâu, nhưng là những khoảnh khắc ngắn ngủi trong đó Lời Chúa nói đã nên xác phàm, cuộc sống chúng ta đã thành Tin Mừng. Các chú giải, các lời bình kể cả những điều quý vị đang đọc chỉ nhằm mục đích cày xới, chuẩn bị cho Lời đến, nhưng sự thật là Ngôi Lời nhập thể. Khi trở nên một với Tin Mừng, Carlo nhắc chúng ta, nói về tình yêu thôi chưa đủ, chúng ta phải trở thành Tình yêu. Và câu này phức tạp đến mức, câu này thành câu tiên tri nên khó nghe và vì thế đáng lo ngại. Ở tuổi 30, Carlo có thể đã xóa không chỉ dấu ngoặc kép mà xóa luôn cả câu. Tôi tưởng tượng sự khôn ngoan của một người, vào một lúc nào đó, thậm chí không còn cần phải tuyên bố tình yêu phải là ưu tiên hàng đầu, bởi vì họ ở trong tình yêu, tình yêu làm sinh động mọi thứ kể cả trong thinh lặng.

Tôi nghĩ đến Chúa Kitô trên Thập Giá, tôi nghĩ đến những lời của Ngài, tôi nghĩ đến một cuộc sống ngày qua ngày để Ngôi Lời trở nên xác thịt. Tôi nghĩ đến sự thinh lặng trên đồi Canvê và tôi tin việc nhập thể không chỉ diễn ra vào ngày Giáng sinh, nhưng theo một tiến trình chậm rãi, đều đặn và nhẹ nhàng, giống như men làm bột nổi lên. Ngôi Lời dần dần biến mất nhường chỗ cho xác phàm, che giấu trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa. Tôi nhìn người bệnh khi họ dần dần khép mình vào thinh lặng, tôi nhìn các cơ thể bị bệnh tật hành hạ, những bộ xương bọc da bị hóa trị đốt cháy. Tôi thấy đôi mắt mở to như muốn bám vào một Chúa mà họ không còn nhìn thấy nữa. Tôi thấy những cuộc đời rơi vào im lặng, nhưng đôi khi tôi cảm nhận được một giai điệu thần thánh nói về một Tình yêu trên hết, ngay cả trên và trong những thân xác không còn thở đều. Mọi lời nói đều vô dụng, chỉ có dấu vết kín đáo về sự hiện diện của Ngài mới quan trọng.

Ở tuổi 15, khi chúng ta đang yêu đời, chúng ta có thể và chúng ta phải nói về tình yêu mà không xấu hổ. Ở tuổi 15, chúng ta yêu và chúng ta tự hứa với chính mình và với cả thế giới, không một chút nghi ngờ rằng chúng ta sẽ luôn chung thủy với tình yêu này. Sau đó, khi lớn lên, chúng ta tạo một khoảng cách an toàn giữa mình và người khác. Từ 15 tuổi, như một tiên tri, Carlo cảnh báo chúng ta. Carlo xin chúng ta đừng quên chúng ta đã tin vào tình yêu đến mức chúng ta còn dám thề, một cách dịu dàng. Chúng ta không thể già đi mà quên tuổi 15, như thế thì thật quá buồn. Tình yêu của Tin Mừng làm cho con người chấp nhận rủi ro yêu thương, để không phản bội sự sống và cái chết, để không bao giờ có đủ can đảm bỏ đi. Yêu không chỉ lý tưởng của tình yêu, nhưng cả cuộc sống hiện thực, khám phá tình yêu không phải là mục tiêu cần đạt được, nhưng là ngưỡng cửa phải vượt qua. Yêu là phiêu lưu và lạc lối.

 Yêu là có cuộc sống phong phú, cuộc sống trôi đi, lạc vào muôn ngàn sắc thái làm chúng ta mất kiểm soát. Yêu là rời khỏi nơi an toàn, là mất ngủ, những người yêu nhau biết rõ điều này. Yêu là mất mặt, giống như Chúa Giêsu… Mất mặt của một Thiên Chúa toàn năng, không động lòng, rất thân thương với con người, nhưng lại xa sự thật. Một Thiên Chúa xa xôi và khó gần, một thẩm phán hoàn hảo, không thể lay chuyển, bị một nhóm tín hữu khao khát quyền lực và kiểm soát thích. Hãy mất mặt để không đánh mất những gì Chúa Cha đã ban cho. Với giá của Thập Giá.

“Yêu Chúa trên hết mọi sự”: chúng ta nên để cậu bé 15 tuổi này sống trong chúng ta, sẵn sàng tái khẳng định tính tận căn của câu nói này. Hãy nhớ cậu bé 15 tuổi này để hiểu ưu việt này không phải là thứ trật nhưng là một may mắn lớn lao. Thiên Chúa thực sự vượt trên mọi sự, đó là sự thoa dịu của Chúa trên trán mỗi người, trên mọi động vật, thực vật hay đồ vật… Thiên Chúa vượt trên mọi sự, giống như những tia lửa nhỏ được tạo nên, yêu thích từng sáng tạo của mình. Cuộc sống không phải là cuộc chạy đua, nhưng là kết thúc cuộc chạy đua và bảng xếp hạng.

Chúa ở trên tất cả mọi sự, cũng ở trên tội lỗi của tôi, những khốn cùng của thế giới này dường như đã mất đi một chút. Chúa như sương trên đồng cỏ, như nụ hôn của người mẹ trên trán con mình. Chúa đặt tay lên hai bàn tay của hai người yêu nhau, nhưng cũng đặt tay lên tay của kẻ sát nhân, Ngài chào đón nạn nhân và thuyết phục thủ phạm, rằng tội ác có thể được tha thứ. Chúa đứng trên cảnh hoàng hôn huy hoàng và trên các  tế bào ung thư đang đe dọa sự sống nhưng không thể, thực sự không thể tiêu diệt nó. Trên giọt nước mắt, nụ cười, sự im lặng vượt lên tất cả. Vì Thiên Chúa yêu thương, chúc lành và thánh hóa mọi sự.

Tình yêu trở nên khả thi vì chúng ta luôn có “người anh em” để yêu thương: người luôn sát cánh với chúng ta, thậm chí là kẻ thù, nhưng không phải là trở ngại cho tự do của chúng ta, không phải là người anh em lý tưởng đang chờ đợi tình yêu của chúng ta với lòng nhân từ, nhưng chỉ là một “người anh em”. Người kia này, đơn giản làm cho ước muốn tình yêu của chúng ta trở nên mong manh và cụ thể hơn, làm cho cuộc sống trở nên khả thi, ngăn chúng ta nương náu trong một thứ chủ nghĩa đa cảm mơ hồ của một chủ nghĩa tâm linh nào đó đang không ngừng trỗi dậy. Vì người kia có thể từ chối chúng ta, có thể hiểu lầm chúng ta, vì họ thích yêu hơn được yêu, vì người kia vẫn là một điều bí ẩn, vì họ đòi hỏi kiên nhẫn và chú ý. Vì chúng ta cũng là “người anh em” của ai đó nhưng chúng ta thường quên điều này. Yêu người anh em là tạo chất liệu cho từ “tình yêu”, một từ đơn giản không thể tồn tại nếu không có một cơ thể để biết hoặc nhận ra, để hỗ trợ, để bảo vệ. Tình yêu không tồn tại, chỉ có người khác tồn tại, và cảm thấy họ gần gũi với chính mình, có nghĩa họ gắn liền với số phận của mình, là biết xây dựng một không gian cho tin tưởng. Đức tin như sợi dây ràng buộc để tôi có trách nhiệm với những gì sống trong ngôi vườn nhỏ mà tôi được kêu gọi làm người bảo vệ.

Yêu người anh em là có can đảm trưởng thành, là hiểu không thể có “người anh em” có nghĩa là “người sống”, chỉ khi tôi biết yêu thụ tạo mà không khai thác, nếu tôi có khả năng bỏ lại phía sau một ngôi vườn chứ không phải sa mạc. Yêu người anh em là nghĩ đến họ bây giờ và luôn luôn, đến những gì sẽ xảy ra sau này, đến những người chúng ta không quen biết nhưng sẽ có thể mở mắt cho chúng ta để chúng ta nhìn thế giới, nếu chúng ta có được cái nhìn tiên tri từ cha mẹ, nếu chúng ta tin vào con người. Chúng ta sống vì có ai đó đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta được sinh ra. “Hãy yêu chính mình”: Carlo, người đã can đảm trở thành Tin Mừng, nhắc chúng ta tình yêu không phải là điều để nói, mà là điều để cầu xin, vì yêu thương cũng là yêu chính mình, là nhận ra mình cần nhu cầu yêu thương. Vì tình yêu là hành trình trong trái tim người anh em cũng như trong chính trái tim chúng ta, tình yêu là một cơ thể cần được vuốt ve và chúng ta cũng là một cơ thể cần được chú ý. Tình yêu là những lời nói để lắng nghe, là mùi hương để ngửi, là hương vị của một nụ hôn, là cái nhìn để cầu xin, và chúng ta là tất cả những thứ đó, chúng ta là nhu cầu sống. Chúng ta là những người ăn xin tình yêu. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, việc xây dựng bản sắc cá nhân của chúng ta, phụ thuộc vào phẩm chất của các mối quan hệ của chúng ta, vào cách chúng ta học cách nhận biết nhau qua năm giác quan. Còn lại là những lời trống rỗng chỉ làm chúng ta bối rối. Yêu mình là biết tìm thấy trong mọi sự mầu nhiệm của Tình Yêu này, niềm hy vọng duy nhất, hơi thở thực sự của tạo hóa. Đó là Sự sống trong mọi ánh nhìn.

Carlo, khi lấy đoạn Tin Mừng này thành của riêng mình, trong đó Chúa Giêsu tạo mối dây yêu thương giữa Thiên Chúa, người khác và chúng ta, nhắc chúng ta bước lớn đầu tiên của đức tin là chúng ta phải có khả năng trao thân xác cho thân xác. Hãy ngừng nói và để cho đôi tay bắt đầu vuốt ve trở lại, không níu kéo, hôn nhưng không ngấu nghiến, mắt nhìn không lên án, tai  nghe mà không khinh miệt, mũi tìm lại hương thơm của thiên nhiên và nhân loại. Yêu là tin tưởng, là thức tỉnh với hiện tại trong sự tầm thường phức tạp của nó.

Đón nhận với tất cả con người chúng ta khoảnh khắc hiện tại, cuộc sống thực sự trong mọi biểu hiện của nó. Mọi thứ đến với chúng ta luôn là lời kêu gọi tự do. Tôi tin, Tin Mừng trước hết xin chúng ta dừng lại, ngừng xây dựng những thánh đường lý thuyết để nhốt Thiên Chúa và anh em chúng ta. Tin Mừng xin chúng ta dừng lại, lắng nghe những gì đang tồn tại và để Thiên Chúa đến gần chúng ta, tìm kiếm chúng ta. Chúng ta sẽ chỉ đáng tin cậy nếu chúng ta có can đảm “bỏ dấu ngoặc kép” khỏi Tin Mừng để biến nó thành của mình như Carlo đã làm, để cơ thể chúng ta hát lên bài ca tình yêu.

Marta An Nguyễn dịch

Lời cầu nguyện xin Chân phước Carlo Acutis cầu bàu