Sau những lời của Giáo hoàng, chúng ta có nên “chôn” chức phó tế nữ không?

59

Sau những lời của Giáo hoàng, chúng ta có nên “chôn” chức phó tế nữ không?

cath.ch, Raphael Zbinden, 2024-05-23

Trước nhà báo Norah O’Donell (CBS), Đức Phanxicô khẳng định từ chối chức phó tế nữ | Ảnh chụp màn hình CBS

Trong một phỏng vấn gần đây với đài truyền hình Mỹ CBS, Đức Phanxicô dường như loại trừ khả năng cho phụ nữ làm phó tế. Đã có nhiều phản ứng, một số Thượng Hội đồng Quốc gia nhấn mạnh điểm này trong phiên họp tháng 10 tại Rôma.

“Không,” Đức Phanxicô đơn giản trả lời. Trong một phỏng vấn ngày 24 tháng 4 năm 2024, phát sóng vào ngày 21 tháng 5, nhà báo Mỹ Norah O’Donnell hỏi: “Liệu một bé gái công giáo ngày nay khi lớn lên sẽ có thể làm phó tế và là thành viên giáo sĩ trong Giáo hội không?” Đức Phanxicô nói rõ: “Không, nếu đó là  phó tế với chức thánh thì không (…) Nhưng phụ nữ luôn có chức năng phó tế, phụ nữ luôn phục vụ tốt đẹp trong tư cách là phụ nữ chứ không phải trong tư cách là thừa tác viên của một thứ trật thiêng liêng.”

Một gáo nước lạnh?

Nhiều người công giáo đã phản ứng mạnh, nhất là phụ nữ, họ đặt nhiều hy vọng vào cải cách này. Bà Marie-Christine Conrath, thành viên của Mạng lưới Phụ nữ trong Giáo hội, ở Thụy Sĩ vùng tiếng Pháp nói với trang Công giáo Thụy sĩ: “Tôi buồn và tức giận, đó là một thất vọng lớn lao, một lần nữa chúng tôi thấy mức độ phụ nữ không được thừa nhận trong Giáo hội lớn đến như thế nào. Khi nào Giáo hội sẽ tỉnh thức?”

Lời của Đức Phanxicô càng gây sốc hơn khi có nhiều tin đồn cho rằng ngài sẽ thuận với chức phó tế nữ. Nữ tu Linda Pocher, một trong những cố vấn chính của ngài về chủ đề này cho biết “ngài ưu ái với chức phó tế nữ”.

Bà Marie-Christine Conrath, thành viên của Mạng lưới Phụ nữ trong Giáo hội | © Bernard Hallet

Nhưng sau khi nghe kỹ cuộc phỏng vấn, các nhà quan sát thấy Đức Phanxicô không loại trừ khả năng này, nếu đó không phải là  “truyền chức”, là đưa phụ nữ vào thể chế. Một bước đi không làm hài lòng cho những ai muốn có một vị trí công bằng cho phụ nữ trong Giáo hội. Bà Marie-Christine Conrath bảo đảm: “Nếu sự phát triển một tổ chức dành cho phụ nữ được xác nhận, chúng tôi sẽ chấp nhận vì chắc chắn mọi thứ đang tiến triển theo từng bước nhỏ”. Nhưng đây là những bước chậm. Các nhà lãnh đạo Giáo hội không nhận ra vai trò “hạng hai” mà họ dành cho phụ nữ đã gây tổn thương cho phụ nữ đến như thế nào. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi chỉ có thể im lặng, phục tùng, dù chúng tôi đã làm rất nhiều việc.”

Không “gia ân” cho chức phó tế nữ 

Bà Claire Jonard, điều phối viên tại Thượng Hội đồng tháng 10 năm 2023 nghĩ rằng Đức Phanxicô đã có thể vạch ra một “con đường thứ ba” cho chức phó tế nữ, không cần phải chịu chức: “Vấn đề về chức phó tế nữ đã có trong các báo cáo của Hội đồng Giám mục của nhiều quốc gia gởi về Rôma. Trường hợp Thụy Sĩ, tài liệu này kêu gọi đừng bằng lòng chức phó tế ‘gia ân’.” Trong bối cảnh Thụy Sĩ, một hình thức đặc biệt của chức phó tế ‘dành cho phụ nữ’ sẽ bị cho là chuyện xuống cấp phụ nữ như việc phân cấp chức phó tế liên quan đến thừa tác vụ chịu chức” (thư gởi Vatican tháng 5-2024).

Đức Phanxicô gắn kết với tầm nhìn thể chế được chia theo chiều kích ‘Phêrô’ và ‘Maria’

Chức phó tế nữ là chủ đề được được tranh luận nhiều nhất ở Thượng Hội đồng, phản ánh toàn cầu này là để Giáo hội tham gia và đón nhận nhiều hơn, ít tập trung hơn, ít mang tính giáo sĩ hơn. Trong lần họp tháng 10 năm 2023, các thành viên kêu gọi “tiếp tục nghiên cứu thần học” đặc biệt dựa trên kết quả của các ủy ban do Giáo hoàng thành lập năm 2016 và sau đó là năm 2020.

Mặc dù kết luận về công việc của họ chưa bao giờ được công khai, nhưng theo nguồn tin của I.Media (từ Vatican), chúng tôi biết công việc của ủy ban thứ hai – có các thành viên bị ràng buộc với bí mật giáo hoàng – đã được đệ trình lên Giáo hoàng cuối năm 2022. Trong tài liệu tóm tắt tháng 10, Thượng Hội đồng yêu cầu trình bày kết quả này tại phiên họp tiếp theo, cho rằng dự án này do đó có thể được tiến hành.

Theo Truyền thống hay theo Giáo hội nguyên thủy?

Tuy nhiên, Thượng Hội đồng bị chia rẽ giữa những người cho rằng chức phó tế nữ sẽ “không thể chấp nhận vì không liên tục với Truyền thống”, hoặc những người cho rằng như thế “thiết lập lại cách làm của Giáo hội nguyên thủy”.

Bà Claire Jonard trách nhiệm ở Trung tâm Hướng nghiệp | © Maurice Page

Nếu các sử gia đồng ý về sự hiện diện của các nữ phó tế trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, thì có hai cách tiếp cận đối lập nhau liên quan đến bản chất của việc truyền chức cho nữ phó tế. Cách thứ nhất là họ được truyền chức bằng việc đặt tay và nghi thức này có chiều kích bí tích. Cách thứ hai ngược lại, chức phó tế nữ không bao giờ có thể tương đương với chức phó tế nam, đó không phải là một bí tích nhưng là một thừa tác vụ được thiết lập – như các mục vụ ngày nay, giáo lý viên hoặc người đọc sách, được mở ra cho giáo dân.

Một cuộc phỏng vấn không phải là một văn bản có tính giáo huấn

Vấn đề về tính hợp pháp của chức phó tế nữ được đặt chồng lên vấn đề bản chất của Giáo hội. Đức Phanxicô gắn kết tầm nhìn thể chế chia theo chiều kích ‘Phêrô’ và ‘Maria’. Một ý tưởng được thần học gia Thụy Sĩ Urs von Balthasar (1905-1988) khai triển, ngài có ảnh hưởng trên Giáo hoàng. Chiều kích Phêrô là tông truyền do các giám mục lãnh đạo, và chiều kích Maria là khía cạnh nữ tính của Giáo hội. Một khái niệm bị nhiều nhà quan sát chỉ trích vì lỗi thời và khái quát hóa. Lời “không” của Đức Phanxicô có xu hướng xác nhận ngài muốn bám vào đường nét khái quát của Truyền thống hơn là tiến tới những thay đổi lớn.

“Liệu chúng ta có thể hướng đến một ‘giải pháp phù hợp’ với những vấn đề nhạy cảm khác nhau của Giáo hội không?”

Như thế cuộc phỏng vấn của CBS dứt khoát “chôn vùi” ý tưởng về chức phó tế nữ, hay chúng ta vẫn có thể mong chờ một thay đổi? Bà Claire Jonard nhớ lại: “Đức Phanxicô sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng chúng ta phải nhớ, cuộc phỏng vấn không phải là một văn bản huấn quyền. Nó không xác nhận bất kỳ quyết định nào. Tôi nghĩ chúng ta phải chờ kết thúc tiến trình Thượng Hội đồng để biết ý kiến dứt khoát về việc này.” 

Hướng tới một chức phó tế theo “hình học biến thiên”?

Không phải là không thể xảy ra như trường hợp của tuyên bố Fiducia supplicans (tháng 12 năm 2023, cho phép chúc phúc cho các cẵp vợ chồng bất hợp lệ), đã có ảnh hưởng đến Giáo hoàng trong vấn đề chức phó tế nữ. Những phản ứng cực kỳ gay gắt theo sau tài liệu đã làm cho ngài phải tìm một thỏa hiệp, cho phép các giám mục Châu Phi không áp dụng văn bản. Đức Phanxicô có bị “cháy” vì kinh nghiệm không tốt này nên quyết định tạt một gáo nước lạnh vào những cải cách của mình không?

Vì thế liệu chúng ta có thể tiến tới, như với việc chúc lành cho các cặp đồng tính, hướng tới một “giải pháp riêng” cho những nhạy cảm khác nhau của Giáo hội không? Ý tưởng này đã được nữ thần học gia Mỹ Phyllis Zagano đưa ra. Bà bảo đảm chức phó tế nữ “chỉ là vấn đề thời gian”, bà nghĩ, nếu không chấp nhận một cách rõ ràng các nữ phó tế, thì Giáo hoàng có thể thiết lập một tình huống trong đó giáo phận có thể phong phó tế cho phụ nữ, sau đó họ sẽ được Vatican xác nhận. 

“Những lời của Đức Phanxicô có thể tạo gián đoạn trong cuộc bỏ phiếu của Thượng Hội đồng” Claire Jonard

Bà Helena Jeppesen, đại biểu Thụy Sĩ tại Thượng Hội đồng kêu gọi các giáo phận trong nước tự mình hành động: “Họ phải khẩn cấp giới thiệu những gì có thể làm trong phụng vụ mà không cần thánh hiến: rửa tội, cử hành Lời Chúa kèm rước lễ, giảng lễ.” Theo bà, chính hành động thực tế tại chỗ, ngoài sự hợp tác ở cấp Thượng Hội đồng Thế giới sẽ có ảnh hưởng và thay đổi Giáo hội, có lẽ thay đổi cả thần học”. 

Rắc rối về Thượng Hội đồng

Tuy nhiên, về mặt nội dung, hình thức can thiệp của Đức Phanxicô cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Bà Claire Jonard thừa nhận: “Tôi không thể hiểu được ý nghĩa này. Có phải ngài muốn khơi dậy cuộc tranh luận về chủ đề này không? Tôi nghĩ dù sao điều này sẽ không làm cho việc đọc tiến trình Thượng Hội đồng trở nên rõ ràng hơn. Chức phó tế nữ là vấn đề được nhiều báo cáo quốc gia đưa vào chương trình nghị sự, dù sao nó sẽ được thảo luận và đưa vào Tài liệu Làm việc. Lời nói của Giáo hoàng chắc chắn có thể làm gián đoạn việc bỏ phiếu.”

Bà Marie-Christine Conrath cũng bối rối, dù bà bảo đảm bà sẽ tiếp tục tham gia Thượng Hội đồng, nhưng tình tiết mới này đã làm cho niềm tin của bà vào tiến trình này bị lung lay: “Nếu mục tiêu là lắng nghe lẫn nhau, nhưng cuối cùng chúng ta không nghe phụ nữ, như vậy tất cả những điều này mang lại ý nghĩa gì?”

Marta An Nguyễn dịch

Thượng Hội đồng: Giáo hội xin được tha thứ bảy tội

Vatican lên kế hoạch cho tài liệu mới về phụ nữ trong Giáo hội

Đức Phanxicô đưa “tội chống lại người di cư” vào giáo lý Công giáo

Thượng Hội đồng: không có chức phó tế cho phụ nữ

Thượng Hội đồng: “Từ cả ngàn năm nay, phụ nữ làm cho hàng giáo sĩ sợ”