Tổng thống Zelensky tìm sự giúp đỡ của Vatican để giải thoát con tin Ukraine ở Nga
Cuộc gặp ngày thứ sáu 11 tháng 10 là cuộc gặp thứ tư giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Đức Phanxicô | © Truyền thông Vatican
cath.ch, I.Media, 2024-10-11
Sáng thứ sáu 11 tháng 10, Đức Phanxicô tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây là lần thứ tư Đức Phanxicô gặp Tổng thống Zelensky, quan hệ có vẻ xa cách kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022.
Tổng thống Zelensky đến Vatican lúc 9:35 sáng với 30 xe hộ tống và một trực thăng ở vị trí tĩnh trên bầu trời Rôma để đảm bảo an ninh. Buổi tiếp kiến dài 35 phút.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Phanxicô đã nói về hòa bình và quan tâm của ngài với những em bé đã mất nụ cười trong chiến tranh. Ngoài các văn bản về hòa bình, ngài tặng Tổng thống Ukraine một tác phẩm bằng đồng có tựa đề “Hòa bình là một bông hoa mong manh”.
Tổng thống Zelensky mặc quân phục truyền thống với tư cách là người đứng đầu quân đội của một quốc gia đang có chiến tranh, ông tặng Đức Phanxicô bức tranh “Vụ thảm sát Boutcha”. Tác phẩm này liên quan đến vụ thảm sát 637 thường dân do quân đội Nga gây ra tháng 3 năm 2022 tại thị trấn nằm phía tây bắc Kiev.
Bức tranh “Vụ thảm sát Boutcha” là bức tranh ghi lại 637 nạn nhân bị quân đội Nga tàn sát trong thời gian họ chiếm đóng thành phố | DR
Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Ukraine giải thích: “Vấn đề người dân bị giam cầm của chúng tôi được về nhà là vấn đề trọng tâm của tôi khi tôi nói chuyện với Đức Phanxicô. Chúng tôi trông cậy vào sự giúp đỡ của Tòa thánh để người dân bị Nga bắt làm tù binh được về nhà. Vấn đề này quá đau đớn cho người dân Ukraine.”
Lo ngại cho tự do tôn giáo ở Ukraine
Sau đó, tổng thống Zelensky nói chuyện với hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, ngài đã đi Ukraine mùa hè vừa qua. Trong một thông cáo báo chí ngắn gọn, Hồng y cho biết buổi gặp ngày 11 tháng 10 nói về “tình trạng chiến tranh và tình hình nhân đạo ở Ukraine, các cách thức có thể chấm dứt để có một hòa bình công bằng và ổn định cho đất nước. Một số câu hỏi liên quan đến đời sống tôn giáo cũng đã được đề cập đến. Đề cập này có thể liên quan đến luật cấm Giáo hội Chính thống liên kết với Tòa Thượng phụ Moscow, một thái độ bị Tòa thánh cho là xâm phạm đến tự do tôn giáo.
Tổng thống Zelensky nói chuyện với hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin
Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 25 tháng 8, Đức Phanxicô lên tiếng: “Xin đừng trực tiếp hoặc gián tiếp bãi bỏ bất kỳ Giáo hội Kitô giáo nào! Chúng ta không chạm vào các Giáo hội!”, vài ngày sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Ukraine về một đạo luật bắt buộc các giáo xứ của Giáo hội Chính thống còn liên kết với Thượng phụ Matxcơva phải tìm một liên kết khác trong vòng chín tháng.
Mối quan hệ tương phản giữa Ukraine và Tòa Thánh
Cuộc gặp ngày 11 tháng 10 năm 2024 là cuộc gặp thứ tư giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Giáo hoàng Phanxicô. Được bầu năm 2019, Tổng thống Ukraina đã đi Vatican lần đầu ngày 8 tháng 2 năm 2020, ngay trước thời điểm bị cách ly vì Covid-19.
Sau khi tạm ngừng đi gần một năm sau cuộc tấn công của Nga ngày 24 tháng 2 năm 2022, Tổng thống Zelensky đã được Đức Phanxicô tiếp ngày 13 tháng 5 năm 2023, trong buổi tiếp kiến này, hai nhà lãnh đạo đồng ý về “sự cần thiết phải tiếp tục những nỗ lực nhân đạo để giúp đỡ người dân”.
Được chương trình truyền hình Ý RAI phỏng vấn tối hôm đó, Tổng thống Ukraine bác bỏ ý tưởng hòa giải của Tòa Thánh, nhấn mạnh kế hoạch hòa bình phải đến từ chính người Ukraine.
Cuộc gặp cuối cùng của tổng thống Zelensky và Đức Phanxicô là ngày 14 tháng 6 vừa qua tại Bari, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 do Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tổ chức. Cuộc gặp chỉ kéo dài vài phút. Sau đó Tổng thống cám ơn Đức Phanxicô về “lời cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và cam kết nhân đạo của ngài với người dân của mình”.
Mối quan hệ giữa Ukraine và Tòa Thánh qua nhiều giai đoạn khủng hoảng và tranh cãi, do đường lối muốn mở con đường liên lạc với Nga. Từ năm 2023, cuộc hòa giải được Hồng y Matteo Zuppi đảm nhiệm, ngài đã đi Kiev, Matxcơva, Washington và Bắc Kinh để giúp giải phóng con tin và tù nhân, được chính phủ Ukraine đánh giá cao.
Sau khi trao trả mười tù nhân – trong đó có hai linh mục công giáo – tháng 6 vừa qua, tổng thống Zelensky đã cám ơn Vatican trong vai trò trung gian này.
Một hồng y Ukraine
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày 6 tháng 10, Đức Phanxicô phong Giám mục Mykola Bychok giáo phận Melbourne của người Ukraine (Úc) làm hồng y, nhưng không phong Giám mục Sviatoslav Shevchuk đứng đầu Giáo hội công giáo hy lạp. Lựa chọn này được giải thích là do Đức Phanxicô không muốn đụng chạm trực tiếp với Matxcơva, nhưng cũng do lo ngại về sự cân bằng nội bộ với người công giáo la-tinh ở Ukraine, một nhóm thiểu số so với người công giáo hy lạp.
Hợp tác với Ý
Chuyến đi của tổng thống Zelensky đến Rôma cũng nhằm mục đích tăng cường hợp tác với chính phủ Ý. Tổng thống được Thủ tướng Giorgia Meloni tiếp tối thứ năm 10 tháng 10. Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter, Tổng thống giải thích ông muốn “củng cố vị thế và quan hệ của Ukraine với các đối tác thân cận nhất, đảm bảo các điều kiện cần thiết và bầu khí công bằng cho một hoạt động ngoại giao trung thực”.
Đề cập đến sự hỗ trợ của chính phủ Meloni về mặt quân sự và kinh tế, tổng thống Zelensky hoan nghênh việc tổ chức hội nghị tiếp theo về phục hồi Ukraine sẽ được tổ chức tại Ý vào năm 2025, sẽ có 77 quốc gia và gần 500 công ty tham dự. Tổng thống Ukraine phát biểu: “Thật quý giá khi chúng tôi có những người bạn đáng tin cậy như vậy”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch